Kịp thời ngăn tiêu cực, lãng phí trong thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia

17/08/2023 17:05

Kinhte&Xahoi Đoàn giám sát của Quốc hội đề nghị có biện pháp phòng ngừa, đồng thời ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, lãng phí, xử lý nghiêm các vi phạm trong quá trình thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Chiều 17-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo kết quả giám sát bước đầu chuyên đề giám sát của Quốc hội về “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm báo cáo tại phiên họp.

Báo cáo tại phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát cho biết, về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, mục tiêu giai đoạn 2021-2025 đến nay đã có 2 tiêu chí vượt mục tiêu là tiêu chí số 14 về giáo dục và đào tạo, tiêu chí số 16 về văn hóa và 8 tiêu chí được đánh giá gần đạt. Về giải ngân vốn, đến hết tháng 6-2023, vốn đầu tư công năm 2022 chuyển sang thực hiện năm 2023 giải ngân đạt khoảng 88%; vốn thực hiện năm 2023 đạt khoảng 34,3%, cao nhất trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, đến năm 2023, theo báo cáo đánh giá chương trình sẽ đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao: Ước tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều còn 2,93%, (giảm 1,1%); tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33% (giảm 5,62%); tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn khoảng 17,82% (giảm 3,2%).

Dự kiến cuối năm 2023, thêm 9 xã đặc biệt khó khăn được công nhận hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, tổng cộng 10/54 xã, đạt 61,73% so với mục tiêu 30% số xã đặc biệt khó khăn thoát khỏi tình trạng nghèo theo chỉ tiêu giao đến năm 2025.

Tính đến tháng 7-2023, Hà Nội là 1 trong 9 tỉnh, thành phố ban hành chuẩn nghèo đa chiều khác, cao hơn với chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2022-2025.

Về các chỉ tiêu, mục tiêu của Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc vẫn khá tích cực, tỷ lệ nghèo giảm 3,4% (đạt và vượt 3% mục tiêu kế hoạch giao).

Quang cảnh phiên họp.

Đoàn giám sát đánh giá chung, việc triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia đã có tác động, góp phần nâng cao nhận thức, huy động sự vào cuộc của hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp trong việc phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo ở vùng nông thôn, miền núi khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Tuy nhiên, mặc dù về số lượng các văn bản quản lý đến nay cơ bản đã hoàn thành, nhưng qua giám sát nhiều địa phương phản ánh số lượng văn bản quá nhiều, trên 300 văn bản của cả trung ương và địa phương.

Nguồn vốn đầu tư phát triển ngân sách trung ương phân bổ chậm (quý II-2022 mới giao) chưa có cơ chế giao kế hoạch vốn sự nghiệp nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 5 năm cho các Chương trình mục tiêu quốc gia; việc lồng ghép nguồn vốn giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia khó thực hiện…, phân bổ vốn còn manh mún, chưa phù hợp với đặc thù từng vùng, miền, thiếu cơ sở thực tiễn...

Đoàn giám sát đề nghị thực hiện hiệu quả, đồng bộ các giải pháp huy động nguồn lực, trong đó, huy động tối đa nguồn lực của địa phương để tổ chức triển khai chương trình. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện các Chương trình ở các cấp, các ngành; có biện pháp phòng ngừa, đồng thời có biện pháp phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, lãng phí, xử lý nghiêm các vi phạm trong quá trình thực hiện các chương trình.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Quốc hội mong muốn Nghị quyết giám sát thực sự có những kiến nghị, đề xuất đúng và trúng để thúc đẩy thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó, tập trung vào mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã có của các chương trình; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các nguồn lực nói chung trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia…

“Cũng cần làm rõ vì sao chậm, vì sao vướng mắc, điểm nghẽn ở đâu và tháo gỡ như thế nào trong thực hiện các Chương trình”, đồng chí Vương Đình Huệ nói và cho biết phải xác định được trách nhiệm của đơn vị, địa phương chưa thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, đồng thời đề xuất, kiến nghị giải pháp khắc phục cụ thể.

Tiếp thu ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Trưởng đoàn giám sát cho biết, Đoàn giám sát sẽ tiếp tục hoàn thiện báo cáo, dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV.

Mai Hữu - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nền kinh tế Đức: Chặng đường gập ghềnh còn ở phía trước

Mặc dù đã thoát “đáy” suy thoái, nhưng hàng loạt diễn biến trái chiều trong các chỉ số quan trọng tiếp tục phủ bóng lên nền kinh tế Đức. Thực trạng này cho thấy tia hy vọng cuối đường hầm về một lộ trình tăng trưởng của nền kinh tế hàng đầu châu Âu vẫn chưa thực sự rõ ràng.

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.vn/kip-thoi-ngan-tieu-cuc-lang-phi-trong-thuc-hien-3-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-638394.html