Năm 2020 TPHCM cần hơn 1.300 tỷ đồng trợ giá xe buýt

27/05/2020 11:49

Kinhte&Xahoi Sở Giao thông vận tải TPHCM đề xuất dự toán chi ngân sách trợ giá cho xe buýt năm 2020 là 1.311 tỷ đồng, tăng 161 tỷ đồng so với dự toán được giao. Nếu không, xe buýt chỉ hoạt động đến giữa tháng 11.

Sở GTVT TPHCM đề xuất bổ sung 161 tỷ đồng, nâng tổng dự toán chi ngân sách trợ giá cho hoạt động xe buýt năm 2020 lên 1.311 tỷ đồng

Sở Giao thông vận tải TPHCM vừa có văn bản gửi Sở Tài chính TP đề xuất điều chỉnh, bổ sung dự toán chi ngân sách trợ giá xe buýt năm 2020 sau khi rà soát, cập nhật hoạt động của toàn hệ thống. 

Theo đó, bổ sung 161 tỷ đồng và nâng dự toán chi ngân sách trợ giá xe buýt năm 2020 lên 1.311 tỷ đồng.

Theo Sở GTVT TP, hoạt động xe buýt có thay đổi và điều chỉnh để thích ứng với đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19. 

Cụ thể, số chuyến hoạt động trên các tuyến xe buýt năm 2020 được cân đối, cập nhật phù hợp với tình hình dịch Covid-19 và giai đoạn phục hồi đến cuối năm. Việc này nhằm hạn chế tối đa những phát sinh làm ảnh hưởng đến 4,5 triệu chuyến xe tối thiểu để đảm bảo hoạt động ổn định.

Sở GTVT TP cho biết, với số chuyến xe trên, tổng dự toán chi trợ giá cho xe buýt phổ thông năm nay là 1.178 tỷ đồng. Đây là con số sau khi cập nhật giá nhiên liệu và tính toán sản lượng, doanh thu (với tỷ lệ tăng trưởng kỳ vọng bình quân 10% so với năm ngoái).

Ngoài ra, hoạt động đưa rước học sinh, sinh viên, phí dự phòng do phát sinh biến động giá nhiên liệu, tiền lương đã giảm 83 tỷ đồng so với thẩm định của Sở Tài chính trước đó, chỉ còn 110 tỷ đồng.

Tuy nhiên, dịch Covid-19 khiến khối lượng vận chuyển hành khách không thể thực hiện đủ theo kế hoạch. Vì vậy, Sở GTVT TP đề xuất hỗ trợ cho các đơn vị vận tải xe buýt tổng cộng hơn 22,5 tỷ đồng.

Sau khi rà soát toàn bộ vấn đề liên quan, Sở GTVT TP kiến nghị bổ sung thêm 161 tỷ đồng trong dự toán chi ngân sách cho xe buýt năm 2020.

Theo Sở GTVT TP, nếu dự toán ngân sách trợ giá xe buýt năm 2020 vẫn ở mức 1.150 tỷ đồng, hệ thống xe buýt chỉ hoạt động đến khoảng giữa tháng 11; hoặc phải giảm xuống còn 85% số chuyến theo kế hoạch giai đoạn từ ngày 1/7 đến 31/12 (trong đó phải ngưng một số tuyến).

Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến nhu cầu đi lại của người dân, nguy cơ phá vỡ tính liên thông và mạng lưới tuyến, tác động đến hoạt động của những tuyến xe buýt còn lại...

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

"Cơn ác mộng" Covid-19 ở Brazil mới chỉ bắt đầu

Tính đến ngày 25-5, Brazil ghi nhận 363.618 ca nhiễm và 22.716 ca tử vong do Covid-19, trở thành nước có số ca mắc Covid-19 nhiều thứ 2 thế giới, sau Mỹ. Hiện các bệnh viện công ở Brazil được báo động đang ở tình trạng sắp “sụp đổ” khi hơn 90% giường bệnh kín bệnh nhân. Bên cạnh đó, giới chuyên gia cho rằng, số ca nhiễm thực tế và tử vong có thể còn cao hơn gấp nhiều lần do quốc gia Nam Mỹ này chậm chễ trong việc tăng cường xét nghiệm và bị giới hạn về năng lực xét nghiệm virus.

Nguồn: Dân Trí/ Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/nam-2020-tphcm-can-hon-1300-ty-dong-tro-gia-xe-buyt-d125533.html