Lo ngại 3 dự án đường sắt tai tiếng tạo “vết xe đổ”

16/10/2019 11:06

Kinhte&Xahoi 3/10 dự án đường sắt đô thị Hà Nội đang như những “bức tranh” vẽ dở, với những “màu sắc” loang lổ của tiêu cực, đội vốn và lê thê tiến độ… Tiền bỏ ra đã nhiều nhưng đường sắt vẫn chưa thể vận hành. Bảy dự án còn lại nếu triển khai, liệu có đi vào “vết xe đổ” các dự án Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - Ga Hà Nội và Ngọc Hồi - Yên Viên?

Đội vốn, chậm tiến độ... là những từ “gắn chặt” với các dự án đường sắt trên cao ở Hà Nội

Bức tranh ảm đạm

Hà Nội cần phát triển giao thông công cộng để giảm ùn tắc. Đó là nhu cầu cấp bách. Trong bối cảnh đó, đường sắt đô thị đã được ưu tiên đầu tư mạnh. Thế nhưng, tổng quan về đường sắt đô thị Hà Nội đến thời điểm này thật sự ảm đạm và đáng buồn! Ở góc nhìn này, đòi hỏi những chủ thể liên quan phải đặt vấn đề  một cách nghiêm túc, thậm chí nếu cần thiết phải đưa ra những quyết định dũng cảm rằng: Có nên tiếp tục đầu tư vào một số dự án đường sắt đô thị như trong quy hoạch? Những dự án đã đầu tư thì cần giải pháp gì để đồng tiền đó thực sự có hiệu quả? 

TS.Nguyễn Xuân Thủy -  người đã dành phần lớn cuộc đời mình để nghiên cứu về giao thông đô thị trong nước và thế giới tỏ ra rất tiếc nuối khi nói về câu chuyện metro của Hà Nội. “Giá như cách đây gần 30 năm, Hà Nội nghe chúng tôi về quy hoạch đường sắt đô thị thì nay đã khác rồi”, ông Thủy nói và cho rằng, nếu trước đây quy hoạch chuẩn, thì nay Hà Nội đã có những tuyến đường sắt trên cao ngang dọc khắp thành phố và không có tình trạng tắc đường như ngày hôm nay. 

Ông Thủy nhớ lại, vào năm 1994, giới khoa học của ông đã đề xuất với Hà Nội xây dựng sớm tàu điện ngầm và đường sắt trên cao. Hà Nội sau đó có hẳn một quy hoạch, báo chí thời điểm đó rầm rộ đưa tin đến năm 2000 Hà Nội sẽ có hệ thống metro và đường sắt trên cao. Thế nhưng sau đó, lãnh đạo Hà Nội và Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) lãng quên quy hoạch này.

Đến khi Hà Nội xây dựng đường sắt trên cao, thì dưới mặt đất, phương tiện cá nhân đã đầy đường, vỡ trận. “Anh để phương tiện cá nhân quá phát triển rồi mới phát triển phương tiện công cộng, mới xây metro, đường sắt trên cao thì đã quá muộn”, ông Thủy nói.

Vị chuyên gia giao thông này cũng cho rằng, Hà Nội làm đường sắt trên cao không chỉ muộn mà còn làm chậm. Ông lấy ví dụ, tuyến 2A Cát Linh – Hà Đông dài hơn 13km, bắt đầu thực hiện dự án từ năm 2008 nhưng đến nay sau hơn 10 năm vẫn chưa thể khai thác. Tuyến số 3 Trôi – Nhổn – Hoàng Mai, đoạn Nhổn – Ga Hà Nội được khởi công từ năm 2010, dài 12,5km nhưng đến nay mới cơ bản hoàn thiện đoạn trên cao từ Nhổn đến Kim Mã, 4 ga ngầm vẫn đang triển khai và chưa biết ngày nào hoàn công.

Trao đổi với PLVN về dự án đường sắt trên cao tuyến số 1 Ngọc Hồi - Yên Viên mấy ngày gần đây đang “nóng” vì chuyện Bộ GTVT muốn chuyển chủ đầu tư sang UBND TP.Hà Nội, TS.Thủy cho rằng, đây là 1 dự án vô cùng ảm đạm và tiêu cực ngay từ trên giấy tờ.

Theo đó, dự án này được Chính phủ chấp thuận báo cáo nghiên cứu tiền khả thi từ năm 2004, đến nay dù chưa khởi công nhưng đã đội vốn lên 9 lần từ 9.197 tỷ đồng lên 81.537 tỷ đồng. Nhà thầu Nhật Bản dính bê bối hối lộ dẫn đến dự án ngưng trệ. Cụ thể, một số nơi đã được giải phóng mặt bằng nhưng hiện dự án chưa thể triển khai. Như trên đã nói, với ý định “buông” dự án này từ phía Bộ GTVT, không biết tới khi nào tàu mới lăn bánh trên đó? 


TS. Nguyễn Xuân Thủy 

Chuyên gia: Nên tập trung cho 4 - 5 dự án 
 
Việc xây dựng đường sắt trên cao ở Hà Nội là đắt so với thế giới. Theo ông Thủy, ở các nước Pháp, Mỹ, Singapore… làm 1km đường sắt trên cao chỉ khoảng 150 triệu USD, ở Việt Nam tốn khoảng 170 - 180 triệu USD. “Trong khi nhân công và mức sống ở mình thấp hơn những nước này rất nhiều”, ông Thủy nói và cho rằng, nguyên nhân suất đầu tư cao như vậy liên quan đến đạo đức, tham nhũng. Ngoài ra, việc dự án đường sắt đô thị nào ở Việt Nam cũng đội vốn mấy lần là do năng lực Tư vấn thiết kế và nhà thầu kém.

Trước thực tế “bức tranh” đường sắt đô thị ở Hà Nội đang “vẽ” dở dang, ông Thủy cho rằng Hà Nội lỗi từ khâu quy hoạch, đồng thời quá trình thực hiện chưa gặp được người đủ tâm, đủ trình độ. “Thực tế là nước ta chưa từng làm đường sắt đô thị, Hà Nội làm theo kiểu cứ làm, sai đến đâu sửa đến đấy và rồi càng làm càng hỏng, càng đội vốn”, vị này nhận định.

Làm đường sắt đô thị rất tốn tiền của nhân dân, do đó hiện nay không nhất thiết Hà Nội phải thực hiện cả 10 dự án như trong quy hoạch mà nên tập trung vào xây dựng tốt từ 4-5 dự án. “Bằng này dự án mà thành công thì áp lực giao thông ở Hà Nội cũng sẽ giảm đáng kể. Vấn đề là phải xây dựng được những tuyến chất lượng”, lời ông Thủy.

Tiến sĩ Đinh Thị Thanh Bình - nữ chuyên gia nghiên cứu giao thông đô thị (Đại học GTVT Hà Nội) cho rằng, để hạn chế tình trạng ngày càng ách tắc giao thông ở Hà Nội, cần phát triển đồng bộ hệ thống giao thông công cộng, trong đó có đường sắt trên cao, hệ thống metro. “Cần xây đồng bộ, theo hệ thống chứ không phải xây lẻ tẻ một, hai dự án. Khi đó mới đem lại hiệu quả cao”, bà Bình nói.

Vì sao có ý tưởng làm đường sắt Cát Linh - Hà Đông?

Khoảng năm 1995 - 1996, Kiến trúc sư trưởng TP Hà Nội, đã theo đoàn khảo sát của Hà Nội đi thăm các nước có hệ thống vận tải khối lượng lớn. Dân số Hà Nội khi đó đã vượt quá con số một triệu người. Đường sắt đô thị trở thành đề tài cấp thiết. Năm 1998, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung của Thủ đô đến năm 2020, đặt ra 5 tuyến đường sắt đô thị, trong đó thống nhất đặc trưng của đường sắt đô thị Hà Nội là kết hợp cả đoạn đi ngầm và đoạn đi trên cao.

Ý tưởng thực hiện tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông xuất hiện từ năm 2003, khi Hà Đông vẫn còn là trung tâm của tỉnh Hà Tây và là thành phố gần Hà Nội nhất, và hướng đi Hà Đông lại khó mở rộng do vướng các công trình hai bên đường Nguyễn Trãi. Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được kỳ vọng là cầu nối liên kết vùng, để giải quyết áp lực giao thông và áp lực dân số của hai thành phố. Năm 2008, dự án được ký kết với chủ đầu tư là Bộ GTVT và chính thức được khởi công vào tháng 11/2011.

Theo Quy hoạch GTVT Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016, mạng lưới đường sắt đô thị ở Hà Nội bao gồm 10 tuyến, bao gồm cả các tuyến trên cao và đi ngầm. Các dự án đường sắt đô thị của Hà Nội được Chính phủ giao cho Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội làm chủ đầu tư. 



 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Cụ bà 75 tuổi kiên quyết sinh con

Nhờ vào phương pháp thụ tinh nhân tạo, bà cụ 75 tuổi đã sinh một bé gái tại thị trấn Kota - Ấn Độ vào tối 12-10 (giờ địa phương).

Nguồn: Pháp luật Plus