Năm 2022, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 8,02%, vượt xa mục tiêu đề ra, cao nhất 10 năm

04/01/2023 08:12

Kinhte&Xahoi Chiều 3/1, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức buổi họp báo Chính phủ thường kỳ để thông tin về tình hình kinh tế xã hội tháng 12 và cả năm 2022.

Được biết, buổi họp báo diễn ra ngay sau Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2022 diễn ra cùng ngày dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Hôm nay, trong không khí phấn khởi cả nước vừa thực hiện thành công nhiệm vụ năm 2022, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc với các địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2022. Đây là Hội nghị có ý nghĩa hết sức quan trọng để tổng kết công tác năm 2022 và triển khai kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội khóa XV về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023.

Hội nghị vinh dự được đón các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, đặc biệt là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới dự và phát biểu chỉ đạo.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, năm 2022, nền kinh tế nước ta chịu tác động tiêu cực kép cả từ bên ngoài và bên trong đến cùng một thời điểm. Trong bối cảnh đó, cả nước đã đoàn kết, trên dưới đồng lòng, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hoàn thành các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Những kết quả đạt được của năm 2022 cao hơn năm 2021 là minh chứng cho sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sự chung sức, đồng lòng, ý chí quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta.

Báo cáo và thảo luận tại Hội nghị, lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các đại biểu thống nhất: Trong bối cảnh thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức vẫn nhiều hơn, phức tạp hơn, dưới sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự đồng hành và phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của Quốc hội; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự chung sức, đồng lòng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp; sự hỗ trợ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương đã bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Quốc hội để chỉ đạo, điều hành đúng hướng, quyết liệt, thống nhất, bài bản, khoa học, linh hoạt, kịp thời trên các lĩnh vực. Nhờ đó, KTXH nước ta năm 2022 có nhiều khởi sắc, tiếp tục phục hồi tích cực và tăng trưởng cao, đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện.

- Tăng trưởng GDP đạt 8,02%, vượt xa mục tiêu đề ra (6-6,5%),  cao nhất trong 10 năm qua, nâng quy mô nền kinh tế lên 409 tỷ USD.

Có 59/63 địa phương tăng trưởng từ 6,5% trở lên, trong đó, nhiều địa phương tăng trưởng cao như: Khánh Hòa (20,7%), Bắc Giang (19,3%); Đà Nẵng (14,1%), Hậu Giang (13,9%), Hưng Yên (13,4%), Cần Thơ (12,6%), Thanh Hóa (12,5%), Hải Phòng (12,3%), Lâm Đồng (12,1%), Vĩnh Long (11,3%), Quảng Nam (11,2%), Hà Nam (10,8%), Quảng Ninh (10,3%) và Điện Biên (10,2%). Hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cũng có mức tăng trưởng cao lần lượt đạt 8,9% và 9,03%.

- Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm tăng 3,15%, thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra.

- Các cân đối lớn được bảo đảm (Thu NSNN vượt 27,8% dự toán (tăng 392 nghìn tỷ đồng); kim ngạch XNK đạt 732,5 tỷ USD, tăng 9,5%, xuất siêu 11,2 tỷ USD; an ninh lương thực được bảo đảm, xuất khẩu nông sản hơn 53,2 tỷ USD, trong đó xuất khẩu gạo đạt hơn 7,12 triệu tấn; an ninh năng lượng được bảo đảm, đã cơ bản giải quyết tình trạng thiếu hụt xăng dầu cục bộ, đáp ứng đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân; cung ứng lao động cơ bản đáp ứng nhu cầu.

- Công nghiệp phục hồi tích cực, sản xuất công nghiệp tăng 7,7%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,1%, tiếp tục là động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Nông nghiệp tăng trưởng 3,36%, khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.

- Thương mại, dịch vụ phục hồi và tăng trưởng mạnh; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 19,8% so với năm 2021; du lịch phục hồi mạnh, năm 2022 có hơn 102 triệu lượt khách trong nước và 3,7 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến dự Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

- Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Trong năm có 208.300doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 30,3% so với năm 2021. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 3,22 triệu tỷ đồng tăng 11,2% so với năm 2021, tương đương 33,8% GDP.

- Nhiều dự án hạ tầng quan trọng, nhất là giao thông, năng lượng được thúc đẩy tiến độ. Hoàn thành 310 km đường bộ cao tốc, thông xe kỹ thuật 255 km; khởi công 12 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam phía đông và một số dự án quan trọng khác.

- Công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế được tập trung; Chính phủ họp 09 phiên chuyên đề, cho ý kiến, thông qua 39 đề nghị xây dựng, dự án luật, ban hành 125 nghị định; tinh giản bộ máy bên trong, giảm khâu trung gian, giảm 17 tổng cục, 153 vụ, cục, 22 đơn vị sự nghiệp. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, trọng tâm là triển khai Đề án 06.

- Các lĩnh vực văn hóa được quan tâm hơn; tích cực triển khai kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc. Tổ chức thành công SEAGAMES 31. An sinh xã hội cơ bản được bảo đảm, đời sống nhân dân được cải thiện. Thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, bảo đảm an sinh, an dân. Đến nay đã hỗ trợ trên 1,41 triệu lượt người sử dụng lao động và trên 68,43 triệu lượt người lao động với tổng kinh phí gần 104,5 nghìn tỷ đồng.

- An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; tiềm lực quốc phòng, an ninh không ngừng được củng cố và tăng cường. Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, triển khai toàn diện, sâu rộng, hiệu quả.

Bên cạnh khẳng định những kết quả đạt được, các đại biểu tham dự Hội nghị cũng thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, thách thức, hạn chế, tồn tại cần tập trung ứng phó, khắc phục, xử lý một cách quyết liệt và hiệu quả trong năm 2023 và giai đoạn tới, trong đó nổi lên là: (1) Sức ép lạm phát cả bên trong và bên ngoài còn lớn. (2) Giải ngân vốn đầu tư công, triển khai thực hiện một số chính sách thuộc Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và công tác lập quy hoạch còn chậm. (3) Các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro. (4) Hoạt động sản xuất kinh doanh trong một số ngành, lĩnh vực gặp khó khăn. (5) Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế tại một số cơ sở khám chữa bệnh chưa được xử lý dứt điểm. (6) Phản ứng chính sách của một số bộ, ngành để khắc phục hiện tượng thiếu xăng dầu cục bộ còn chậm. (7) Công tác bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, đấu tranh phòng, chống tội phạm trên một số địa bàn còn nhiều khó khăn, thách thức…

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, năm 2022, mặc dù khó khăn, thách thức lớn hơn, nhưng nhờ sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tốt hơn và toàn diện hơn năm 2021. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã hết sức nỗ lực trong công tác chỉ đạo, điều hành phát triển KTXH, qua đó đã thực hiện đồng bộ, hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ: Vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả.

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt hoan nghênh, biểu dương và chân thành cảm ơn Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể, cộng đồng các doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên và đồng bào, chiến sĩ cả nước về những nỗ lực phấn đấu, những kết quả, thành tích đạt được trong năm 2022.

Cơ bản đồng tình với nội dung báo cáo của Chính phủ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh một số vấn đề mang tính định hướng trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển KTXH năm 2023, trong đó nêu rõ yêu cầu: (1) Cần chủ động ứng phó với mọi tình huống, đặc biệt là những khó khăn, thách thức mới phát sinh; tuyệt đối không chủ quan, thoả mãn với những kết quả, thành tích đã đạt được. (2) Chú trọng củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế. (3) Tập trung ưu tiên cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; giải quyết có hiệu quả những khó khăn, hạn chế, yếu kém, cả trước mắt cũng như lâu dài của nền kinh tế để giữ vững đà phục hồi, tăng trưởng nhanh và bền vững, thực chất hơn. (4) Quan tâm hơn nữa đến nhiệm vụ phát triển văn hoá, xã hội ngang tầm với phát triển kinh tế; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. (5) Tiếp tục củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. (6) Tiếp tục đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị...

Về mục tiêu cho năm 2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Chính phủ và chính quyền địa phương: "Năm 2023 nhất định phải đạt được nhiều thành tích và tiến bộ hơn năm 2022".

Trân trọng lĩnh hội, tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng để cụ thể hóa trong thực tiễn triển khai các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển KTXH năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: năm 2023 là năm có ý nghĩa quan trọng, năm bản lề trong thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021 – 2025; dự báo tình hình quốc tế, trong nước tiếp tục có những thuận lợi, cơ hội nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương; sự ủng hộ, tham gia tích cực của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và sự quan tâm giúp đỡ của bạn bè quốc tế, tình hình kinh tế-xã hội đất nước phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thực hiện kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nỗ lực, quyết tâm cao nhất để thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội với phương châm: "Đoàn kết, kỷ cương; bản lĩnh, linh hoạt; chủ động, sáng tạo; kịp thời, hiệu quả" với tinh thần đã nói là làm; đã cam kết là phải thực hiện; đã làm, đã thực hiện là phải có hiệu quả, sản phẩm lượng hoá được cụ thể, rõ ràng, cân đong, đo, đếm được; tranh thủ thời cơ, vận hội, "biến nguy thành cơ"; vừa tập trung xử lý hiệu quả các nhiệm vụ thường xuyên ngày càng nhiều, đòi hỏi ngày càng cao; vừa giải quyết những vấn đề khó khăn, bất cập, tồn đọng kéo dài; vừa kịp thời ứng phó những vấn đề mới phát sinh, đồng thời tạo nền tảng mang tính căn cơ, lâu dài cho phát triển bền vững.

Với tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng, Trưởng ngành, lãnh đạo các địa phương phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, của Bộ Chính trị, của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, Chiến lược phát triển KTXH 2021 - 2030, các Kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, Nghị quyết 01 năm 2023 của Chính phủ để cụ thể hóa thành kế hoạch thực hiện nhiệm vụ của từng cấp, từng ngành và cơ quan; đồng thời nâng cao năng lực dự báo và nắm chắc tình hình;  bản lĩnh, chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, phản ứng chính sách nhanh, kịp thời, hiệu quả. Phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, lấy khó khăn, thách thức làm động lực phấn đấu vươn lên; không hoang mang, dao động, bi quan nhưng cũng không chủ quan, lơ là mất cảnh giác; nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, dựa vào nội lực là chính, ngoại lực là cần thiết, quan trọng.

Chỉ đạo các nhiệm vụ cụ thể năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương:

(1) Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, đặc biệt chú trọng ổn định thị trường tài chính - tiền tệ, bảo đảm thanh khoản của nền kinh tế, hệ thống ngân hàng, ổn định thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản...

(2) Thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp hài hòa, hợp lý, chặt chẽ với thực hiện chính sách tài khóa mở rộng có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác.

(3) Nỗ lực, quyết tâm cao nhất thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, 3 CTMTQG, giải ngân vốn đầu tư công; xử lý những tồn tại, yếu kém của nền kinh tế, tháo gỡ những nút thắt tăng trưởng, những vướng mắc trong cơ chế, chính sách.

(4) Thực hiện tốt công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao năng lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính. Rà soát, tháo gỡ các rào cản, vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật, đẩy nhanh lộ trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh.

(5) Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị; đẩy nhanh tiến độ một số công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, có tính liên vùng và hạ tầng đô thị lớn.

(6) Đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp; thúc đẩy sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả DNNN và phát triển kinh tế tư nhân; có giải pháp huy động hiệu quả nguồn lực của DNNN tham gia các lĩnh vực như năng lượng, hạ tầng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi sạch, kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia, cung ứng các nguyên, vật liệu đầu vào quan trọng cho sản xuất.

(7) Phát triển thị trường lao động bền vững, hiệu quả; tăng cường thực hiện các giải pháp hỗ trợ tạo việc làm, nhất là người lao động bị mất việc làm, giảm việc làm.

(8) Phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội. Chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Bảo đảm nhân dân đón Tết Quý Mão an toàn, vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm, mọi người đều có tết và không ai bị bỏ lại phía sau. Tập trung tháo gỡ khó khăn ở một số ngành, lĩnh vực như y tế, giáo dục, cải cách tiền lương...

(9) Tiếp tục củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả. Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, nắm vững và xử lý tốt các mối quan hệ. 

Chí Kiên - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Giá cây thông Noel tăng vọt ở Australia

Tại Sydney (Australia), nhiều người yêu thích cây thông Noel tươi có thể phải thất vọng vì giá tăng vọt do ảnh hưởng của hiện tượng La Nina gây ra sự hỗn loạn cho mùa lễ hội lớn nhất trong năm - lễ Giáng sinh.

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/thuong-truong/nam-2022-tang-truong-gdp-cua-viet-nam-dat-802-vuot-xa-muc-tieu-de-ra-cao-nhat-10-nam-d188729.html