Ảnh minh họa
Theo luật pháp hiện hành lâu nay của Mỹ, một khi chính thức coi một đối tác nào đó là thao túng tiền tệ thì Chính phủ Mỹ sẽ được Quốc hội uỷ thác cho những quyền sâu rộng để trừng phạt đối tác kia ở mức độ và trên những phương diện mà chính phủ Mỹ thấy cần thiết.
Năm 2015, Quốc hội Mỹ còn ban hành hẳn một bộ luật mới với những quy định rất cụ thể và rõ ràng về sử dụng những tiêu chí nào để xác định đối tác thuộc diện thao túng tiền tệ và áp dụng những biện pháp trừng phạt nào.
Xung khắc thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc từ hơn một năm nay đang tiếp tục leo thang mức độ quyết liệt. Việc Mỹ coi Trung Quốc là thao túng tiền tệ chẳng khác gì thêm củi cho lửa cháy bùng to, hay đổ thêm dầu vào ngọn lửa xung khắc hiện tại giữa hai nước. Lần đầu tiên kể từ năm 1994 trở lại đây, Mỹ mới lại coi Trung Quốc là thao túng tiền tệ.
Luật pháp hiện hành của Mỹ quy định rất rõ với những tiêu chí rất cụ thể. Soi vào đó thì Trung Quốc chỉ đáp ứng có đúng một điều kiện về mức độ xuất siêu trong trao đổi thương mại song phương với Mỹ. Theo luật pháp của Mỹ thì tiêu chí này là mức độ xuất siêu của đối tác phải ít nhất là 20 tỷ USD. Trung Quốc xuất siêu vào Mỹ nhiều hơn như thế rất nhiều. Một tiêu chí khác là đối tác kia chủ ý phá giá đồng bản tệ một cách có hệ thống, có bài bản và được mưu tính kỹ càng từ trước đó.
Đúng là vừa rồi đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc bị mất giá so với đồng USD của Mỹ, lần đầu tiên kể từ 11 năm nay. Ông Trump dùng hiện tượng này ngay làm chứng cứ để kết luận Trung Quốc thao túng tiền tệ. Trên thực tế thì Trung Quốc không phá giá đồng bản tệ mà ngừng can thiệp vào thị trường ngoại hối để giữ cho đồng Nhân dân tệ không bị mất giá.
Từ năm 2018, tức là từ sau khi bùng phát cuộc khủng hoảng tài chính và nợ công ở nhiều nền kinh tế trên thế giới, Trung Quốc đã phải bỏ ra lượng ngoại hối không hề nhỏ để giữ cho đồng Nhân dân tệ không bị mất giá.
Đồng tiền này của Trung Quốc chưa được để cho có khả năng tự do chuyển đổi, tỷ giá hối đoái của nó được Ngân hàng trung ương Trung Quốc xác định hàng ngày trên nền tảng giá trị của nhiều đồng ngoại tệ, tức là ràng buộc giá trị vào cái gọi là “rổ tiền tệ” và chỉ cho phép dao động trong hành lang cộng trừ 2%.
Vừa rồi, Trung Quốc ngừng can thiệp nên đồng Nhân dân tệ bị mất giá ngay lập tức. Thời điểm Trung Quốc ngừng can thiệp trùng vào thời điểm Trung Quốc công bố những biện pháp chính sách trả đũa Mỹ nên bị phía Mỹ coi luôn là chủ ý phá giá đồng tiền.
Rồi đây, có thể Trung Quốc sẽ chủ ý phá giá đồng bản tệ để đáp trả những biện pháp chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ, góp phần vô hiệu hoá thuế quan bảo hộ thương mại của Mỹ đối với hàng hoá của Trung Quốc xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Nhưng hiện tại thì chưa phải như thế.
Đối với ông Trump, luật quy định rõ ràng nhưng tuân thủ đầy đủ hay không lại là chuyện khác và cái lệ tối thượng đối với người này là vận dụng luật tuỳ hứng và luôn vận dụng theo hướng có lợi nhất cho mình.
Tất cả các tiêu chí và điều kiện xác định trong luật có được đáp ứng đầy đủ hay không đối với ông Trump không quan trọng và quyết định bằng việc có được cớ để tiến thêm được bước mới và độc đáo trên con đường gia tăng áp lực tối đa đối với Trung Quốc.
Người này nói rồi thay đổi cứ như không, nên việc “nói vậy, làm vậy nhưng không nghĩ như vậy” vốn rất bình thường, tức là không phải không hiểu luật mà chẳng qua chỉ hiểu trên phương diện và với mức độ đủ để vận dụng cái lệ kia thôi.