Ngôi nhà của gia đình của anh Nguyễn Phan Mạnh (37 tuổi) tại xóm Tiền Phong, xã La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội, những ngày qua luôn tấp nập người qua lại. Tại đây, bà con trong xóm mỗi người một công việc: người góp gạo, củi, người gói bánh để chuyển cho đồng bào miền Trung đang vật lộn chống chọi với lũ lụt.
Nhiều người trong thôn sẵn sàng bỏ công việc, nghỉ làm dành thời gian đến gói bánh, luộc bánh với hy vọng những chiếc bánh chưng sớm được chuyển đến tay bà con miền Trung.
Nhà anh Mạnh trở thành điểm cầu kết nối mọi người lại với nhau.
Hoạt động gói bánh chưng diễn ra từ ngày 17/10, buổi sáng bắt đầu từ 7 giờ sáng đến 12 giờ trưa, buổi chiều từ 2 giờ đến 4 giờ.
Anh Mạnh tiết lộ lý do chọn việc ủng hộ bánh chưng chứ không phải tiền hay những thực phẩm ăn liền khác, là vì đồng bào miền Trung đang ngập trong lũ, những thực phẩm chín sẵn sẽ thực tế và dễ sử dụng. "Tôi bỏ công sức làm bánh chưng vì nó dinh dưỡng, ăn ngon, no lâu hơn so với mỳ tôm hay các đồ ăn liền, ăn sẵn khác".
Đánh giá về hoạt động này, ông Tạ Công Luận, Bí thư Đảng ủy xã La Phù, huyện Hoài Đức (Hà Nội) cho biết, đây là hoạt động rất thiết thực của các gia đình trong xã. “Thứ nhất, đem đến sự giúp đỡ để người dân miền Trung vượt qua giai đoạn khó khăn nhất như hiện nay. Lúc này, chỉ những đồ ăn, đồ mặc, nhu yếu phẩm là cái cần thiết “, ông Luận chia sẻ.
Chia sẻ với Dân Trí, chị Lan (xã La Phù, Hoài Đức, Hà Nội) cho biết, miền Trung lũ lụt, người dân gặp vô vàn khó khăn, người dân trong xóm đến đây hỗ trợ gói bánh gửi đến đồng bào miền Trung. “Rất là thương đồng bào miền Trung”, chị Lan tâm sự.
Bà Nguyễn Thị An (62 tuổi, xã La Phù, Hoài Đức, Hà Nội) là người tham gia hoạt động gói bánh ngay từ đầu cho biết, đã tạm dừng công việc làm đan len xuất khẩu để đến nhà anh Mạnh gói bánh chưng ủng hộ.
Nghĩ về miền Trung khiến bà An không kìm được nước mắt và thương xót.
Tuy vậy, không khí cũng không thiếu những tiếng cười, mọi người cũng động viên nhau cố gắng để chung tay cùng cả nước giúp đỡ miền Trung.
Hoạt động cũng nhận được không ít sự động viên và ủng hộ từ chính quyền địa phương. “Việc này thể hiện tinh thần lá lành đùm lá rách, tinh thần dân tộc, yêu nước rất cao của người dân”, vị Bí thư chia sẻ thêm.
Ghi nhận của phóng viên, rất nhiều người dân trong xóm khi biết được hoạt động gói bánh ý nghĩa này đều đến ủng hộ.
Tính đến 10 giờ sáng ngày 19/10 chuyến hàng đầu tiên đã lên đường để tiếp tế cho người dân miền Trung.
Những nồi bánh chưng được đun bằng củi trong nhiều tiếng đồng hồ để bánh ngon, dẻo. Tính đến nay, các hộ dân tại đây đã gói và luộc xong khoảng 1.500 chiếc bánh gửi đến đồng bào miền Trung
Ngọc Hưng - Theo Dân trí