Người dân Thủ đô chung sức đồng lòng cùng TP trong "trận đánh lớn"

03/09/2021 18:39

Kinhte&Xahoi Hà Nội sẽ thiết lập 3 vùng theo mức độ nguy cơ dịch Covid-19 sau đợt giãn cách thứ 3, bước vào giai đoạn mới quyết liệt, chặt chẽ hơn trong công tác phòng, chống Covid-19. Hiểu được quyết tâm cao nhất bằng mọi cách bảo vệ an toàn, vững chắc cho Hà Nội, góp phần vào công tác phòng, chống dịch của lãnh đạo thành phố, người dân Thủ đô luôn tin tưởng, ủng hộ và tham gia tích cực với vai trò thực sự là trung tâm, là chủ thể trong cuộc chiến đấu chống “giặc” Covid-19.

Thời điểm then chốt, quyết định hiệu quả phòng, chống dịch

 Sau đợt giãn cách thứ 3, từ 6h ngày 6/9/2021 đến 6h ngày 21/9/2021, TP Hà Nội sẽ thiết lập 3 vùng chia theo mức độ nguy cơ và đặc điểm địa lý - dân cư - sinh hoạt - sản xuất; Tiếp tục giãn cách ở "vùng đỏ" và điều chỉnh các biện pháp cao hơn nguyên tắc Chỉ thị 15/TTg với vùng “cam, xanh”.

Cụ thể, phân vùng 1 là khu vực đô thị trung tâm với mật độ dân cư cao, tập trung các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ; Hiện là vùng đỏ, nhiều đối tượng nguy cơ cao. Khu vực "vùng đỏ" gồm 15 đơn vị hành chính sẽ tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội ở mức cao hơn Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ với nguyên tắc "ai đâu ở đó" để khoanh vùng, truy vết, xử lý, dập dịch triệt để.

Còn tại các khu vực nguy cơ cao "vùng cam" và nguy cơ thấp hơn "vùng xanh", thành phố điều chỉnh biện pháp ở mức cao hơn nguyên tắc Chỉ thị 15/CT-TTg (15+) của Thủ tướng Chính phủ để tổ chức phục hồi sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ các khu vực "vùng đỏ" bảo đảm khoa học, kiểm soát chặt chẽ, phù hợp với tình hình dịch bệnh tại địa phương.

Từ 6 giờ ngày 6/9/2021 đến 6 giờ ngày 21/9/2021, Hà Nội sẽ thực hiện giãn cách theo 3 vùng

Để có phương án cụ thể, từ nay đến trước ngày 6/9/2021, các cơ quan chức năng của thành phố sẽ tập trung nghiên cứu, tham vấn chuyên gia để xây dựng nhằm bảo đảm tính chất khoa học, phù hợp thực tiễn, với mục tiêu khi đưa vào áp dụng phải dễ hiểu, dễ áp dụng, đem lại hiệu quả cao, trong đó quan trọng nhất là khống chế dịch bệnh, bảo đảm sức khỏe, an toàn tính mạng của người dân.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị cần kêu gọi, vận động để huy động được sự tham gia của Nhân dân, lấy Nhân dân làm trung tâm, làm chủ thể trong công tác phòng, chống dịch của TP Hà Nội sắp tới.

Rõ ràng, sau hơn 40 ngày thực hiện giãn cách xã hội trên phạm vi toàn thành phố, công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Hà Nội đã đạt một số kết quả bước đầu. Số ca mắc mới ghi nhận trong cộng đồng đã giảm những ngày gần đây. Như vậy, những biện pháp giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ bắt đầu từ 6h ngày 24/7 đã chứng tỏ sự sáng suốt, đúng, trúng và kịp thời.

Nông dân xã Tiền Yên (huyện Hoài Đức) chăm sóc hoa màu

Là một công dân của Thủ đô theo dõi rất sát sao các chỉ đạo của thành phố liên quan đến công tác phòng chống dịch, ông Phạm Văn Điều (56 tuổi, thôn Cổ Điển An, xã Tứ Hiệp, Thanh Trì) nhìn nhận: “Tôi thấy việc thành phố quyết định phân vùng theo tính chất, mức độ dịch bệnh như vậy là rất sáng tạo, kịp thời và cần thiết. Chỗ nào cần chặt càng phải làm chặt hơn, chỗ nào có thể nới lỏng thì nới lỏng có kiểm soát. Mặc dù huyện Thanh Trì thuộc "vùng đỏ" áp dụng Chỉ thị 16 cũng sẽ có chút khó khăn trong đi lại sinh hoạt nhưng tôi nghĩ cần phải như vậy. Tôi hoàn toàn tin tưởng, ủng hộ chủ trương này của thành phố”.

Anh Trần Văn Cường, tổ dân phố số 20, phường Giang Biên, quận Long Biên cũng hoàn toàn ủng hộ quyết định của TP Hà Nội.

“Tôi nghĩ để có thể phân vùng như vậy đòi hỏi nỗ lực rất nhiều của các bán bộ y tế cũng như lãnh đạo các địa phương. Quan trọng hơn, việc Hà Nội thay đổi “chiến thuật” phong tỏa sau ngày 6/9, áp dụng Chỉ thị 15 cho những vùng có nguy cơ thấp (vùng xanh) sẽ giúp cho cuộc sống của người dân có “động lực hơn”. Việc thuộc phân vùng 2, chúng tôi sẽ lao động, sản xuất một cách an toàn để hỗ trợ cho vùng đỏ. Tôi hoàn toàn tin tưởng và ủng hộ quyết định này của thành phố”, anh Cường chia sẻ.

Hoan nghênh quyết định của lãnh đạo thành phố, chị Phan Thanh Nhàn, ở phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, cho rằng: “Phải nói rằng Thủ đô đang rất linh hoạt trong việc thiết lập 3 vùng giãn cách sau ngày 6/9. Điều này sẽ đảm bảo cho việc thực hiện mục tiêu “kép” vừa đảm bảo phòng chống dịch vừa phục hồi sản xuất kinh doanh”.

Cũng theo chia sẻ của chị Nhàn, với 10 triệu dân, nếu không phân vùng để tiếp tục chống dịch thì việc đảm bảo công tác an sinh xã hội cho người dân toàn thành phố sẽ gặp khó khăn và việc chống dịch có khi lại không đạt hiệu quả như mong muốn. "Vùng xanh" sẽ là “hậu phương” vững chắc cho “vùng đỏ".

Hầu hết người dân Hà Nội đều ủng hộ những“vùng đỏ” phải tiếp tục siết chặt hơn

Có thể nói, quyết định các mức độ giãn cách cụ thể theo phân vùng phù hợp với mức độ nguy cơ của dịch và đặc điểm địa lý - dân cư - sinh hoạt - sản xuất là một quyết định sáng suốt, để không phải kéo dài thời gian giãn cách xã hội toàn thành phố, giảm áp lực an sinh, sản xuất và áp lực lên hệ thống chính quyền các cấp. Cùng sự đồng lòng của người dân trong việc tuân thủ các khuyến cáo và quyết định của thành phố, tin tưởng Hà Nội sẽ sớm bóc tách các ca F0 khỏi cộng đồng, dập tắt nhanh nhất các ổ dịch, sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới.

 Ánh Dương - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

WHO đang theo dõi biến thể mới có khả năng kháng vắc-xin

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết đang theo dõi một biến thể mới của virus SARS-CoV-2, bùng phát ở Colombia hồi tháng 1 đầu năm.Theo WHO, biến thể B.1.621, còn gọi là biến thể Mu chứa các đột biến có khả năng kháng vắc-xin, do đó cần thực hiện các nghiên cứu sâu hơn để hiểu rõ về biến thể này.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/nguoi-dan-thu-do-chung-suc-dong-long-cung-tp-trong-tran-danh-lon-176056.html