Nguy cơ lũ chồng lũ ở miền Trung

08/10/2020 07:41

Kinhte&Xahoi Khu vực miền Trung đang chống chịu những đợt mưa tới tấp trong 10 ngày tới, đặc biệt có những nơi có lượng mưa trên 1.000 mm. Một kịch bản lũ chồng lũ đang được cảnh báo ở khu vực này. Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai cảnh báo, nếu xả lũ gây thiệt hại lớn, chủ hồ có thể bị khởi tố.

Mưa lớn khiến nhiều tuyến đường ở TP Tam Kỳ, Quảng Nam ngập nặng ảnh: hoài văn

Chiều 7/10, vùng áp thấp trên biển Đông đã đi vào đất liền các tỉnh Nam Trung bộ, sau đó suy yếu, tan dần. Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, điều đáng lo ngại là vào ngày 13 và 14/10 khả năng sẽ tiếp tục có một áp thấp nhiệt đới đi vào biển Đông. Áp thấp nhiệt đới này trùng với thời điểm đang diễn ra mưa lũ đợt hai ở khu vực Trung bộ nên cần đặc biệt lưu ý.

Ông Khiêm cho biết, khu vực Trung bộ sẽ có mưa lớn kéo dài trong khoảng 10 ngày tới và chia làm hai đợt. Đợt một từ nay đến này 9/10, với lượng mưa 300-500mm, riêng Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có lượng mưa 500-700 mm. Đợt mưa thứ hai sẽ kéo dài từ khoảng 12 đến 14/10 tới. Dự báo tổng lượng mưa hai đợt có thể lên tới 500-1.200 mm, có nơi cao hơn.

Đối với khu vực miền núi phía Bắc, do ảnh hưởng của không khí lạnh khô, nên 6 ngày tới sẽ không có mưa, hoặc ít mưa, nhưng mưa sẽ quay lại từ sau 14/10. Trong khoảng 10 ngày tới, những nơi khác như Nghệ An,  Nam Trung bộ, Bắc Tây Nguyên có lượng mưa 200-550 mm; Nam bộ và Nam Tây Nguyên có lượng mưa 100-300 mm.

Theo nhận định của cơ quan dự báo thời tiết, với tình hình mưa như trên, từ nay đến 11/10, trên các sông từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên sẽ xuất hiện một đợt lũ, với biên độ lũ lên ở thượng nguồn 4 đến 9 m, hạ lưu từ 1,5 đến 5m.

Mực nước các sông từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị có khả năng lên mức báo động (BĐ) 2 và trên BĐ2. Mực nước các sông từ Thừa Thiên- Huế đến Bình Thuận và Tây Nguyên có khả năng ở mức BĐ1-BĐ2, có nơi vượt BĐ2; thượng nguồn các sông và các sông suối nhỏ có khả năng lên mức BĐ3.

Trước diễn biến của thời tiết như trên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu Tổng cục Thủy sản tập trung chỉ đạo hướng dẫn người dân thu hoạch sớm, có biện pháp bảo vệ khu nuôi trồng, đặc biệt là khu nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt với 54.000 ha hiện nay.

Cũng theo ông Hiệp, với hơn 2.000 trang trại chăn nuôi ở khu vực miền Trung, chủ yếu là chăn nuôi lợn (với gần 6 triệu con), Cục Chăn nuôi cần thông báo, hướng dẫn cụ thể cho các địa phương, không để xảy ra thiệt hại, để “lợn chết trôi lềnh bềnh”.

Về giao thông, do đặc điểm địa hình khu vực miền Trung dễ xảy ra “chưa mưa đã bị chia cắt”, với lượng mưa lớn như vậy, khả năng Quốc lộ 1, đường sắt, đường Hồ Chí Minh dự báo sẽ bị ngập lụt, ông Hiệp đề nghị cần triển khai sớm các giải pháp để đảm bảo giao thông thông suốt, không bị chia cắt khi lũ lên cao.

Lo lũ chồng lũ

Ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết, hiện tại nhiều hồ chứa thủy điện, thủy lợi ở phía Bắc đã đầy nước, trong đó có ba hồ đang phải xả lũ.

Tại khu vực Bắc Trung bộ, các hồ chứa thuỷ lợi đang đạt từ 12-49% dung tích thiết kế, các hồ ở Nam Trung bộ cũng đang đạt từ 12 đến 60% dung tích thiết kế.

Ông Hoài cho rằng, dù dung tích của thuỷ điện miền Trung còn lớn, nhưng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cần chỉ đạo rà soát phương án an toàn cho hạ du khi xả lũ. “Năm 2011, đồng loạt các địa phương phản đối thuỷ điện xả lũ, vì như thế lũ sẽ chồng lũ”, ông Hoài cảnh báo.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, với dự báo lượng mưa từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi bình quân 300-500mm, có nơi 1.000 mm, thậm chí có lượng mưa lớn hơn thì  nguy cơ  tái hiện trận lũ lịch sử năm 2017 là rất cao.

“Năm 2017, tại khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi, chỉ 3-4 ngày đã mưa tới 1.000 mm. Còn năm nay, đến ngày 11/10 tới, một áp thấp nhiệt đới khả năng mạnh thành bão cũng hướng vào khu vực miền Trung, nguy cơ gây ra mưa lớn, lũ quét và sạt lở đất rất cao”, ông Hiệp cảnh báo.

Ông Hiệp cũng lưu ý tất cả các hồ thuỷ lợi và thuỷ điện cần trong tình trạng báo động cao nhất trong trạng thái vận hành, tránh tình trạng cả hồ thuỷ lợi, thuỷ điện cùng xả, gây lũ chồng lũ cho hạ du. Trong đó, các hồ chứa lớn do Bộ NN&PTNT quản lý phải báo động đặc biệt, trong đó hồ Tả Trạch đặt trong trạng thái ưu tiên 1, hồ Ngàn Trươi trong trạng thái ưu tiên thứ 2. “Những địa điểm, khu vực nguy cơ sạt lở, lũ quét cao, các địa phương chủ động sơ tán dân sớm hơn, tránh thiệt hại về người”, ông Hiệp lưu ý.

Liên quan vấn đề xả lũ, Thứ trưởng Hiệp cho biết, miền Trung và Tây Nguyên có hàng trăm thuỷ điện, nhưng EVN chỉ quản lý 20 hồ lớn, có dung tích cắt lũ. Còn lại có rất nhiều hồ chứa thuỷ điện nhỏ do tư nhân đầu tư. Đây là những thuỷ điện nhỏ, không có dung tích phòng lũ. Việc vận hành xả lũ ở những thuỷ điện này thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND các cấp. Mỗi địa phương đều có tổ tư vấn trước khi lãnh đạo chính quyền địa phương ra quyết định.

“Về nguyên tắc khi có mưa lớn gây ngập lụt, thuỷ điện này phải xả lũ trước để đón lũ và lượng nước đã xả đó chính là dung tích phòng lũ. Các thuỷ điện nhỏ phải thực hiện nghiêm quy định này. Nếu chỉ vì lợi ích của việc phát điện, sẽ khó tránh được tình trạng lũ chồng lũ”, ông Hiệp nói.

Ông Hiệp cho rằng, hiện những quy định liên quan đến xả lũ, vận hành hồ chứa đã đưa vào luật. “Xả lũ gây thiệt hại đến mức độ nào thì bị xử phạt, đến mức nào thì khởi tố, đã có quy định đầy đủ. Do vậy, chúng tôi đề nghị các chủ hồ, địa phương các cấp thực hiện nghiêm, tránh gây hậu quả đáng tiếc”, ông Hiệp cảnh báo.

 Xả lũ gây thiệt hại đến mức độ nào thì xử phạt, đến mức nào thì khởi tố, đã có quy định đầy đủ. Do vậy, chúng tôi đề nghị các chủ hồ, địa phương các cấp thực hiện nghiêm, tránh gây hậu quả đáng tiếc”.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp

 Nam Khánh - Theo Tiền Phong

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/nguy-co-lu-chong-lu-o-mien-trung-d137193.html