La Nina là một hiện tượng ngược lại với El Nino, được hình thành khi những luồng gió mậu dịch ở vùng xích đạo mạnh lên, đưa những dòng nước biển lạnh từ dưới đáy sâu nổi lên bề mặt của đại dương. Hiện tượng này đã xuất hiện ở khu vực Thái Bình Dương khi bán cầu Bắc chuẩn bị bước vào những tháng mùa đông.
Trung tâm Dự báo khí hậu Mỹ dự báo, gần 90% khả năng La Nina sẽ tồn tại đến tháng 2/2022. Những tháng có La Nina, nhiệt độ sẽ thấp hơn bình thường khiến các cơ quan dự báo khí tượng đưa ra cảnh báo về một mùa đông khắc nghiệt.
Tuyết rơi trên khu vực Gwanghwamun ở trung tâm Seoul vào ngày 10/11 (Ảnh: Yonhap)
Một số quốc gia ở Châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ năng lượng hàng đầu thế giới, đang chật vật ứng phó với sự leo thang chóng mặt của giá nhiên liệu. Trong khi đó, một số quốc gia khác đang đối mặt tình trạng thiếu điện hoặc hạn chế cung cấp cho ngành công nghiệp nặng. Trong thời gian gần đây, giá than và khí đốt tự nhiên đã lập những kỷ lục mới và cuộc khủng hoảng năng lượng này trở nên nghiêm trọng hơn nếu nhiệt độ xuống thấp hơn bình thường trong mùa đông năm nay.
Ngay từ tháng 10, nhiều quốc gia Châu Á đã xuất hiện những đợt rét bất thường. Tại Hàn Quốc, cơ quan khí tượng nước này dự báo sẽ có một nửa mùa đông năm nay với nền nhiệt giảm sâu hơn. Hàn Quốc cũng nằm trong nhóm nước chịu tác động của hiện tượng La Nina. Trong tháng 10 lạnh bất thường này, tuyết đã xuất hiện tại Hàn Quốc sớm hơn 15 ngày so với năm ngoái. Ngày 17/10 vừa qua, giá rét bất thường đã tấn công Seoul với nhiệt độ xuống gần 1 độ C, đánh dấu buổi sáng lạnh nhất vào giữa tháng 10 trong vòng 64 năm qua ở nước này, khiến băng tuyết xuất hiện sớm hơn trung bình mọi năm khoảng 17 ngày.
Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn Nhật Bản, nước này sẽ bước vào mùa đông với nền nhiệt thấp hơn bình thường từ tháng tới. Nhật Bản, nước mới chỉ chịu ảnh hưởng nhẹ của khủng hoảng năng lượng, đang rất cảnh giác với yếu tố thời tiết, sau khi phải trải qua giai đoạn lạnh sâu trong năm ngoái và đẩy giá bán lẻ điện tăng vọt.
Nhiệt độ ở Ấn Độ dự kiến sẽ giảm xuống tới 3 độ C ở một số khu vực phía Bắc vào tháng 1 và 2 trước khi tăng lại. Không giống như các quốc gia khác, thời tiết ở Ấn Độ mát mẻ nên tiêu thụ năng lượng thấp hơn do nhu cầu về điều hòa không khí giảm dần.
Tuy nhiên, nước này lại đang đối mặt thời kỳ khô hạn hơn sau mùa mưa. Các khu vực khai thác than trọng điểm bị lũ lụt tấn công những tháng gần đây gây áp lực lên nguồn cung cấp nhiên liệu để sản xuất 70% nguồn điện tại Ấn Độ.
Trung tâm Khí hậu quốc gia Trung Quốc cho biết nước này có thể đã bước vào tình trạng La Nina trong tháng 10 (Ảnh: Reuters)
Từ giữa tháng 10, nhiệt độ đã giảm trên hầu hết ở các vùng miền Đông Trung Quốc và thời tiết đã lạnh hơn bình thường ở một số khu vực phía Bắc, theo Trung tâm Khí hậu quốc gia của nước này.
Các tỉnh như Hắc Long Giang, Thiểm Tây và Sơn Tây đã bắt đầu mùa sưởi ấm sớm hơn những năm trước từ 4 đến 13 ngày.
Thành phố Thẩm Dương, thuộc tỉnh Liêu Ninh, có lượng tuyết trung bình dày đến 51cm. Theo Tân Hoa Xã, đây là con số cao nhất đo được ở địa phương này từ năm 1905.
Tại thủ đô Bắc Kinh, người dân cũng đón đợt tuyết đầu tiên trong năm sớm hơn 23 ngày so với thường lệ. Nhiệt độ ở thủ đô Trung Quốc xuống mức thấp kỷ lục trong 10 năm, khiến các tuyến giao thông đường bộ và hàng không bị đình chỉ. Tuyết dày dự kiến sẽ quét qua nhiều thành phố và khu vực trên khắp Trung Quốc.
Các hệ thống phát điện do địa phương quản lý, nhất là các nhà máy điện chạy than, khí đốt đang phải hoạt động hết công suất để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của người dân trong vùng.
Theo Tiến sĩ Zhi Xiefei, giáo sư chuyên ngành khoa học khí tượng tại Đại học Công nghệ và Khoa học thông tin Nam Kinh, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt có thể xảy ra thường xuyên hơn do hiện tượng ấm lên toàn cầu. Các đợt lạnh khiến giảm nhiệt sâu hơn nhưng những đợt nắng nóng bất thường cũng có thể xuất hiện”, ông nói.
Ngọc Ly - TTTĐ