Nhà thầu "phản ứng" do nghi ngờ gói thầu CW06 không đảm bảo cạnh tranh

10/03/2022 09:20

Kinhte&Xahoi Mới đây, gói thầu CW06 “Cung cấp thiết bị, lắp đặt và thi công xây dựng trạm bơm Nguyệt Đức” do Ban Quản lý dự án sử dụng vốn vay nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc (VPMO) làm chủ đầu tư đã bị một nhà thầu khiếu nại do nghi ngờ không đảm bảo sự cạnh tranh.

Mới đây, Pháp luật Plus nhận được thông tin của đơn vị đã tham gia nộp hồ sơ dự thầu và dự lễ mở thầu ngày 21/10/2021 gói thầu "Cung cấp thiết bị, lắp đặt và thi công xây dựng trạm bơm Nguyệt Đức" gọi tắt là CW06 phản ánh một số vấn đề không tuân thủ quy định pháp luật trong quá trình đánh giá và lựa chọn nhà thầu. Được biết chủ đầu tư dự án này là Ban Quản lý dự án sử dụng vốn vay nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc.

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Khu vực Gói thầu CW06 “Cung cấp thiết bị, lắp đặt và thi công xây dựng trạm bơm Nguyệt Đức”.

Theo thông tin sơ bộ có được thì đơn vị này cũng đã gửi văn bản kiến nghị đến Ban Quản lý dự án sử dụng vốn vay nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc (VPMO) về tính hợp lệ “Thư giảm giá” của nhà thầu liên danh Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam – Công ty CP Chế tạo Bơm Hải Dương – Công ty CP Xây dựng thủy lợi Hải Dương (LILAMA – HAPUMA - HAIDUONG XLTL) không thực hiện đúng theo yêu cầu của E-HSMT. Tuy nhiên VPMO vẫn kết luận “Thư giảm giá” của nhà thầu liên danh LILAMA-HAPUMA- HAIDUONG XLTL là lỗi nhỏ và hợp lệ.

 Liên danh Tổng công ty Lắp máy Việt Nam, Công ty CP Chế tạo Bơm Hải Dương, Công ty CP Xây dựng thủy lợi Hải Dương (gọi tắt là Liên danh Lilama - Hapuma - Thủy lợi Hải Dương) vừa được công bố trúng thầu Gói thầu CW06 Cung cấp, lắp đặt thiết bị, xây dựng trạm bơm tiêu Nguyệt Đức. 

Giá trúng thầu là 409,94 tỷ đồng, giảm 122,78 tỷ đồng so với giá gói thầu, tỷ lệ giảm giá đạt 23,04%.

Gói thầu thuộc Dự án Quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc, do Ban Quản lý dự án sử dụng vốn vay nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc làm bên mời thầu. Nguồn vốn thực hiện từ nguồn vốn ngân sách nhà nước tỉnh Vĩnh Phúc và vốn vay Ngân hàng Thế giới. Thời gian phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT) từ ngày 27/8 - 21/10/2021.

Theo phản ánh, tại lễ mở thầu có 4 nhà thầu đề xuất giảm giá, trong đó 3 nhà thầu có đề xuất giảm giá nằm trong thư dự thầu như quy định, chỉ riêng nhà thầu LILAMA – HAPUMA - HAIDUONG XLTL không thực hiện đúng quy định trong thư dự thầu mà có “Thư giảm giá” để tách riêng trong một bì thư.

Nhà thầu này cho rằng, việc giảm giá được quy định trong thư dự thầu là một nội dung mà các nhà thầu phải cân nhắc rất kỹ trước khi phát hành thư dự thầu, nhưng nhà thầu LILAMA – HAPUMA - HAIDUONG XLTL đã sử dụng “Thư giảm giá” riêng để thay thế một phần nội dung thư dự thầu, như vậy là trái với quy định tại ITB.13.1 của Hồ sơ mời thầu.

Việc tất cả các nhà thầu phải tuân thủ các quy định và hướng dẫn trong hồ sơ mời thầu để lập hồ sơ dự thầu là điều kiện bắt buộc nhằm tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các nhà thầu. Nếu một nhà thầu có “Thư giảm giá” nộp riêng, không nằm trong nội dung của thư dự thầu và không đúng với quy định về lập thư dự thầu được chấp thuận thì sẽ tạo ra sự không công bằng cho các nhà thầu đã tuân thủ đúng quy định về chiết khấu/giảm giá trong thư dự thầu.

Trong trường hợp “Thư giảm giá” của nhà thầu liên danh LILAMA-HAPUMA-HAIDUONG XLTL là hợp lệ thì giá sau giảm giá của liên danh này khoảng 398,94 tỷ, tuy nhiên, giá trúng thầu là 409,94 tỷ (chênh lệch tăng 11 tỷ VNĐ). Điều này có rất nhiều nghi vấn nên cần phải xem lại quá trình cân bằng giá của chủ đầu tư?... Trong Hồ sơ dự thầu của nhà thầu liên danh LILAMA – HAPUMA - HAIDUONG XLTL đã thiếu 5 bản photo “Thư giảm giá”, việc thiếu này liệu có thể cấu thành hành vi gian lận hoặc thông thầu? - Nhà thầu này thắc mắc.

Cũng theo E-HSMT hướng dẫn tại mục ITB. 40, sau khi có kết quả đấu thầu thì chủ đầu tư phải thông báo cho các nhà thầu về kết quả đấu thầu và lý do bị loại. Đồng thời phải đăng tải trực tuyến trên mạng đấu thầu về: Tên của từng nhà thầu đã nộp hồ sơ dự thầu; giá dự thầu như đã đọc công khai tại lễ mở thầu; tên và giá đánh giá của từng hồ sơ dự thầu đã được đánh giá; tên của các nhà thầu bị loại hồ sơ và lý do bị loại; tên của nhà thầu trúng thầu và giá trúng thầu, cũng như thời gian thực hiện hợp đồng và tóm tắt phạm vi hợp đồng được trao.

Tuy nhiên, ngày 28/02/2022, theo phản ánh có nhà thầu tham gia dự thầu gói thầu trên vẫn chưa nhận được thông báo kết quả đấu thầu từ chủ đầu tư.

Trước những phản ánh của nhà thầu này Pháp luật Plus đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc sớm vào cuộc thanh, kiểm tra rõ những vấn đề mà đơn vị đã nêu trên tại gói thầu CW06. Đồng thời kiểm tra lại năng lực của từng thành viên nhà thầu liên danh LILAMA – HAPUMA - HAIDUONG XLTL. Qua đó làm rõ vấn đề, trả lời thông tin phản ánh nhà thầu nhằm đảm bảo thông tin khách quan, công bằng. 

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.

 Hải Đăng - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Khởi đầu chặng đua gay cấn tại Pháp

Chặng cuối của “đường đua” đến vị trí Tổng thống Pháp nhiệm kỳ 2022-2027 đã được “nhấn nút” khởi động khi Hội đồng Lập hiến nước này chính thức công bố danh sách 12 ứng cử viên. Hiện tại, đương kim Tổng thống Emmanuel Macron vẫn dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận, song tình huống có thể sẽ thay đổi khi các đảng phái đều nỗ lực thu hút lá phiếu cử tri thông qua chiến dịch vận động từ nay đến ngày 10-4 tới.

Người mắc COVID-19 sẽ lây truyền trong bao lâu?

Theo một nghiên cứu mới đây được tiến hành tại Mỹ, trung bình mỗi người nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 sẽ phát tán virus trong khoảng 6 ngày sau khi các triệu chứng xuất hiện.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/dau-thau/nha-thau-phan-ung-do-nghi-ngo-goi-thau-cw06-khong-dam-bao-canh-tranh-d177873.html