Australia thông qua bộ luật chế tài các mạng xã hội.
Mục đích cụ thể của bộ luật này là buộc các mạng xã hội và nền tảng truyền thông phải trả tiền cho các nhà xuất bản hay báo chí trong nước mỗi khi đăng trên đó những thông tin và dữ liệu thuộc bản quyền của các nhà xuất bản hay báo chí của Australia.
Bộ luật này không xác định cụ thể diện đối tượng bị chế tài, nhưng ai ai ở bên trong cũng như bên ngoài Australia đều biết rằng mục tiêu chính và trước hết của bộ luật này là buộc các ông to bà lớn trên lĩnh vực mạng xã hội và nền tảng truyền thông quốc tế như Google, Facebook hay Youtube phải mở hầu bao.
Bộ luật này thuần túy là luật quốc gia của Australia nhưng tác động của nó lại vượt xa khuôn khổ lãnh thổ của Australia vì luật quốc gia này tạo tiền lệ và rồi đây sẽ nhanh chóng trở thành cái lệ mới trên thế giới. Các nước và các nơi rồi đây sẽ dần hành động như Australia để buộc các mạng xã hội và nền tảng truyền thông lớn trên thế giới phải chia sẻ lợi nhuận kếch xù kiếm được từ việc để cho người khác sử dụng cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ số của họ. Australia không phải là quốc gia đi tiên phong trong việc chế tài này nhưng là nơi đầu tiên trên thế giới luật hóa nó.
Năm ngoái, Mỹ và EU đã “sờ gáy” hãng Google và hãng này buộc phải chi ra không ít tiền để hòa giải. Google chịu chi tiền để việc chế tài không bị luật hóa. Trong trường hợp Australia, hãng Facebook lại hành xử rất khác. Sau khi Quốc hội Australia xây dựng xong dự thảo luật này và chuẩn bị thông qua, hãng Facebook chơi chiến thuật “lấy cương chế cương”, cụ thể là không cho đăng lên tất cả thông tin và dữ liệu xuất phát từ Australia trong nhiều ngày.
Facebook bằng cách hành xử ấy muốn chứng tỏ cho Australia và cả thế giới thấy bên nào uy quyền lớn hơn bên nào. Phía Quốc hội Australia có nhượng bộ nhất định cho Facebook nhưng những nhượng bộ ấy không mang tính cơ bản mà chủ yếu nhằm để giữ thể diện cho Facebook.
Facebook cuối cùng rồi vẫn phải chấp nhận trả tiền cho các nhà xuất bản và báo chí ở Australia. Bộ luật đã được Quốc hội Australia thông qua. Gần như ngay sau đấy, Chính phủ Ấn Độ tuyên cáo sẽ soạn thảo luật quốc gia với mục đích chế tài những mạng xã hội và nền tảng truyền thông quốc tế như Google, Facebook, Youtube... Chuyện kinh doanh của các hãng này tới đây sẽ không còn có thể được như trước nữa trên phương diện hệ số sinh lời.
Thật ra, sự ra đời của những bộ luật quốc gia như thế là không còn có thể tránh khỏi. Thậm chí còn không thể loại trừ khả năng nhiều quốc gia cùng liên thủ, liên kết hay liên minh về pháp lý quốc tế để chế tài những mạng xã hội và nền tảng truyền thông quốc tế lớn này. Trong thực chất, hoạt động của các mạng xã hội hay nền tảng truyền thông chẳng khác gì kinh doanh trực tuyến và dựa trên nền tảng kỹ thuật công nghệ số.
Các nước và các đối tác trên thế giới hiện thì chưa nhưng rồi đây chắc chắn sẽ phải cùng nhau định ra những tiêu chí, nguyên tắc và quy định chung cho hình thức hoạt động kinh doanh này, có thể trong khuôn khổ các mối quan hệ hợp tác song phương và nhiều bên giữa các quốc gia, nhưng cũng rất có thể cả trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Điều đáng nói hơn cả về pháp lý ở đây là từ luật quốc gia có thể diễn biến thành lệ và thông lệ quốc tế, để rồi từ đó phát triển thành luật quốc tế có hiệu lực chung. Việc ràng buộc trách nhiệm đối với các mạng xã hội và nền tảng truyền thông trên thế giới còn cấp thiết ở phương diện chống tin giả và kích động bạo lực, tuyên truyền cho khủng bố, phân biệt sắc tộc, thù hằn... trên các mạng xã hội và nền tảng truyền thông.
Hạ Nham - Pháp luật Plus