Mối lo khủng hoảng lương thực trên toàn thế giới

02/03/2023 14:32

Kinhte&Xahoi Do biến đổi khí hậu, các cuộc khủng hoảng địa chính trị và suy thoái kinh tế toàn cầu, thị trường lương thực thế giới dự kiến sẽ vẫn bất ổn trong năm 2023.

Nhiều mặt hàng trở nên khan hiếm và đắt đỏ tại Anh (Ảnh: DW)

Năm 2022 đã chứng kiến giá lương thực tăng nhanh và tình trạng thiếu nguồn cung lương thực trên toàn thế giới. Báo cáo của Chương trình Lương thực thế giới của Liên hợp quốc (WFP) cho thấy thế giới đang đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực với quy mô chưa từng có, lớn nhất trong lịch sử hiện đại.

Theo IMF, giá tiêu dùng ở các nước giàu nhất đã tăng 7,3% trong năm ngoái, cao hơn so với mức dự đoán 3,9% trong tháng 1/2022. Còn ở nước nghèo hơn, giá tiêu dùng cũng đã tăng 9,9%, cao hơn so với mức dự đoán 5,9%.

Trong nghiên cứu chung với Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) và WFP, có tới 828 triệu người phải đi ngủ trong tình trạng bụng rỗng mỗi đêm.

WFP cho biết số người bị mất an ninh lương thực nghiêm trọng đã tăng vọt 60% chỉ trong năm ngoái tại khu vực Đông Phi và tăng gần 40% ở Tây Phi.

Nguyên nhân khiến lục địa đen rơi vào cuộc khủng hoảng lương thực chưa từng có được chỉ ra là do biến đổi khí hậu, gánh nặng nợ nần sau đại dịch COVID-19, giá cả leo thang cùng các cuộc xung đột.

Hành được chọn làm hoa cưới và quà cưới ở Phillippines (Ảnh: April Lyka Biorrey)

Khu vực Đông Phi liên tiếp 4 năm qua đã không có mùa mưa và các nước phải trải qua nạn hạn hán tồi tệ nhất trong 40 năm qua.

Các nước Châu Phi chỉ chiếm khoảng 3% lượng phát thải toàn cầu gây biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, châu lục này lại phải gánh chịu tác động của biến đổi khí hậu tồi tệ hơn nhiều so với bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới.

Tại các châu lục khác, khủng hoảng lương thực cũng đang biến những mặt hàng tưởng chừng phổ biến bỗng trở nên xa xỉ, khan hiếm.

Tại Philippines, lạm phát đã tăng cao lên mức cao nhất 14 năm qua. Hành vốn được coi là loại thực phẩm rất bình thường lại đang đắt đỏ hơn cả thịt.

Đường, muối và gạo đều đã từng rơi vào khủng hoảng giá ở đất nước này. Nguyên nhân của các cuộc khủng hoảng nông sản ở Philippines là mất mùa, chi phí sản xuất cao, thủy lợi và thiết bị không được đầu tư đủ, thiếu hệ thống trữ lạnh và đường sá nối các trang trại - đồng ruộng ra thị trường, chưa kể các trận bão liên miên. Dịch sâu bọ và giá dầu, phân bón tăng do xảy ra xung đột ở Ukraine cũng làm tăng thêm chi phí cho ngành nông nghiệp ở Philippines.

Theo dữ liệu mới đây của công ty nghiên cứu thị trường Kantar, lạm phát lương thực ở Anh đã tăng vọt lên mức kỷ lục mới 16,7% trong bốn tuần đầu tiên của năm 2023.

Giá các loại thực phẩm thiết yếu cơ bản như bánh mì, sữa và phô mai tăng cao, gây áp lực nhiều nhất lên các hộ gia đình có thu nhập thấp.

Các nhà kinh tế cho biết, mặc dù lạm phát tổng thể đã bắt đầu giảm ở Anh từ mức cao nhất trong hơn 4 thập kỷ nhưng giá thực phẩm vẫn tiếp tục tăng.

Nguồn cung cấp rau xanh tại Anh đa số được nhập khẩu từ Bắc Phi và vùng phía Nam của Châu Âu. Tuy nhiên, gần đây, những khu vực trồng rau xanh này liên tiếp hứng chịu các hiện tượng thời tiết cực đoan gây ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. Bên cạnh đó, các yếu tố khác như chi phí phân bón tăng cao, lạm phát và xung đột Nga - Ukraine cũng góp phần dẫn đến tình trạng thiếu hụt rau xanh ở xứ sở sương mù.

Các kệ rau và trái cây trống trơn tại một siêu thị ở phía đông London ngày 21/2 (Ảnh: Getty)

Do thiếu một số loại trái cây và rau quả, các siêu thị ở Anh đã buộc phải phân phối nguồn cung của họ, giới hạn số lượng hàng mà mỗi khách hàng được mua, ví dụ chỉ cho phép mỗi khách hàng được mua ba quả cà chua, ớt và dưa chuột …

Trong đó cà chua là một trong những loài bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tình trạng thiếu rau quả ở Anh hiện tại. Nhiều hàng đồ Italy trên khắp nước Anh đang phải cắt giảm cà chua, tăng giá, và trong một số trường hợp là loại bỏ hoàn toàn loại quả này khỏi thực đơn do chi phí tăng cao và không có nguồn cung.

Tại Hungary, giá thực phẩm đã tăng 48,2% trong tháng 2. Người dân ở Hungary khi ra chợ thường xuyên bị sốc vì giá, nhất là những người về hưu.

Một cư dân ở thành phố Budapest, Hungary, cho biết giá thực phẩm đang tăng mạnh, gấp 2 đến 4 lần, đặc biệt là các mặt hàng bơ sữa. Giá rau thậm chí còn khủng khiếp hơn, “cứ nhìn giá thì nghĩ là người ta lấy giá thịt áp vào giá rau”.

Tại Ai Cập, nước nhập khẩu lúa mì nhiều nhất thế giới cũng đang gặp tình trạng tương tự. Đối với nhiều người dân Ai Cập, trứng gà giờ là một thực phẩm xa xỉ và thịt thì không kém phần đắt đỏ.

Một nhân viên truyền thông của một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại thủ đô Cairo, chia sẻ chồng cô (một kỹ sư thiết kế) đang làm 4 công việc cùng lúc để trang trải nhu cầu thiết yếu. “Tất cả những gì tôi làm là nghĩ cách nuôi sống bản thân”, cô chia sẻ.

Một bà mẹ khác thì cho biết cô phải nhận thêm công việc thứ hai ở một phòng khám tư nhân để có thể trang trải cuộc sống cho gia đình. Cô cho biết chỉ có thể cho các con ăn thịt mỗi tháng một lần và sử dụng những phụ phẩm rẻ hơn để đảm bảo cung cấp protein cho các con. Ngay cả những thứ đó cũng đang dần trở nên khó kiếm…

Ngọc Ly - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/moi-lo-khung-hoang-luong-thuc-tren-toan-the-gioi-218585.html