Một cô bé tị nạn người Rwanda đứng nhìn những thi thể trong một ngôi mộ tập thể ngày 20/7/1994.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến Rwanda để nói lời xin lỗi chính thức của nước Pháp và cả xin được tha thứ cho nước Pháp về trách nhiệm đã để xảy ra vụ thảm sát gần 800.000 người hồi năm 1994. Ông Macron nhấn mạnh nước Pháp không tham gia trực tiếp vào vụ diệt chủng nhưng chịu trách nhiệm về việc đã không làm gì để ngăn cản vụ diệt chủng.
Còn Chính phủ Đức đã kết thúc 5 năm đàm phán với Namibia về cách thức xử lý di sản quá khứ lịch sử thời chính quyền thực dân Đức xâm chiếm và đô hộ Namibia làm thuộc địa trong những năm đầu của thế kỷ trước.
Lời xin lỗi của Chính phủ Đức về những gì mà quân đội thực dân Đức gây ra cho người dân ở đây trong thời kỳ này đã được nói ra từ cách đây nhiều năm, nhưng đến bây giờ Chính phủ Đức mới nhìn nhận những tội ác khi xưa ở Namibia là hành động diệt chủng.
Từ giác độ thời gian thì cả chuyện trên của Pháp và Đức đều đã lùi xa vào quá khứ, nhưng từ giác độ pháp lý và đạo lý thì nó hiện vẫn còn rất thời sự. Đến tận bây giờ mới nói ra điều cần phải nói và công nhận những gì không thể không công nhận, vì đấy đều là sự thật lịch sử thì đúng là có phần muộn. Nhưng để khắc phục quá khứ lịch sử thì làm những việc trên không bao giờ quá muộn, và dẫu có muộn cũng vẫn còn hơn không làm.
Cả Pháp và Đức đều có cách tiếp cận khách quan và thức thời khi đi đến những quyết sách rất quan trọng và nhạy cảm về mọi phương diện này. Đấy là cách tiếp cận cần phải thật sự khách quan khi nhìn lại quá khứ lịch sử và chỉ khi xử lý được dứt điểm, ổn thoả những vướng mắc nguồn gốc từ quá khứ lịch sử thì mới có thể kiến tạo được tương lai tốt đẹp cho mối quan hệ của hai nước này với Rwanda và Namibia, cũng như với châu Phi nói chung. Xử lý chuyện quá khứ lịch sử như thế giúp cho cả hai nước châu Âu này được các nước châu Phi và cả thế giới nhìn nhận bằng con mắt khác với thiện cảm và khâm phục.
Sự đồng thuận trong nội bộ xã hội và tầm nhìn chính trị của chính phủ hiện tại ở Pháp và Đức đã đưa lại chuyển biến mới nói trên. Trước đấy, việc này chưa được làm bởi không thể làm được do sự thiếu vắng của một trong hai tác nhân nói trên.
Cả Pháp và Đức đều đã phải đi chặng đường dài và vượt qua rất nhiều khó khăn, trở ngại thì mới có thể tự thoát được ra khỏi cái bóng của chính mình về chính trị nội bộ để công nhận trách nhiệm về pháp lý và đạo lý. Sự chậm trễ có nguyên do riêng của nó, nhưng rồi cái gì phải đến cũng đã đến.
Lạn Kha - Pháp luật Plus