Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng điều này là do Ankra không có đủ niềm tin vào NATO sau cuộc đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ năm 2016.
Tuy Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên của NATO, nhưng ông Erdogan đã khuấy đảo các thành viên trong liên minh quân sự này bằng chính sách ngoại giao của mình. Tình cảm trước đây của ông đối với khối rất tích cực.
Tiến sĩ Simon Waldman nói với báo Express: "Trước kia, quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ là khai thác các mối quan hệ có được ở bất cứ đâu, vì vậy nước này có quan hệ chặt chẽ với Trung Đông, với châu Âu và với NATO. Đó là những gì đã mang lại sức mạnh cho Thổ Nhĩ Kỳ…".
Tuy nhiên, âm mưu đảo chính năm 2016 nhằm lật đổ Erdogan đã khiến ông này cảm thấy cay đắng với một số nước phương Tây, vì nhà lãnh đạo Thổ tin rằng họ đã hậu thuẫn cho phong trào của giáo sĩ Gulen trong nỗ lực đẩy ông ra khỏi dinh tổng thống.
Là một chuyên gia về chính trị Thổ Nhĩ Kỳ, Tiến sĩ Waldman bình luận: "Có một cuộc đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ năm 2016, và từ góc nhìn của Erdogan thì đây là mưu đồ cá nhân chống lại ông, và ông nghĩ "phong trào Gulen, các kiến trúc sư của cuộc đảo chính, đến từ ở đâu? Ồ, họ có các căn cứ ở Mỹ".
"NATO đã trao cho Thổ Nhĩ Kỳ những gì, NATO ở đâu trong cuộc chiến Vùng Vịnh hậu Saddam Hussein khi Thổ Nhĩ Kỳ bị đe dọa? Sự giúp đỡ của NATO ở đâu sau cuộc chiến Iraq khi bụi phóng xạ lan tới Thổ Nhĩ Kỳ? Sự giúp đỡ đó ở đâu khi có một phong trào nổi dậy người Kurd?".
"Và, các sĩ quan chỉ đạo đảo chính là ai, nhiều người trong số họ đã được đề bạt trong NATO… Và thế là sự nghi ngờ NATO bắt đầu trỗi dậy", Tiến sĩ Waldman nêu ra các câu hỏi và bình luận.
Trong cuộc đảo chính, 16 chiến cơ của NATO đã được các phi công chống chính quyền sử dụng để đánh bom Quốc hội ở thủ đô Ankara. Tiến sĩ Waldman tin Erdogan vẫn rất hoài nghi về độ tin cậy của NATO. Song, ông cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn được lợi rất nhiều từ tư cách thành viên NATO nên vẫn tiếp tục ở trong liên minh.
"Trong chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không bao giờ có chuyện từ bỏ NATO. Khối cung cấp một chiếc ô hạt nhân và chỗ dựa trong trường hợp xảy ra một thảm họa", chuyên gia Waldman nói.
Dù vậy, Tổng thống Erdogan vẫn gây khó chịu cho NATO khi mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga – một mối đe dọa an ninh tiềm tàng đối với các đồng minh phương Tây. Việc lắp đặt các hệ thống tên lửa Nga ở Ankara có thể cho phép Kremlin theo dõi và thu thập thông tin tình báo về chiến cơ F-35 tối tân mà các nước NATO đang sử dụng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng từng kêu gọi người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ S-400 nhưng ông Erdogan càng thắt chặt thêm quan hệ với Moscow.
Sau chiến dịch của Ankara ở miền bắc Syria, quân đội Nga đã giúp quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tuần tra vùng biên phía đông bắc Syria, nơi các lực lượng người Kurd được Mỹ hậu thuẫn hầu như đã bị đánh bật ra.