Nghề bán báo giấy hắt hiu giữa "kỷ nguyên" của điện thoại thông minh

21/06/2020 16:42

Kinhte&Xahoi Với sự phát triển của điện thoại thông minh, người làm nghề bán báo giấy đã thưa dần. Tại Đà Nẵng cũng vậy, người dân phải tìm “đỏ mắt” mới thấy vài chủ sạp báo giấy trên các tuyến phố.

Những sạp báo còn sót lại

Sáng 21/6, dạo quanh một vòng trên nhiều tuyến phố của Đà Nẵng , chúng tôi rất khó có tìm được những sạp báo giấy. Những tuyến đường như Bạch Đằng, Hùng Vương, Ngô Gia Tự trước đây có nhiều sạp báo nối dài nhau, nay không còn.

Tìm “đỏ mắt”, chúng tôi mới thấy vài ba sạp báo ở những tuyến phố cách xa nhau.

Sự phát triển của công nghệ thông tin khiến các sạp báo ngày càng thưa dần
Tại Đà Nẵng, phải "đỏ mắt" mới tìm được những sạp báo còn sót lại

Theo ông Trần Công Thu (trú phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) - chủ sạp báo trên đường Lê Độ, nghề bán báo đã gắn bó vợ chồng ông chừng 12 năm nay.

Hàng ngày, ông đưa báo đi bỏ cho các quán cà phê, còn vợ ngồi bán tại sạp. Mỗi ngày cả hai vợ chồng bán được gần 200 tờ báo. Để đủ sống hàng ngày, ngoài công việc bán báo, vợ chồng ông Thu còn làm thêm nghề photocopy.

Thu nhập của các sạp báo không đủ sống nên hầu như những người bán báo đều phải làm thêm nghề khác

“Thời đại công nghệ phát triển, người dân mua báo cũng ít hẳn đi. Bây giờ người có nhu cầu đọc báo chủ yếu là những người già về hưu”, ông Thu nói.

Theo ông Thu, “thời hoàng kim” của báo giấy, mỗi ngày vợ chồng ông bán được 300 - 400 tờ báo. Bây giờ, công việc bán báo không đủ sống. Nhưng vì vợ chồng ông đều lớn tuổi, không có công việc gì khác nên đành “bám trụ” với nghề này.

 

 Khách mua báo hầu hết là những người trung niên, người về hưu

Ông Thu cũng cho biết, TP Đà Nẵng còn rất ít sạp báo. Các sạp báo nghỉ, người bán báo dạo cũng nghỉ hết vì không có người mua. Cũng vì ít người bán nên vợ chồng ông mới bán được số tờ báo như vậy mỗi ngày.

Là người gắn bó với công việc bán báo 20 năm nay, bà Huỳnh Thị Thu Hồng (55 tuổi, trú phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê) - chủ sạp báo trên đường Hàm Nghi cho biết, ngày càng ít người mua báo khiến những đồng nghiệp của chị bỏ nghề.

“Trước đây, quanh bờ hồ này có 7 sạp báo nhưng dần dần mọi người nghỉ hết, giờ chỉ còn lại mình tôi và sạp bên kia. Công việc gắn bó với tôi nhiều năm nay, giờ không bán báo không biết làm gì chứ nghề này không đủ sống”, bà Hồng chia sẻ.

Theo bà Hồng, khách mua báo là những người trung niên, những người về hưu còn thanh niên hầu như không có. Trước đây, mỗi ngày bà bán mấy trăm tờ báo nhưng nay chưa đến 100 tờ báo.

“Dù công việc này chẳng được thu nhập là bao nhưng báo vẫn còn xuất bản, vẫn còn người mua báo thì tôi vẫn còn bán báo”, bà Hồng nói.

Luôn giữ thói quen đọc báo

Vừa chở hàng cho khách xong, ông Nguyễn Thanh Cam (70 tuổi, trú phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) tạt vào sạp báo trên đường Hàm Nghi mua tờ báo.

Ông Cam cho biết, ông làm nghề chở hàng thuê. Nhiều năm nay, ông có thói quen đọc báo những lúc rảnh rỗi không có khách. Hai tờ báo không thể thiếu mỗi ngày của ông là Sức khỏe và Đời Sống và Bóng đá.

Dù đã có smartphone nhưng một số người vẫn giữ thói quen đọc báo giấy

“Tôi sử dụng điện thoại thông minh chậm chạp, không quen và vẫn thích đọc báo giấy hơn. Ngày nào tôi cũng mua báo để đọc như một món ăn tinh thần của mình”, ông Cam chia sẻ.

Đầu buổi sáng đi làm, anh Phạm Văn Sĩ cũng tạt vào sạp báo trên đường Lê Độ mua tờ báo như một thói quen hàng ngày.

Đối với một số người, báo giấy vẫn là món ăn tinh thần không thể thiếu hàng ngày

Anh Sĩ cho biết: “Tôi thích đọc sách, đọc báo giấy chứ không thích đọc trên mạng, trên mạng chỉ đọc lướt thôi. Ví dụ như hôm nay ngày Chủ nhật, có nhiều nội dung văn nghệ viết sâu, đọc thích hơn”.

Cũng vào mua báo nhưng anh Nguyễn Hoàng Hải (35 tuổi, trú phường Thạc Gián, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) lại mua cho mẹ mình.

Dù những thay đổi của thời đại công nghệ đang đi sâu vào đời sống của chúng ta, dù những sạp báo dần dần vắng bóng nhưng tình yêu của độc giả dành cho báo giấy vẫn mãi không thay đổi

Anh Hải cho biết, mẹ mình năm nay đã có 81 tuổi và bà có thói quen đọc báo từ nhiều năm nay. Mặc dù con cái cũng sắm cho bà chiếc đoạn thoại thông minh nhưng bà không thích đọc báo trên mạng mà vẫn giữ thói quen đọc báo giấy hàng ngày.

“Hàng ngày, tôi cứ ra sạp báo mua cho mẹ mình một tờ báo. Bà bảo đọc báo giấy dễ nhìn, dễ đọc. Đối với bà các thông tin trên báo giấy như vậy là đủ rồi”, anh Hải nói. 

Khánh Hồng


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Theo Dân Trí/ Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/nghe-ban-bao-giay-hat-hiu-giua-ky-nguyen-cua-dien-thoai-thong-minh-d127641.html