Báo cáo một số vấn đề về việc chuẩn bị kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết: Dự kiến, tổng thời gian kỳ họp là 11,5 ngày. Trong đó, công tác nhân sự gồm 5 ngày; việc xem xét các báo cáo và một số nội dung khác có 4,5 ngày; công việc trù bị có 0,5 ngày; lễ khai mạc, bế mạc gồm 1 ngày; chương trình dự phòng có 0,5 ngày. Quốc hội họp phiên trù bị vào chiều 19/7; khai mạc vào ngày 20/7 và dự kiến bế mạc vào sáng 3/8/2021.

 Tổng Thư ký, Chánh Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường

Với đặc thù của nội dung kỳ họp, Quốc hội cần họp tập trung tại Nhà Quốc hội. Văn phòng Quốc hội đã chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo để bảo đảm phục vụ tốt nhất cho kỳ họp, nhất là có phương án, kế hoạch cụ thể cho phòng, chống dịch theo tình hình thực tế.

Dự kiến Chương trình kỳ họp được xây dựng theo hướng không tiến hành công tác tổ chức, nhân sự liền mạch từ đầu đến cuối mà bố trí xen kẽ với các nội dung khác để vừa thực hiện đúng thẩm quyền, quy trình, thủ tục, vừa tiết kiệm thời gian (trong thời gian Quốc hội bầu, phê chuẩn nhân sự, các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý, bảo đảm chất lượng các dự thảo nghị quyết). Tổng Thư ký Quốc hội sẽ thực hiện ngay việc xem xét, quyết định nhân sự các cơ quan của Quốc hội sau phiên khai mạc để các cơ quan này thực hiện các nhiệm vụ theo quy định.

Ngoài ra, đây là kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ nên cần bố trí để Thủ tướng Chính phủ trình bày báo cáo kinh tế - xã hội tại phiên khai mạc. Tuy nhiên, vào thời điểm khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế khóa XV chưa được bầu để trình bày báo cáo thẩm tra về kinh tế - xã hội, nên Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV (đồng chí Vũ Hồng Thanh) được đề nghị trình bày báo cáo thẩm tra.

Theo Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cũng cho biết, căn cứ kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự kiến chương trình đã được bổ sung nội dung về xử lý tài chính cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) khi thanh toán khoản bù giá trong bao tiêu sản phẩm Dự án Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn theo cam kết của Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Căn cứ quy định của Luật Đầu tư công (Điều 47) và Luật Quản lý nợ công (Điều 10), nội dung trình Quốc hội xem xét, quyết định kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 đã được bổ sung tại kỳ họp này cùng các kế hoạch tài chính 5 năm và đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Chính phủ đề nghị bổ sung nội dung trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Chính phủ đã gửi tài liệu và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phân công các cơ quan thẩm tra, nhưng chưa kịp trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 6 này. Đây là những nội dung rất cần được Quốc hội sớm thông qua. Trên cơ sở ý kiến đại diện của các cơ quan thẩm tra, Chính phủ đề ngị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung vào dự kiến chương trình kỳ họp.

Chính phủ đề nghị bổ sung Báo cáo về việc thực hiện (hoặc Đề án) xây dựng đường bộ cao tốc giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030. Tuy nhiên, do không có hồ sơ tài liệu kèm theo đề nghị bổ sung nội dung này nên chưa có căn cứ để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Chính phủ cũng đề nghị chuyển nội dung về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia giai đoạn 2021-2030 và kế hoạch sử dụng đất quốc gia giai đoạn 2021-2025 sang kỳ họp cuối năm 2021. Về vấn đề này, Chính phủ có trách nhiệm giải trình bằng văn bản và nêu rõ lý do lùi thời điểm trình làm căn cứ để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, báo cáo Quốc hội.

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đồng tình với dự kiến chương trình, thời điểm khai mạc, bế mạc kỳ họp và hình thức họp tập trung.

 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ rõ, Kỳ họp này cần có ngay những đổi mới trong công tác tổ chức. Thời lượng để trình các báo cáo cần giảm bớt cho hợp lý, không nên quá dài, làm sao để tiết kiệm thời gian nhưng vẫn nâng cao chất lượng kỳ họp.  

Theo Chủ tịch Quốc hội, đây là kỳ họp đầu tiên của khóa XV, rất đông đại biểu tham gia lần đầu và họp tập trung trong điều kiện dịch bệnh phức tạp nên công tác phòng, chống dịch cần thực hiện nghiêm ngặt.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong phiên họp lãnh đạo chủ chốt, Thường trực Ban Bí thư đã thống nhất và có văn bản đề nghị Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế, các tỉnh thành phố trên cả nước có kế hoạch xét nghiệm và tiêm vaccine cho tất cả đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp. Bên cạnh đó, thành viên Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND, các cán bộ phục vụ tại tòa nhà và phóng viên đưa tin cũng cần được xét nghiệm, tiêm phòng vaccine.

 Hà Bình - Theo KTĐT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

G7 lên kế hoạch đối phó đại dịch trong tương lai

Nhóm 7 nhà lãnh đạo của các nước gồm Vương quốc Anh, Canada, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản và Mỹ đã họp mặt trực tiếp tại Cornwall, Tây Nam nước Anh từ ngày 11 - 13/6, để thảo luận về nhiều lĩnh vực, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã tàn phá các nền kinh tế và thúc đẩy chăm sóc sức khỏe thành một ưu tiên trên toàn thế giới. Các quốc gia Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia và Nam Phi cũng tham dự với tư cách khách mời.

Bản đồ du lịch mùa Covid-19

Theo CNN, các quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU) đã bắt đầu kế hoạch mở cửa trở lại đón khách du lịch trong khối. EU cũng đang có kế hoạch mở cửa với các quốc gia ngoài khối đã làm tốt công tác tiêm chủng như Israel, New Zealand, Rwanda, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan và Australia.

link bài gốc http://kinhtedothi.vn/ky-hop-thu-nhat-quoc-hoi-khoa-xv-danh-5-ngay-cho-cong-tac-nhan-su-423563.html