Mới đây, Ủy ban Châu Âu (EC) yêu cầu các nước thuộc EU giảm nhiệt hệ thống sưởi và làm mát các tòa nhà, những khu vực tiện ích công nhằm cắt giảm nhu cầu sử dụng khí đốt. Điều đó giúp chống chọi tốt hơn với sự sụt giảm nghiêm trọng nguồn cung cấp khí đốt của Nga, thậm chí có nguy cơ bị cắt hoàn toàn.
Khoảng 11 tỷ m3 khí đốt có thể tiết kiệm được từ việc hạn chế mức nhiệt độ sưởi ấm và làm mát tại Châu Âu
EC hối thúc các Chính phủ đặt ra giới hạn sử dụng năng lượng cho các tòa nhà, văn phòng, khu vực tiện ích công, trung tâm thương mại và khuôn viên ngoài trời… để tối ưu hóa năng lượng. Chính phủ các quốc gia thành viên cũng đang nỗ lực triển khai nhiều cơ chế tiết kiệm năng lượng trong bối cảnh giá khí đốt và hóa đơn tiền điện gia tăng cũng như để bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng trở nên khan hiếm.
Hưởng ứng kế hoạch của EU, Italy đã triển khai chiến dịch "Operation Thermostat" giảm nhiệt sưởi ấm và giảm điều hòa không khí tại trường học và các tòa nhà công. Đức và Pháp cũng kêu gọi khu vực lĩnh vực công đi đầu trong nỗ lực tiết kiệm điện theo những cách tương tự.
Tại Đức, các tòa nhà công sở, trong đó có cả tòa nhà Quốc hội không sử dụng nước nóng. Kể từ ngày 1/9, các tòa nhà công cộng, ngoại trừ những cơ sở như bệnh viện, nhà dưỡng lão được duy trì nhiệt độ sưởi tối đa 19 độ C nhưng toàn bộ hệ thống sưởi ở hành lang và tiền sảnh được yêu cầu tắt. Ngoài ra, các doanh nghiệp, cửa hàng không được phép bật đèn chiếu sáng mặt tiền vào ban đêm.
Trước đó, trong nỗ lực tiết kiệm năng lượng trên toàn quốc, từ cuối tháng 7/2022, nhiều thành phố tại Đức đã thực hiện tắt đèn chiếu sáng một số đài tưởng niệm và công trình lịch sử. Trong đó, thành phố Augsburg yêu cầu dừng hoạt động các đài phun nước. Từ tháng 9/2022, các bể bơi tư nhân tại Đức bị cấm sử dụng hệ thống sưởi ấm. Một số thành phố phải hạ mức nhiệt tại bể bơi, giảm số đèn chiếu sáng đô thị.
Liên minh nhà ở tại thành phố Dresden, miền Đông nước Đức tuyên bố hạn chế nước nóng ở một số thời điểm trong ngày. Tập đoàn bất động sản Vonovia, lớn nhất của Đức cũng lên kế hoạch giới hạn mức nhiệt sưởi ấm tại 350.000 nhà ở thuộc quản lý của tập đoàn này ở mức 17 độ C vào ban đêm.
75% tổng năng lượng tiêu thụ trong cả năm tại Thụy Sỹ rơi vào những tháng mùa Đông (Ảnh minh họa)
Từ ngày 10/8, Tây Ban Nha đã áp dụng các quy định hạn chế sử dụng điều hòa không khí và không đặt nhiệt độ thấp hơn 27 độ C trong những tháng nóng nhất của năm. Quy định được áp dụng với hầu hết các lĩnh vực, từ phương tiện giao thông công cộng đến cửa hàng, văn phòng, nhà hát và rạp chiếu phim. Trong khi đó, mức nhiệt sưởi ấm tối đa được cài đặt trong mùa đông là 19 độ C.
Đến cuối tháng 9/2022, tất cả cơ sở sử dụng điều hòa nhiệt độ hoặc hệ thống sưởi ấm tại xứ sở bò tót đều phải lắp đặt hệ thống đóng mở cửa tự động để tránh lãng phí điện. Từ 22h, các cửa hàng phải tắt đèn cửa sổ; Đèn trang trí tại các tòa nhà công cũng phải tắt.
Về hệ thống chiếu sáng công cộng, tại Pháp, các màn hình quảng cáo có lắp đèn chiếu sáng bị cấm hoạt động từ 1 - 6 giờ sáng hằng ngày, trừ những nơi như sân bay hay ga tàu hỏa. Các cửa hàng cũng được yêu cầu đóng cửa khi bật điều hòa không khí, nếu vi phạm sẽ bị phạt nặng.
Ước tính, một màn hình kỹ thuật số LCD rộng 2m2 sẽ tiêu thụ lượng điện năng hằng năm tương đương một hộ gia đình cho mục đích chiếu sáng và sử dụng các sản phẩm gia dụng, không tính sưởi ấm.
Các quốc gia Liên minh Châu Âu (EU) bắt đầu thực hiện kế hoạch giảm 15% lượng khí đốt tiêu thụ trong giai đoạn từ ngày 1/8/2022 đến 31/3/2023 để ứng phó với cuộc khủng hoảng năng lượng
Thủ đô Vienna (Áo) sẽ không thắp sáng đèn Giáng sinh ở đại lộ Ring nổi tiếng bao quanh trung tâm thủ đô. Đèn chiếu sáng tại chợ Giáng sinh ở quảng trường trước tòa nhà thị chính sẽ chỉ được bật vào ban đêm.
Người dân Phần Lan được khuyên nên giảm thời gian đi tắm hơi - một trong những thói quen hằng ngày ở quê hương ông già Noel. Từ tháng 10/2022, Phần Lan khuyến khích người dân giảm nhiệt độ máy sưởi, giảm thời gian tắm và không sưởi ấm gara.
Trong khi đó, Thụy Sĩ đã đặt mục tiêu tiết kiệm 15% lượng khí đốt sử dụng vào mùa Đông, từ tháng 10/2022 đến 3/2023. Lĩnh vực có thể tiết kiệm được nhiều năng lượng nhất là sưởi ấm do đó, Chính phủ dự định yêu cầu giảm mức nhiệt sưởi ấm các tòa nhà, tắt máy tính và các thiết bị khi không cần thiết.
Vì phải nhập khẩu toàn bộ khí đốt từ nước ngoài nên Thụy Sĩ sẽ chịu tác động trực tiếp nếu Châu Âu khan hiếm khí đốt. Tuy nhiên, so với các nước khác trong Liên minh Châu Âu (EU), Thụy Sĩ ít phụ thuộc vào khí đốt hơn. Tỷ trọng sử dụng khí đốt trong tổng năng lượng tiêu thụ quốc gia thấp hơn so với các nước còn lại. Theo số liệu thống kê của quốc gia này, 75% tổng năng lượng tiêu thụ trong cả năm rơi vào những tháng mùa Đông.
Theo các chuyên gia, nguồn cung khí đốt từ Nga trong tháng 7/2022 đã giảm khoảng 70% so với cùng kỳ năm 2021. Tháng trước đó, EU đã đưa ra kế hoạch khẩn cấp nhằm kêu gọi các nước thành viên giảm sử dụng 15% nhu cầu khí đốt cho đến tháng 3/2023. Trước khi leo thang căng thẳng vì chiến dịch đặc biệt của Nga tại miền Đông Ukraine, Nga cung cấp khoảng 40% khí đốt tiêu thụ tại EU.
Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), EU đã nhập khẩu khoảng 140 tỷ m3 khí đốt từ Nga vào năm ngoái. Cơ quan này cho rằng, hành động ngay bây giờ có thể làm giảm 1/3 tác động của sự gián đoạn đột ngột nguồn cung khí đốt.
IEA tính toán, khoảng 11 tỷ m3 khí đốt có thể được tiết kiệm trực tiếp từ việc hạn chế mức nhiệt độ sưởi ấm và làm mát; Từ 4 - 40 tỷ m3 thông qua việc giảm nhu cầu điện. Ngoài ra, 10 - 11 tỷ m3 khí đốt cũng có thể được tiết kiệm do một số ngành công nghiệp tiết chế sản lượng vì giá cả tăng cao. |
Hoàng Châu - TTTĐ