Nâng cao chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của các sở, ngành

25/10/2021 08:35

Kinhte&Xahoi Những nỗ lực trong quan tâm, chỉ đạo về công tác cải cách hành chính của Hà Nội trong thời gian qua đã góp phần cải thiện mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp trong các giao dịch hành chính, dịch vụ hành chính công, nâng cao năng lực cạnh tranh...

Nhiều lĩnh vực được khảo sát

 Những năm qua, công tác cải cách hành chính của thành phố Hà Nội nằm ở vị trí top đầu của cả nước. Kết quả cải cách hành chính của thành phố được Trung ương ghi nhận, đánh giá cao. Trong năm nay, nhằm đánh giá sự hài lòng của người dân, từ ngày 25/10 đến cuối năm, Hà Nội sẽ tiến hành đo lường chỉ số hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của các Sở, cơ quan ngang sở, các quận, huyện, thị xã thuộc Hà Nội.

Theo kế hoạch mới ban hành của UBND thành phố Hà Nội, việc thực hiện đo lường hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của các sở, cơ quan nhằm nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm và sự đồng thuận xã hội đối với công tác cải cách hành chính. Thông qua kết quả đo lường chỉ số hài lòng, cơ quan chức năng tiếp tục có những giải pháp mới, mang tính đột phá, phù hợp để cải thiện, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công cho cá nhân, tổ chức.

Hà Nội sẽ tiến hành đo lường chỉ số hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của các Sở, cơ quan ngang sở, các quận, huyện, thị xã thuộc Hà Nội

Đối tượng khảo sát là cá nhân, người đại diện tổ chức đã trực tiếp thực hiện giao dịch và đã nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận "Một cửa" của cơ quan, đơn vị, địa bàn được khảo sát từ ngày 1/1/2021.

Thành phố sẽ khảo sát 1.250 phiếu tại các sở, cơ quan ngang sở, mỗi đơn vị được lựa chọn 2 thủ tục hành chính; Khảo sát 4.800 phiếu đối với UBND các quận, huyện, thị xã, mỗi bộ phận tiếp nhận và trả kết quả sẽ khảo sát 3 lĩnh vực. Phương án khảo sát là qua bưu điện (trên cơ sở danh sách cá nhân, tổ chức đã hoàn thành giao dịch và nhận kết quả từ 1/1/2021 đến thời điểm khảo sát) và khảo sát trực tiếp tại bộ phận "Một cửa".

Theo phân bổ này, lĩnh vực được khảo sát tại Sở Công Thương là an toàn thực phẩn và Hóa chất. Tại Sở Giáo dục và Đào tạo là cấp bản sao văn bằng, chứng chỉ từ sổ gốc, chỉnh sửa nội dung văn bằng, chứng chỉ; Thủ tục thành lập, cho phép thành lập trung tâm ngoại ngữ, tin học hoạt động giáo dục. Tại Sở Giao thông vận tải là xây dựng và đăng kiểm. Tại Sở Kế hoạch đầu tư là thủ tục đăng ký kinh doanh và đầu tư xây dựng. Sở Ngoại vụ là thủ tục về công tác lãnh sự và công tác lễ tân Nhà nước. Sở Tài chính là quản lý giá/quản lý công sản và tin học, thống kê tài chính…

Đối với khối quận, huyện, thị xã, các lĩnh vực được khảo sát, đo lường chỉ số hài lòng của cá nhân, tổ chức là: Tư pháp; Lao động, Thương binh và Xã hội; Các lĩnh vực khác gồm: Đăng ký kinh doanh, quản lý đô thị, văn hóa thông tin.

Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội được thành phố Hà Nội giao chủ trì triển khai kế hoạch điều tra, khảo sát theo yêu cầu, tiến độ đề ra; Tổng hợp dữ liệu điều tra xã hội học, xây dựng báo cáo kết quả đo lường chỉ số hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của các sở, cơ quan tương đương và các quận, huyện, thị xã năm 2021.

Nâng cao sự hài lòng của người dân

 Theo TS. Võ Hải Long, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, năm 2017 thành phố đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thực hiện việc khảo sát, đo lường sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước thuộc Hà Nội.

Việc khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng chung toàn thành phố được tổ chức ít nhất một lần trong năm; Khuyến khích các cơ quan, đơn vị chủ động triển khai thực hiện nhiều lần trong năm. UBND các quận, huyện, thị xã của thành phố đều chủ động xây dựng kế hoạch khảo sát, đo lường mức độ hài lòng của người dân và tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan, đơn vị.

Việc khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng chung toàn thành phố được tổ chức ít nhất một lần trong năm

Theo TS. Võ Hải Long, công tác khảo sát đã đạt được những kết quả nhất định và được người dân, tổ chức đánh giá cao sự phục vụ của các cơ quan hành chính. Đa số đồng tình việc khảo sát cần tiến hành thường xuyên để người dân có thể trực tiếp phản ánh ý kiến đến các cơ quan quản lý nhà nước.

Qua thực tiễn triển khai thực hiện và rút kinh nghiệm những năm qua, đến nay mô hình, phương pháp khảo sát, đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước tại thành phố Hà Nội cơ bản hoàn thiện.

Hà Nội cũng bước đầu xác định được mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Đối với UBND thành phố, chỉ số hài lòng đã trở thành một công cụ quản lý công tác cải cách hành chính, giúp đánh giá đúng mức những vấn đề đã làm được, chưa làm được của cả hệ thống, đo lường đúng mức kết quả đầu ra và tác động thực sự của cải cách hành chính mà người dân, tổ chức, doanh nghiệp có thể cảm nhận được. Từ đó, cơ quan chức năng có chỉ đạo kịp thời, chính xác về mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cải cải các hành chính trên toàn địa bàn thành phố.

Chỉ số hài lòng đã tạo ra sự thay đổi nhận thức của các sở, ngành, các địa phương theo hướng không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ để người dân, tổ chức, doanh nghiệp ngày càng hài lòng hơn là kết quả có ý nghĩa rất quan trọng.

 Thanh Hà - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Các ông lớn công nghệ sẽ phải trả phí cho báo chí

Mới đây, ông lớn công nghệ Facebook thông báo đã đạt một thỏa thuận với một số hãng truyền thông Pháp về việc chi trả nhuận bút cho các nội dung tin tức được người dùng trang mạng xã hội này chia sẻ.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/nang-cao-chi-so-hai-long-cua-nguoi-dan-doi-voi-su-phuc-vu-cua-cac-so-nganh-181181.html