Loạt vi phạm trên đất vàng đến sân golf, chuyển Bộ Công an điều tra 12 vụ

22/02/2021 14:37

Kinhte&Xahoi Hàng loạt sai phạm trong quản lý và sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam và Tổng công ty Chè Việt Nam ở Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng…

Gần 20.000ha đất bị lấn chiếm, duyệt dự án sân golf trên đất rừng sai quy hoạch 

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Bùi Ngọc Lam vừa ký thông báo Kết luận thanh tra số 1452/KL-TTCP về việc chấp hành pháp luật trong quản lý và sử dụng đất đai, trong đó có đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam và Tổng công ty Chè Việt Nam.

Kết luận của TTCP cho thấy tại thời điểm thanh tra vẫn còn gần 20.000ha đất của 3 tập đoàn và tổng công ty bị lấn chiếm.

Với Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (Tập đoàn Cao su), đến ngày 31/12/2017, tổng diện tích đất bị lấn chiếm là 10.710ha và để diện tích đất chồng lấn giữa các công ty thuộc tập đoàn với những đối tượng khác lên tới 1.737ha. Đến thời điểm thanh tra vẫn còn 11.971ha chưa được giải quyết dứt điểm, vi phạm quy định của pháp luật đất đai.

UBND tỉnh Hoà Binh duyệt quy hoạch dự án sân golf Hòa Bình – Geleximco trên diện tích hơn 140ha đất trồng rừng chưa đúng quyết định của Thủ tướng phê duyệt quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020

UBND tỉnh Hoà Bình duyệt quy hoạch dự án sân golf trên diện tích hơn 140ha đất trồng rừng chưa đúng quyết định của Thủ tướng phê duyệt quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020

Tại Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Tổng công ty Lâm nghiệp), còn để diện tích đất bị lấn chiếm chưa thu hồi là 7.396ha, chủ yếu xảy ra vào giai đoạn năm 2005 về trước. Một trong các nguyên nhân là do các lâm trường quốc doanh được giao đất lâm nghiệp nhưng để đất trống nhiều năm không đưa vào sử dụng nên bị hộ dân lấn chiếm; đất lâm nghiệp chưa được đo đạc, cắm mốc và chưa có bản đồ địa chính, không có hồ sơ ranh giới cụ thể nên không có đầy đủ hồ sơ pháp lý.

Còn tại Tổng công ty Chè Việt Nam (Tổng công ty Chè) đến nay còn để 497ha đất bị lấn chiếm (tập trung tại tỉnh Phú Thọ tới 98,5%) chưa được giải quyết dứt điểm.

Thông báo kết luận của TTCP còn chỉ ra loạt tồn tại, vi phạm tại nhiều địa phương. Trong đó, tại Hoà Bình, TTCP xác định UBND tỉnh duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 dự án sân golf ở Hòa Bình trên diện tích hơn 140ha đất trồng rừng của Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình (đã có quyết định thu hồi 61,58ha) chưa đúng quyết định của Thủ tướng phê duyệt quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020.

Liên quan đến vấn đề trên, tháng 6/2019, UBND tỉnh Hòa Bình có văn bản đề nghị Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng cho phép tỉnh này chuyển mục đích sử dụng đối với diện tích đất lâm nghiệp sử dụng kém hiệu quả (địa hình đồi núi dốc có đường vào) để phát triển kinh tế xã hội, tạo công ăn việc làm cho người lao động.

Không chỉ để xảy ra vi phạm tại dự án sân golf, theo TTCP, UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt quy hoạch dự án Viện dưỡng lão và Công viên tâm linh Vĩnh Hằng vào diện tích 66,17ha đất của Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình (là đất được Thủ tướng phê duyệt cho Công ty được giữ lại sau cổ phần hóa). Dự án trên không có trong quy hoạch nghĩa trang trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, không có trong Nghị quyết năm 2013 của Chính phủ về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của tỉnh.

Khu đất số 67 Ngô Thì Nhậm (Hà Nội) - 1 trong 12 khu đất TTCP kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Công an điều tra

Ngoài ra, tỉnh đã cấp giấy phép đầu tư cho các dự án với diện tích 263,42ha chồng lấn lên đất của Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình và UBND các huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân nhận khoán đất của Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình tại các huyện Lương Sơn, Kỳ Sơn, Tân Lạc, Lạc Sơn và UBND TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình là 280,94ha (tổng diện tích 544,36ha). Việc này trái quy định tại Nghị định 181/NĐ-CP (Nhà nước không cấp GCNQSD đất cho người nhận khoán đất trong các nông, lâm trường).

Đối với dự án sân golf TTCP kiến nghị UBND tỉnh Hòa Bình báo cáo Thủ tướng cho ý kiến xử lý đối với diện tích đất (có địa hình phức tạp đồi núi, dốc...khó sử dụng để sản xuất lâm nghiệp thực hiện dự án này.

Nhiều sai phạm trong sử dụng “đất vàng”

Theo TTCP, tại 3 tập đoàn, tổng công ty còn tình trạng chấp hành không đúng quy định pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường; trong xử lý sắp xếp lại nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước.

Trong đó Tập đoàn Cao su có 759 cơ sở nhà, đất nhưng mới sắp xếp xử lý được 43 cơ sở, chiếm 5,7% cơ sở nhà, đất phải sắp xếp lại theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.

Cũng theo kết luận thanh tra, tại số 117 Hai Bà Trưng (Q.3, TP.HCM) và số 56 Nguyễn Du (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội), tập đoàn cho thuê một phần diện tích làm văn phòng làm việc là chưa thực hiện đúng quy định của Luật đất đai 2013.

Một số cơ sở nhà, đất khác tại Q.Hai Bà Trưng (Hà Nội) và Q.Bình Thạnh (TP.HCM) cũng được tập đoàn này đem cho mượn đất làm nhà ở để bị lấn chiếm chưa thu hồi được.

Đặc biệt, Công ty Tài chính cao su ký hợp đồng mua tài sản là quyền sử dụng đất năm 2004, 2005 để làm trụ sở văn phòng công ty nhưng không lập báo cáo nghiên cứu, chưa có dự án đầu tư được phê duyệt. Giá mua tài sản là đất tại số 410 Trường Chinh (P.13, Q.Tân Bình), số 179A Nơ Trang Long (P.12, Q.Bình Thạnh) và số 44 đường số 8 (P.11, Q.6, TP.HCM) vào năm 2004 và 2005 cao hơn giá đất do UBND TP ban hành năm 2018.

Tổng công ty Lâm nghiệp có 83 cơ sở nhà, đất và đã sắp xếp xử lý được 7 cơ sở. Trong đó có vi phạm tại thửa đất số 67 Ngô Thì Nhậm (Q.Hai Bà Trưng), khu đất có vị trí đắc địa tại Hà Nội, TTCP kiến nghị Tổng công ty cung cấp hồ sơ, tài liệu để cơ quan chức năng điều tra, xử lý vi phạm đối với những tổ chức, cá nhân có liên quan trong quản lý, sử dụng đất sai quy định.

Tổng công ty Chè đưa 12 khu đất tại Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Hoà Bình, Sơn La để góp vốn liên doanh, liên kết, cho thuê lại đất không đúng quy định; thoái vốn không thông qua đấu giá. TTCP kiến nghị Tổng công ty cung cấp hồ sơ, tài liệu để cơ quan chức năng điều tra, xử lý vi phạm trong việc sử dụng nhà đất, góp vốn liên doanh liên kết không xin ý kiến chủ sở hữu, thoái vốn không thông qua đấu giá, ký các hợp đồng cho thuê nhà đất… vi phạm quy định của pháp luật về đất đai.

Chuyển Bộ Công an điều tra 12 vụ việc

TTCP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành chấn chỉnh, khắc phục và xử lý những tồn tại, vi phạm trong quản lý sử dụng đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh tại Tập đoàn Cao su, Tổng công ty Lâm nghiệp và Tổng công ty Chè.

Đáng chú ý, TTCP kiến nghị giao Bộ Công an điều tra xác minh để xử lý theo quy định pháp luật tại 12 cơ sở nhà, đất.

Cụ thể, TTCP kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Công an điều tra những vi phạm trong quản lý, sử dụng nhà đất tại số 67 Ngô Thì Nhậm (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội), số 25D Cát Linh (Q.Đống Đa, Hà Nội), khu đất 1.500m2 tại Trần Khát Chân (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội), số 59 An Bình (P.6, Q.5, TP.HCM), số 225 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Q.3, TP.HCM), số 126 Lạy Tray (Q.Ngô Quyền, Hải Phòng) cùng 6 khu đất khác tại Hà Nội, Hải Phòng, Hòa Bình và Sơn La. 

 Thuận Phong - Đoàn Bổng - Theo Vietnamnet

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hộ chiếu vắc xin ngừa Covid-19: ''Tấm hộ chiếu'' gây nhiều tranh cãi

Với các chiến dịch tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 trên diện rộng đang được thực hiện ở nhiều quốc gia, Đan Mạch vừa công bố sẽ triển khai hộ chiếu điện tử tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 trong vòng từ 3 đến 4 tháng nữa. Tuy nhiên, khi các ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2 trên thế giới vẫn không ngừng gia tăng thì nhiều ý kiến cho rằng, liệu có nên tạo ra “hộ chiếu vắc xin” - tấm vé vàng cho phép người đã được tiêm chủng ngừa vắc xin có thể đến bất cứ đâu mà người khác lại không thể.

Nguồn: Pháp luật Plus