Loạt bài về Công ty Anh Tuấn Phát (Nha Trang) - Bài 1: Những dấu hiệu bất thường của một Công ty vận tải hành khách

18/09/2018 17:50

Kinhte&Xahoi Vốn điều lệ chỉ vẻn vẹn 3 tỷ đồng (sau điều chỉnh lên 6 tỷ) nhưng chỉ sau hơn một năm, Công ty vận tải Anh Tuấn Phát đã sở hữu một lượng xe khách rất lớn, trị giá hàng trăm tỷ đồng. Điều đáng chú ý là, hầu hết các xe đều được các ngân hàng đặc biệt ưu ái cho vay vượt quá giá trị xe hàng tỷ đồng.

Phát triển nhanh bất thường

Kinh doanh vận tải hành khách tại thành phố du lịch Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà là một ngành nghề rất phát triển với hàng chục Công ty lớn nhỏ, hàng ngàn xe các loại. Do lượng khách du lịch ổn định quanh năm nên hầu hết các công ty này đều có “thâm niên” kinh doanh nhiều năm, phát triển bền vững, hầu hết các ông bà chủ đều quen biết nhau. Tuy nhiên, chỉ trong vòng hơn một năm gần đây, giới kinh doanh vận tải phát hiện một hiện tượng lạ trong giới: Công ty TNHH vận tải Anh Tuấn Phát. 

Sở dĩ giới kinh doanh xe phải chú ý đến Công ty Anh Tuấn Phát bởi sự phát triển nhanh lạ thường và phong cách kinh doanh bất thường của nó. Chỉ từ cuối năm 2016 đến giữa năm 2018, Công ty này đã sở hữu hàng chục xe khách các loại, trong đó chủ yếu là dòng xe du lịch hạng sang 47 chỗ mang thương hiệu Universe của hãng Huyndai, Hàn Quốc trị giá hàng trăm tỷ đồng. 

Địa điểm tập kết hơn 100 chiếc xe khách của Công ty Anh Tuấn Phát

Phát triển nhanh, đơn giá vận tải hành khách gửi cho các đối tác với giá thấp hơn mặt bằng chung, Công ty Anh Tuấn Phát nhanh chóng chiếm được nhiều mối khách hàng lớn của các Công ty khác trên địa bàn. Điều này đã phá vỡ sự cân bằng nhiều năm trong giới kinh doanh vận tải hành khách, ảnh hưởng đến sự cạnh tranh lành mạnh của thị trường. Vấn đề là Công ty Anh Tuấn Phát lấy đâu tài chính để vừa ồ ạt mua sắm, vừa hạ giá thành cạnh tranh quyết liệt như vậy?   

“Nếu không có đại gia chống lưng đằng sau thì chắc chắn họ sẽ phải có quan hệ “đặc biệt” với ngân hàng, Thuế, Đăng kiểm, Công an … hoặc làm cách nào đó để có thể nhanh chóng làm thủ tục vay vốn, giải ngân, đưa phương tiện vào hoạt động kinh doanh trong thời gian ngắn như vậy.” một bà chủ Công ty vận tải hành khách tại Nha Trang nhận xét như vậy về Công ty Anh Tuấn Phát. 
Công ty Anh Tuấn Phát “tay không bắt giặc”

Theo Đăng ký tại Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hoà, Công ty TNHH vận tải Anh Tuấn Phát (Công ty Anh Tuấn Phát) có trụ sở tại 28 Lê Thánh Tôn, Thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hoà. Đăng ký lần đầu ngày 25/9/2014, thay đổi đăng ký lần thứ 1 ngày 18/7/2016 với số vốn điều lệ 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ trong năm 2017 và 8 tháng đầu năm 2018, số xe làm thủ tục đăng ký lệ phí trước bạ mới của Công ty Anh Tuấn Phát tại Cục thuế tỉnh Khánh Hoà đã là 23 xe với tổng số tiền lên đến 37 tỷ 720 triệu đồng. 

Điều đáng chú ý là hầu hết các xe này đều là tài sản thế chấp tại 7 ngân hàng đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà để vay vốn. Thực chất, nếu làm đúng pháp luật, việc một Công ty cầm cố giấy tờ xe gốc để vay vốn ngân hàng mua xe là một nghiệp vụ kinh doanh rất bình thường, không có gì đặc biệt. Công ty Anh Tuấn Phát là khách hàng lớn nên việc các Ngân hàng quan tâm, tạo điều kiện thủ tục giải ngân nhanh cũng không quá đặc biệt.

Danh sách hàng chục chiếc xe ô tô khách do Công ty Anh Tuấn Phát sở hữu được Trung tâm kiểm định xe cơ giới tỉnh Khánh Hòa cung cấp cho PV.

Tuy nhiên, điều đặc biệt ở đây là số tiền vay được của Công ty Anh Tuấn Phát từ các Ngân hàng. Theo nguyên tắc phòng ngừa rủi ro của ngân hàng thì chỉ giải quyết cho khách hàng vay từ 60 đến 70% giá trị tài sản đảm bảo. Như vậy, nếu Công ty Anh Tuấn Phát muốn mua thêm một chiếc xe mới thì họ phải có ít nhất 30 đến 40% vốn đối ứng, số còn lại thì vay ngân hàng. Theo đó, để có được 23 chiếc xe mới với tổng số tiền 37 tỷ 720 triệu đồng (theo hồ sơ đăng ký lệ phí trước bạ) thì Công ty này phải có ít nhất 15 tỷ tiền vốn đối ứng. Tuy nhiên, theo nhiều tài liệu phóng viên thu thập được thì Công ty Anh Tuấn Phát có dấu hiệu bất thường khi được các Ngân hàng duyệt cho vay vượt mức giá trị tài sản đảm bảo để từ đó, không cần bỏ một xu tiền vốn nào vẫn có thể mua thêm xe mới, thậm chí còn dư để tái đầu tư thêm xe khác. 

Đơn cử, theo Hợp đồng vay vốn mã số 56204001 của ngân hàng A. chi nhánh Khánh Hoà, vào ngày báo cáo tài sản gần nhất 28/4/2018, Công ty Anh Tuấn Phát thế chấp 3 xe ô tô khách 47 chỗ ngồi hiệu 3-2 AUTO UNIVERSE màu trắng có giá trị tài sản lên tới 8 tỷ 850 triệu đồng. Trên cơ sở đó, ngân hàng này đã giải ngân cho Công ty Anh Tuấn Phát số tiền 5 tỷ 750 triệu đồng, tương ứng với 65 % giá trị tài sản đảm bảo. Qua tài liệu thu thập từ hồ sơ đăng ký lệ phí trước bạ và các nguồn khác cho thấy giá trị gốc của 3 chiếc xe này chỉ là 4 tỷ 710 triệu đồng. 

Chỉ một hồ sơ vay vốn tại một ngân hàng, Công ty Anh Tuấn Phát đã “tay không bắt giặc” được ba chiếc xe hạng sang Huyndai Universe, vậy còn hàng chục chiếc xe khác tại 07 ngân hàng khác số phận có tương tự? Vấn đề nữa là việc các ngân hàng bị Anh Tuấn Phát “qua mặt” một cách quá dễ dàng như vậy là do thiếu tinh thần trách nhiệm hay năng lực không đủ hay có sự cố ý làm trái của cán bộ Ngân hàng? Chúng tôi sẽ tiếp tục gửi tới độc giả câu trả lời tại phần 2 của phóng sự này.

Theo Đình Dũng - Minh Tú/KD&PL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Người phụ nữ phải cắt bỏ 5 ngón chân vì để cá rỉa trong spa

Theo Daily Mail hôm 13/9 đưa tin, Victoria Curthoys (29 tuổi), sống ở thành phố Perth, Úc, đi du lịch Thái Lan vào năm 2010. Khi đó cô có vào một tiệm spa và cho cá rỉa chân (một hình thức phổ biến tại một số spa địa phương) và không biết mình đã nhiễm vi khuẩn Shewanella.