Lao động trẻ em có xu hướng gia tăng trên thế giới (Ảnh: Unicef)
Báo cáo đã chỉ ra mức tăng đáng kể về số lượng lao động trẻ em trong độ tuổi từ 5 - 11 dù đối tượng này chỉ chiếm hơn một nửa tổng số trẻ em toàn cầu. Số trẻ em trong độ tuổi 5 - 17 phải làm các công việc nguy hại - được định nghĩa là những công việc có thể gây tổn hại tới sức khỏe, sự an toàn và tinh thần của trẻ đã tăng 6,5 triệu trẻ kể từ năm 2016, lên 79 triệu trẻ.
Theo đó, 70% lao động trẻ em hiện làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp (112 triệu trẻ), 20% làm việc trong lĩnh vực dịch vụ (31,4 triệu trẻ) và 10% làm việc trong lĩnh vực công nghiệp (16,5 triệu trẻ). Gần 28% trẻ trong độ tuổi 5 - 11 và 35% trẻ trong độ tuổi 12 - 14 là lao động trẻ em và không được đi học. Lao động trẻ em là các trẻ em trai phổ biến hơn trẻ em gái ở mọi lứa tuổi. Nếu tính đến các công việc gia đình phải làm mất ít nhất 21 giờ mỗi tuần thì khoảng cách giới trong lao động trẻ em thu hẹp hơn. Tỷ lệ lao động trẻ em ở khu vực nông thôn (14%) cao gần gấp ba lần khu vực thành thị (5%).
Lao động trẻ em khiến trẻ em có nguy cơ bị tổn hại về sức khỏe và tinh thần. Điều đó tước đi cơ hội học tập, hạn chế quyền và những cơ hội tương lai của trẻ, và tạo ra vòng luẩn quẩn giữa nghèo đói và lao động trẻ em từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Lao động trẻ em khiến trẻ em có nguy cơ bị tổn hại về sức khỏe và tinh thần
Báo cáo cũng cảnh báo rằng trên toàn cầu, tính đến cuối năm 2022 sẽ có thêm 9 triệu trẻ em đứng trước nguy cơ trở thành lao động trẻ em do hậu quả của đại dịch. Một mô hình mô phỏng cho thấy con số này có thể tăng lên 46 triệu nếu trẻ em không được tiếp cận với các cơ chế an sinh xã hội thiết yếu.
Ông Guy Ryder, Tổng Giám đốc ILO, cho biết: “Những số liệu ước tính mới là một lời cảnh tỉnh đối với chúng ta. Chúng ta không thể đứng yên khi một thế hệ trẻ em mới đang đứng trước rủi ro như vậy”.
Do đó, theo ông Ryder an sinh xã hội toàn diện cho phép các gia đình tiếp tục cho trẻ em đến trường ngay cả khi kinh tế khó khăn. Cần thiết phải tăng mức đầu tư vào phát triển nông thôn và việc làm thỏa đáng trong lĩnh vực nông nghiệp. Đây là thời điểm cần có những cam kết và hành động mới để xoay chuyển tình thế và phá vỡ vòng luẩn quẩn của nghèo đói và lao động trẻ em.
Tại Việt Nam, theo số liệu điều tra quốc gia về Lao động trẻ em năm 2018 (công bố cuối năm 2020), cả nước có khoảng 1 triệu lao động trẻ em, hơn một nửa trong số đó đang làm những công việc lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; gần một nửa không đi học và 1,4% chưa từng đi học.
Điều tra cũng cho thấy trong cùng một độ tuổi, tỷ lệ trẻ em đang đi học ở nông thôn thấp hơn trẻ em ở thành thị.
Ngoài lý do không thích đi học, học kém, điều đáng quan tâm ở đây là có đến 15% trẻ em nghỉ học vì lý do tham gia lao động để tạo thu nhập cho bản thân, gia đình và 14.4% không tiếp tục đi học vì không có tiền để học tập.
Tuệ Uyên - TTTĐ