Mang Tết ấm cúng, an toàn cho mọi người, mọi nhà

15/01/2022 21:47

Kinhte&Xahoi Tết đang đến rất gần mang theo nỗi lo lắng cho nhiều người dân sau một năm chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh COVID-19. Hiểu và san sẻ cùng người dân và phát huy tinh thần trách nhiệm, các đơn vị, địa phương của Hà Nội khẩn trương thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ, thăm hỏi, động viên, nhằm mang tới một cái Tết ấm cúng hơn cho mọi người, mọi nhà.

Niềm vui ngày giáp Tết

 Năm nay gia đình chị Lê Thị Hồng Vân có niềm vui lớn khi được đón Tết trong ngôi nhà vừa được phường Thượng Đình (quận Thanh Xuân) dành kinh phí hơn 100 triệu đồng để cải tạo lại. Bản thân chị Vân sức khỏe yếu, lại có con gái 16 tuổi bị khuyết tật đặc biệt nặng, việc có được ngôi nhà khang trang thật quá sự mong đợi.

Chị Vân kể, với trợ cấp hơn 1.200 nghìn đồng/tháng (con gái chị được trợ cấp 875.000 đồng/ tháng, chị được hỗ trợ 350.000 đồng/tháng) cuộc sống thường ngày của gia đình chị gặp muôn vàng khó khăn. Từ khi dịch bệnh bùng phát, công việc làm thêm lúc có lúc không càng khiến kinh tế gia đình thêm eo hẹp hơn. Miếng cơm, manh áo hằng ngày trở thành mối quan tâm chính, chứ chẳng nói gì tới ngôi nhà được xây dựng từ những năm 1990 đã cũ nát, ẩm thấp.

“Dù ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng Tết năm nay sẽ là Tết vui nhất của gia đình tôi trong ngôi nhà mới này. Đây sẽ là động lực để mẹ con tôi tiếp tục cố gắng vượt qua bệnh tật, vươn lên trong cuộc sống", chị Lê Thị Hồng Vân nói.

Lãnh đạo MTTQ Việt Nam TP Hà Nội tặng quà cho gia đình ông Nguyễn Ngọc Vĩnh (huyện Ứng Hòa) nhân dịp khởi công xây dựng Nhà đại đoàn kết

Gia đình ông Nguyễn Ngọc Vĩnh, bệnh binh 3/3 ở thôn Tử Dương, xã Cao Thành, huyện Ứng Hòa cũng chung niềm vui như mẹ con chị Vân. Được khởi công từ tháng 10/2021, chạy đua với thời gian và dịch bệnh, ngôi nhà đại đoàn kết của gia đình ông đã kịp hoàn thành trước Tết. Dọn về căn nhà mới khang trang có diện tích 50 m2, xây tường chịu lực và đổ mái bằng kiên cố thay cho căn nhà cấp bốn lợp ngói đã xuống cấp, ông Vĩnh và gia đình không giấu nổi sự xúc động. Ông Vĩnh chia sẻ: "Tết năm nay, gia đình tôi đón niềm vui thật lớn khi được dọn về căn nhà mới. Xin cảm ơn mặt trận các cấp, nhà tài trợ và lãnh đạo địa phương, bà con hàng xóm đã tạo điều kiện giúp đỡ để gia đình có căn nhà mới chắc chắn, khang trang, ổn định cuộc sống".

Dù hoàn cảnh gia đình không quá khó khăn nhưng ông Nguyễn Huy Long ở phường Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm), thương binh nặng với tỷ lệ thương tật 81% vẫn vô cùng phấn khởi vì được chính quyền địa phương đến tận nhà thăm hỏi, tặng quà. Đối với những người lính từng vào sinh ra tử như ông, sự quan tâm, động viên của chính quyền mỗi dịp lễ, Tết là món vô cùng quý giá. “Các đồng chí lãnh đạo phường đến thăm, chia sẻ chân thành, mong muốn tôi và gia đình luôn bình an, mạnh khỏe, đón một cái Tết đầm ấm khiến gia đình tôi rất vui và cảm động ", ông Nguyễn Huy Long cho biết.

Thêm 68 nghìn người được chăm lo dịp Tết

 Theo kế hoạch của UBND thành phố Hà Nội, dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, ngoài phần quà của Nhà nước, thành phố dành hơn 395 tỷ đồng tặng quà cho gần 915.000 đối tượng chính sách, tăng gần 68 nghìn người và hơn 24 tỷ đồng so với năm 2021.

Đại diện Liên đoàn Lao động TP Hà Nội tặng quà công nhân, lao động

Thành phố và các địa phương còn tổ chức đoàn đi thăm hỏi, tặng quà 84 đơn vị nuôi dưỡng, điều dưỡng đối tượng người có công, trung tâm bảo trợ xã hội, đơn vị sản xuất, kinh doanh của thương binh, bệnh binh, người tàn tật tiêu biểu, gia đình người có công tiêu biểu với suất quà trị giá từ 4 đến 16 triệu đồng. Thành phố cũng thăm hỏi, tặng quà 150 cá nhân tiêu biểu, mỗi suất trị giá 2,5 triệu đồng (tiền mặt 2 triệu đồng, túi quà 500.000 đồng).

Tết đến sớm, nên đến thời điểm hiện tại, bên cạnh kế hoạch của Trung ương và thành phố, kế hoạch và danh sách đối tượng chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn được tặng quà cũng đã được các địa phương sớm triển khai.

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Tây Hồ Trần Quang Ðạo cho biết: Mặt trận Tổ quốc quận và cấp cơ sở đã thống kê danh sách để trao quà tặng đúng đối tượng, đúng thời điểm. Ðồng thời vận động quyên góp nhà hảo tâm để có thêm nguồn hỗ trợ đến với các gia đình chính sách hoàn cảnh khó khăn. Quận Tây Hồ không còn hộ nghèo nhưng các hộ mới thoát nghèo vẫn luôn được quan tâm, hỗ trợ.

Tại huyện Gia Lâm, ngoài phần quà tặng của Nhà nước, thành phố dành đến các đối tượng chính sách, Hội Chữ thập đỏ huyện đã xây dựng chương trình tặng 1.000 suất quà Tết Nhâm Dần tới những người có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 để chia sẻ và giúp họ đón Tết ấm áp, vui tươi.

Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội cũng đã xây dựng kế hoạch chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 với các kịch bản và từng cấp độ dịch bệnh. Dự kiến, các cấp công đoàn Thủ đô sẽ chi khoảng 200 tỷ đồng để hỗ trợ đoàn viên, người lao động.

Theo đó, Liên đoàn Lao động thành phố sẽ triển khai chương trình “Tết sum vầy” năm 2022 với quy mô và số lượng người lao động tham gia phù hợp với từng cấp độ dịch, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch; Triển khai chương trình “Hỗ trợ phương tiện đưa đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết”; Trao biểu trưng hỗ trợ 50 nhà “Mái ấm Công đoàn” năm 2022.

Từ nguồn hỗ trợ của UBND thành phố Hà Nội, các cấp công đoàn sẽ tổ chức thăm hỏi, trao 10.000 suất quà (1 triệu đồng/suất) cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Với tinh thần trách nhiệm của từng cấp, ngành, địa phương, Hà Nội sẽ tổ chức cho Nhân dân Thủ đô đón Tết vui tươi, an toàn, tiết kiệm; Bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau, nhà nhà, người người đều đón Tết an lành, hạnh phúc.

 Lan Chi - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Cố tình nhiễm Omicron: Khôn hay dại?

Các bác sĩ cho biết có một xu hướng nguy hiểm là những người cố tình lây nhiễm biến thể Omicron để có được kháng thể nhằm chống lại COVID-19.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/mang-tet-am-cung-an-toan-cho-moi-nguoi-moi-nha-188105.html