Ngăn chặn du lịch 'chặt chém' bằng công nghệ

16/08/2019 10:38

Kinhte&Xahoi Thời gian qua xảy ra nhiều vụ việc gây bức xúc ngành du lịch như tình trạng nâng ép giá du khách; chặt chém khách nước ngoài; vứt rác bừa bãi ra phố, sông...

Hình minh họa

Tuy vậy, các cơ quan chức năng không thể có mặt ở khắp mọi nơi để nhận diện, tiếp nhận, xử lý vụ việc theo đúng quy định của pháp luật. Thường thấy, các thông tin như trên sẽ được người dân tại hiện trường đăng tải trên các mạng xã hội, trong đó phổ biến nhất là Facebook.

Nhưng Facebook lại là một trang mạng cộng đồng chung, do vậy không tránh khỏi những hạn chế như tin giả, trôi tin, tin chất lượng thấp khiến thông tin nóng tiếp cận các cơ quan chức năng chậm hơn. 

Ở tỉnh Thừa Thiên - Huế để giúp người dân gửi những vấn đề cần phản ánh đã có hàng loạt kênh thông tin như Cổng thông tin tương tác (https://tuongtac.thuathienhue.gov.vn); facebook, zalo, thư điện tử, tổng đài… và đặc biệt là ứng dụng miễn phí trên điện thoại di động Hue-S được Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên - Huế triển khai từ đầu tháng 6/2019.

Những phản ánh của người dân về các lĩnh vực như trật tự xây dựng, vệ sinh môi trường, hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị; các vấn đề liên quan đến an toàn, trật tự xã hội và chất lượng dịch vụ du lịch cũng như các hành vi chậm trễ, gây phiền hà; hoặc thực hiện không đúng quy định của cán bộ, công chức trong giải quyết thủ tục hành chính.. thông qua ứng dụng Hue-S sẽ được chuyển đến cơ quan chức năng nhanh nhất. 

Đơn cử, có hiện tượng chèo kéo khách, đặt bảng chỉ dẫn lấn chiếm đường đi của khu du lịch Suối Voi được người dân phản ánh ngày 18/7/2019, thông tin và hình ảnh đã ngay lập tức được chuyển tải tới Trung tâm, cơ quan chức năng thuộc huyện Phú Lộc đã có thể vào cuộc, xác minh hiện trạng và xử lý. Quá trình tiếp nhận, xử lý và kết quả đều được đăng tải công khai để người dân có thể giám sát quá trình đến khi có kết quả cuối cùng. 

Bên cạnh gửi phản ánh hiện trường, ứng dụng Hue-S cũng gửi những cảnh báo nhanh của chính quyền tới người dân, du khách; đồng thời tạo nền tảng mạng lưới hỗ trợ người dùng gửi các cảnh báo đến Trung tâm xác minh, từ đó có thể cảnh báo nhanh trên diện rộng, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế. 

Quả thực đây là một trong những nỗ lực gắn kết chính quyền và người dân cùng tương tác, cùng chung tay xây dựng tỉnh nhà trở thành đô thị hiện đại, văn minh xanh - sạch - đẹp và đáng sống. Với những gì mà Huế đã làm được, địa phương này đã và đang tạo ra niềm cảm hứng lớn cho các địa phương khác trên cả nước về đô thị thông minh, chính quyền 4.0. 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus