Ngày 8-9, theo AP, những trở ngại gần đây đối với phụ nữ và trẻ em gái sinh sống tại những quốc gia bị ảnh hưởng bởi xung đột, tác động của biến đổi khí hậu, thành kiến và sự thiếu đầu tư đang làm chậm mục tiêu đạt được bình đẳng giới và thậm chí đảo ngược tiến độ trong một số trường hợp.
Ảnh minh họa: Reuters
Về mục tiêu chính là xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, báo cáo của UN nêu rõ, cứ 10 phụ nữ thì có 1 người sống với mức thu nhập dưới 2,15 USD/ngày.
Nếu xu hướng hiện nay tiếp tục, 8% dân số nữ trên thế giới, hầu hết ở châu Phi cận Sahara, sẽ vẫn sống trong tình trạng nghèo đói cùng cực vào năm 2030.
Trong khi khả năng tiếp cận giáo dục nói chung đang tăng, hàng triệu trẻ em gái chưa bao giờ có cơ hội đến trường hoặc hoàn thành chương trình giáo dục, đặc biệt ở những khu vực xung đột.
Báo cáo chỉ ra thống kê đáng lo ngại khi 129 triệu trẻ em gái và phụ nữ trẻ trên toàn cầu có thể phải nghỉ học trong năm 2023. Với tốc độ hiện tại, ước tính khoảng 110 triệu trường hợp sẽ không được đến trường vào năm 2030.
Đối với mục tiêu việc làm bền vững, số phụ nữ trong độ tuổi từ 25 đến 54 tham gia lực lượng lao động vào năm 2022 chỉ đạt tỷ lệ 61,4% so với 90,6% ở nam giới. Ở những lĩnh vực quan trọng như khoa học, công nghệ và đổi mới, rào cản giới tính đang hạn chế vai trò của phụ nữ, đặc biệt trong bối cảnh bùng nổ công nghệ trí tuệ nhân tạo.
Về mục tiêu thúc đẩy hòa bình, các cuộc xung đột đang leo thang trên toàn cầu tác động đến 614 triệu phụ nữ và trẻ em gái vào năm 2022, tăng hơn 50% so với năm 2017.
Báo cáo cũng cho biết, 48 quốc gia đang phát triển cần khoảng 6,4 nghìn tỷ USD mỗi năm để đạt được bình đẳng giới trong các lĩnh vực then chốt, bao gồm chấm dứt đói nghèo và hỗ trợ sự tham gia bình đẳng hơn của phụ nữ trong xã hội vào năm 2030. Nếu không tăng đầu tư cho vấn đề bình đẳng giới, mức thiếu hụt hằng năm sẽ là 360 tỷ USD.
Thương Nguyệt - Hà Nội mới