EU ước tính, mỗi cư dân châu Âu lãng phí 131kg thực phẩm mỗi năm. Tình trạng này dẫn đến tốn kém tiền bạc của người tiêu dùng, thải ra lượng khí carbon dioxide dư thừa, gây lãng phí năng lượng, nhiên liệu và nước được sử dụng trong hoạt động sản xuất thực phẩm. Đáng chú ý, các hộ gia đình chịu trách nhiệm cho hơn một nửa số thực phẩm bị lãng phí ở châu lục này.
Liên minh châu Âu đang tìm cách giải quyết tình trạng lãng phí thực phẩm tại châu lục này. Ảnh: Reuters
Dự thảo luật của EU do Ủy ban châu Âu (EC) dự kiến đề xuất vào ngày 5-7 sắp tới cho thấy, mục tiêu ràng buộc đối với tất cả quốc gia thành viên EU là giảm lãng phí 30% thực phẩm trong các cửa hàng, nhà hàng và hộ gia đình tính theo đầu người vào cuối năm 2023.
Các quốc gia EU cũng sẽ phải cắt giảm 10% mức lãng phí thực phẩm trong quá trình chế biến và sản xuất vào năm 2030. Mức giảm này có thể sẽ được thay đổi trước khi dự thảo luật được công bố.
Theo Reuters, các quốc gia thành viên EU sẽ phải đàm phán về dự thảo luật với Nghị viện châu Âu (EP). Hai bên cũng cần đưa ra những biện pháp phù hợp để thúc đẩy các công ty sản xuất thực phẩm và người tiêu dùng đạt được các mục tiêu đề ra.
Các biện pháp có thể bao gồm các quy tắc hạn chế những chương trình khuyến mãi mua quá nhiều thực phẩm dẫn đến lãng phí, khuyến khích người nông dân và các cửa hàng quyên góp sản phẩm dự phòng…
Liên quan vấn đề lãng phí thực phẩm, Brussels (Bỉ) đang nghiên cứu một hệ thống nhãn dán cung cấp thông tin chi tiết hơn về hạn sử dụng để tránh tình trạng việc người tiêu dùng vứt bỏ thực phẩm vẫn có thể sử dụng được.
Năm 2015, các quốc gia EU đã ký kết Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) 12.3, hướng đến việc giảm 50% mức lãng phí thực phẩm vào năm 2030. Năm 2018, EU đã tái khẳng định cam kết đạt được SDG 12.3.
Hiện tại, EC đứng trước cơ hội đề xuất các mục tiêu giảm thiểu lãng phí thực phẩm mang tính ràng buộc về mặt pháp lý đối với các quốc gia thành viên EU. Để từ đó hướng đến mục tiêu giảm một nửa lượng lãng phí thực phẩm và đạt được những lợi ích đáng kể đối với môi trường, kinh tế và an ninh lương thực.
Thương Nguyệt - Hà Nội mới