Ngày 5/1/2023, khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ hai của Quốc hội

21/12/2022 12:08

Kinhte&Xahoi Tại phiên họp thứ 18 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra sáng 21/12, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, kỳ họp bất thường lần hai, Quốc hội khóa XV dự kiến sẽ làm việc trong 4 ngày, khai mạc vào thứ năm, ngày 5/1/2023 và bế mạc vào chiều thứ hai, ngày 9/1/2023.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các Phó Chủ tịch Quốc hội chủ trì phiên họp

Trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, tại phiên họp thứ 17 và 18, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến, xem xét một số nội dung Chính phủ đề nghị trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp bất thường lần thứ 2.

Theo ông Bùi Văn Cường, sau khi xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất báo cáo Quốc hội tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ 2 để xem xét, quyết định các nội dung sau: Xem xét, quyết định Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Xem xét, thông qua dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Kỳ họp xem xét việc tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; xem xét, quyết định việc tiếp tục thực hiện một số chính sách liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược.

Kỳ họp xem xét, quyết định một số vấn đề về tài chính, ngân sách (gồm việc điều chỉnh dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan; việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (nguồn chi thường xuyên) năm 2021; Điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương).

Đối với nội dung về giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số trạm thu phí, dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT do Bộ Giao thông Vận tải quản lý: Do Chính phủ chưa gửi hồ sơ tài liệu chính thức nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa xem xét, cho ý kiến; do đó chưa có cơ sở để trình Quốc hội xem xét nội dung này tại kỳ họp bất thường lần thứ 2.

Về các điều kiện bảo đảm, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, về tài liệu, các nội dung trình Quốc hội đều được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp này. Do đó, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan hữu quan khẩn trương tiếp thu, hoàn thiện việc chuẩn bị các nội dung, gửi tài liệu kỳ họp đến Văn phòng Quốc hội để gửi đại biểu Quốc hội chậm nhất là 7 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp, bảo đảm thời gian để đại biểu Quốc hội tiếp cận tài liệu, nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi tham dự kỳ họp.

Về hoạt động tiếp xúc cử tri, theo quy định tại Nghị quyết liên tịch số 525/2012/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 27/9/2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, hoạt động tiếp xúc cử tri định kỳ trước và sau kỳ họp Quốc hội được áp dụng với 2 kỳ họp thường lệ hằng năm của Quốc hội.

Đối với kỳ họp bất thường, hiện nay hướng dẫn không quy định cụ thể việc tổ chức tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp. Do đó, đề nghị không tổ chức tiếp xúc cử tri trước kỳ họp này và nội dung chương trình kỳ họp, kết quả kỳ họp sẽ được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để cử tri và nhân dân được biết.

Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, Văn phòng Quốc hội đã chủ động, phối hợp với cơ quan hữu quan triển khai công tác chuẩn bị, phục vụ về cung cấp thông tin, tài liệu, công tác thông tin, tuyên truyền, báo chí, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin, an ninh, an toàn, lễ tân, hậu cần, phòng, chống dịch bệnh... để bảo đảm sẵn sàng phục vụ cho kỳ họp.

Anh Đức - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Áp lực khan hiếm nhiên liệu, giảm phát thải đè nặng thị trường hàng không

Thị trường hàng không đã khởi sắc trở lại sau ảnh hưởng đặc biệt lớn từ đại dịch COVID-19 khiến nhiều quốc gia thực hiện chính sách phong tỏa tạm thời. Mặc dù đã qua cơn bĩ cực nhưng các hãng hàng không lại gặp một rào cản mới đó là sự khan hiếm nguồn nhiên liệu sạch và áp lực giảm lượng khí phát thải xuống mức 0 vào năm 2050…

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/ngay-512023-khai-mac-ky-hop-bat-thuong-lan-thu-hai-cua-quoc-hoi-213932.html