Nga rút khỏi Hiệp ước CFE từ ngày 7-11.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga có đoạn: “Thủ tục Nga rút khỏi CFE theo quy định của Hiệp ước đã hoàn tất vào lúc 0h sáng ngày 7-1-2023 (giờ địa phương)”. Vì vậy, văn bản pháp luật quốc tế từng bị Mátxcơva đình chỉ từ năm 2007, giờ đây đã trở thành lịch sử đối với nước Nga”.
Hiệp ước CFE được ký kết tại Paris (Pháp) vào năm 1990 bởi đại diện của 16 quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và 6 thành viên của Tổ chức Hiệp ước Vacsava, có tính đến sự cân bằng vũ khí thông thường giữa 2 khối. Tuy nhiên, sau khi Tổ chức Hiệp ước Vacsava sụp đổ, NATO thường xuyên mở rộng về phía Đông. Điều này vấp phải sự phản ứng quyết liệt của Nga. Mátxcơva từ lâu đã lập luận rằng việc NATO liên tục kết nạp các thành viên (bao gồm các thành viên cũ của Tổ chức Hiệp ước Vacsava) đang phá hoại CFE.
Năm 2007, Nga tuyên bố đình chỉ một phần CFE với lý do các thành viên mới của NATO không tuân thủ các giới hạn được quy định trong hiệp ước, nhưng vẫn tham gia các cuộc họp của nhóm cố vấn chung.
Năm 2015, Mátxcơva đã rút hoàn toàn khỏi các cơ chế CFE vì “không có nhu cầu tiếp tục tham gia” và chỉ tham gia theo hình thức cho đến nay.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết, CFE đã đi ngược lại với những lợi ích an ninh của Nga trong bối cảnh diễn biến thế giới hiện nay. Ông cho rằng, thế giới trong thời gian tới sẽ hoàn toàn khác so với thế giới những năm 1990 hoặc 1999 và điều này đòi hỏi những cách tiếp cận mới, trong đó có cả vấn đề kiểm soát vũ khí.
2 thỏa thuận khác liên quan đến CFE đã không còn hiệu lực đối với Nga gồm: Bản Ghi nhớ Budapest ngày 3-11-1990, quy định số lượng tối đa của các loại vũ khí và thiết bị thông thường đối với sáu quốc gia thành viên Hiệp ước Vacsava; và Thỏa thuận phụ ngày 31-5-1996 điều chỉnh hiệp ước ban đầu.
Quỳnh Dương - Hà Nội mới