Kiên quyết xử lý nghiêm với “ma men”

16/02/2022 07:49

Kinhte&Xahoi Nhờ tuyên truyền, xử phạt nghiêm nên tình trạng người vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông dịp trước và trong Tết Nguyên đán Nhâm Dần đã không còn quá nghiêm trọng. Tuy vậy, trong bối cảnh đang diễn ra nhiều lễ hội, người dân du xuân đông hơn, tình hình vi phạm nồng độ cồn có thể gia tăng nên Cảnh sát giao thông Hà Nội tăng cường tuần tra, kiểm soát, kiên quyết xử lý nghiêm "ma men" khi tham gia giao thông.

Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) kiểm tra nồng độ cồn một người tham gia thông tại quận Đống Đa.

Xử lý nghiêm vi phạm

Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) thông tin, trong 10 ngày Tết Nguyên đán Nhâm Dần (từ 31-1 đến 10-2) đã xử lý 1.099 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông. Trong đó có 31 trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông…

Theo Đại tá Dương Đức Hải, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội), dịp đầu năm, nhất là những ngày Tết, nhiều người thích sử dụng đồ uống có cồn để mừng xuân. Trên thực tế, vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông nếu không được ngăn chặn sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường như va chạm, tai nạn giao thông.

Ghi nhận từ đêm Giao thừa Tết Nhâm Dần (31-1) đến nay, trên nhiều tuyến phố của Thủ đô, Cảnh sát giao thông đã tiến hành đo nồng độ cồn nhiều thanh niên, tạm giữ nhiều phương tiện, qua đó kịp thời ngăn chặn hành vi tụ tập đua xe. Trung tá Trần Quang Chinh (Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 6, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội) cho biết, không vì Tết mà việc xử lý người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn có sự nương nhẹ.

Chiều 13-2, dù nền nhiệt độ Hà Nội giảm sâu, mưa nặng hạt nhưng Tổ công tác xử lý vi phạm nồng độ cồn, Đội Cảnh sát giao thông số 14 vẫn cắm chốt trên các tuyến đường quan trọng phía Nam thành phố. Theo đó, trong khoảng thời gian từ trưa đến đầu giờ chiều 13-2, tại ngã tư Nguyễn Hữu Thọ - Nghiêm Xuân Yêm, tổ công tác Đội Cảnh sát giao thông số 14 đã phát hiện nhiều trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Điển hình là ông Vũ Thanh B. (sinh năm 1957, ở phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai) có nồng độ cồn là 0,410mg/lít khí thở; anh Phạm Văn H. (sinh năm 1978, ở huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) có nồng độ cồn là 0,323mg/lít khí thở. Theo đó, ông B. và anh H. sẽ bị phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22-24 tháng.

Trung tá Nguyễn Anh Tuấn (Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 14) cho hay: "Dịp rằm tháng Giêng, tại nhiều nơi, người dân tổ chức tiệc hết Tết nên thường mời nhau chén rượu, cốc bia. Trong quá trình làm nhiệm vụ trên địa bàn mà đội phụ trách như quận Thanh Xuân, huyện Thanh Trì, ngoài việc xử lý nghiêm vi phạm, các tổ công tác kết hợp tuyên truyền tác hại rượu, bia tới người dân".

Lập biên bản các trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn khi tham gia giao thông tại Đội Cảnh sát giao thông số 2 (Công an thành phố Hà Nội).

Đã uống rượu bia không lái xe!

Việc người dân uống rượu, bia nhưng vẫn điều khiển ô tô, xe máy tham gia giao thông là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông. Do đó, ngay trong những ngày đầu xuân mới, lực lượng Cảnh sát giao thông Thủ đô tiếp tục thực hiện cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng để góp phần kéo giảm tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông ngay từ đầu năm 2022.

Thiếu tá Phạm Minh Quân (Đội Cảnh sát giao thông số 14) cho biết, trong quá trình làm nhiệm vụ, lực lượng cảnh sát sẽ chủ động phát hiện trường hợp nghi vấn để dừng phương tiện, không làm ảnh hưởng đến việc lưu thông. Đơn vị sẽ lập các chốt kiểm tra vi phạm nồng độ cồn, đồng thời kiểm tra thực hiện quy định phòng, chống dịch Covid-19 tại những vị trí có nhiều nhà hàng, quán ăn.

Ở ngoại thành, Trung tá Vũ Quang Tú (Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 9) thông tin, đơn vị đã kết hợp cùng công an các xã dọc quốc lộ 32 qua các huyện Hoài Đức, Đan Phượng, Phúc Thọ, Ba Vì và thị xã Sơn Tây chủ động tuyên truyền tác hại về rượu, bia. Quá trình tuần tra lưu động trên tuyến, Cảnh sát giao thông chủ động phát hiện người điều khiển phương tiện có biểu hiện uống rượu, bia để tiến hành dừng xe, đưa về đơn vị kiểm tra nồng độ cồn, xử lý theo quy định.

Còn theo Chủ tịch UBND phường Bồ Đề (quận Long Biên) Nguyễn Văn Luyện, phường tăng cường tuyên truyền tới người dân trên địa bàn đã uống rượu, bia thì không tham gia giao thông. Đặc biệt, việc này được thực hiện thường xuyên tại khu di tích tâm linh chùa Bồ Đề, đền Gềnh nổi tiếng ở địa phương.

Đại tá Dương Đức Hải, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) khẳng định, các lễ hội đầu xuân còn kéo dài, việc du xuân của người dân vẫn tiếp diễn trong khi lượng lớn sinh viên trở lại Hà Nội học tập nên tình trạng sử dụng rượu, bia sẽ xuất hiện nhiều hơn. Để bảo vệ an toàn tính mạng và tránh bị xử phạt, người dân cần đặc biệt tuân thủ quy định “đã uống rượu bia không lái xe”. Các đơn vị cảnh sát giao thông địa bàn những ngày tới sẽ tiếp tục tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm vi phạm về nồng độ cồn khi tham gia giao thông, duy trì kết quả đạt được ngay từ những ngày đầu tiên của năm mới.

 Chu Dũng - Hà Nội mới 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thế giới dần trở lại cuộc sống bình thường

Khi tỷ lệ tiêm vắc xin phòng Covid-19 trên toàn cầu ngày càng phủ rộng, các liệu pháp chữa trị cho thấy hiệu quả trong việc ngăn ngừa các ca bệnh nặng, danh sách các quốc gia mở cửa biên giới hoặc nới lỏng hoạt động thời gian gần đây đã liên tục gia tăng. Đây là tín hiệu cho thấy một cuộc sống bình thường đang dần trở lại với thế giới sau hơn 2 năm chao đảo vì đại dịch.

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/giao-thong/1024802/kien-quyet-xu-ly-nghiem-voi-ma-men