Nhận bàn giao nhà chưa đủ điều kiện, cư dân tại dự án Sapphire Palace “kêu cứu”

13/09/2018 16:04

Kinhte&Xahoi Quá bức xúc trước hàng loạt các sai phạm nghiêm trọng tại chung cư Sapphire Palace số 4 Chính Kinh, quận Thanh Xuân (Hà Nội), tập thể cư dân của tòa này đã phải viết đơn cầu cứu tới cơ quan chức năng tố cáo CĐT là Công ty Cổ phần Bất động sản Hà Nội Sông Hồng.

Trong Đơn kêu cứu gửi tới các cơ quan chức năng, cư dân đã chỉ rõ hàng loạt các sai phạm của Công ty Cổ phần Bất động sản Hà Nội Sông Hồng như: vi phạm hợp đồng mua bán căn hộ, lừa khách hàng vào ở khi công trình chưa đủ điều kiện, chiếm dụng tài sản, có dấu hiệu thi công sai lệch Hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công đã được thẩm duyệt, vận hành công trình không đảm bảo an toàn Phòng cháy chữa cháy.

Đơn kêu cứu của cư dân Chung cư Sapphire Palace.

Dự án Chung cư Sapphire Palace Số 4 Chính Kinh được Chủ đầu tư dự án là Công ty Cổ phần Bất động sản Hà Nội Sông Hồng (CĐT) đưa vào hoạt động từ 17/4/2017, tính đến nay số lượng các căn hộ đã đưa vào sử dụng đạt khoảng 80% (trong tổng số khoảng 200 căn hộ).

Trong đơn người dân cho biết, trong thời gian sinh sống tại đây cư dân nhận thấy nhiều vấn đề tồn tại, vi phạm pháp luật, đe dọa trực tiếp đến tính mạng cư dân. Chủ đầu tư chậm tiến độ bàn giao nhà, lừa khách hàng vào ở khi công trình chưa đủ điều kiện, chiếm dụng tiền của khách hàng.

"Theo hợp đồng mua bán căn hộ, thời điểm bàn giao căn hộ là tháng 5/2016, tuy nhiên đến tháng 4/2017 CĐT mới có thông báo về việc nhận nhà. Sau khi nhận được thông báo chúng tôi đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo yêu cầu của CĐT và chuyển về sinh sống. Tuy nhiên trong thời gian vừa qua chúng tôi đã phát hiện.

Công trình mình đang sinh sống đến nay chưa được nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng với cơ quan quản lý nhà nước và mặc dù đã bàn giao nhà từ tháng 4/2017 những mãi đến tháng 3/2018 vừa qua tòa nhà mới được tiến hành nghiệm thu Phòng cháy chữa cháy (PCCC)", đơn kêu cứu cho biết.

Cư dân cũng khẳng định, Công ty Cổ phần Bất động sản Hà Nội Sông Hồng đã thu tới 98% giá trị hợp đồng mua bán căn hộ và 2% phí bảo trì (theo giấy thông báo ngày 17/4/2017 của CĐT và các phiếu xác nhận nộp tiền, hóa đơn VAT), không thực hiện theo đúng quy định lập tài khoản phí bảo trì. Rõ ràng đây là hành vi lừa đảo nhằm chiếm dụng tiền mua căn hộ của khách hàng khi công trình chưa đủ điều kiện đưa vào sử dụng, và có ý đồ chiếm dụng phí bảo trì của cư dân.

Về vấn đề thang máy và phòng sinh hoạt cộng đồng, Hợp đồng mua bán căn hộ đã quy định rõ 04 thang máy hiện nay chỉ dùng cho khu căn hộ tuy nhiên CĐT đã tự cắt bỏ 02 thang cuốn, 01 thang bộ, 01 thang hàng của khu dịch vụ, văn phòng theo hồ sơ thiết kế đã được thẩm duyệt để toàn bộ khu dịch vụ, văn phòng sử dụng chung với cư dân gây tình trạng thang máy quá tải. Phòng sinh hoạt cộng đồng đang được sử dụng vào việc riêng của CĐT, nhất định không chịu bàn giao cho cư dân.

Nhà sinh hoạt cộng đồng của cư dân hiện nay đang được CĐT dùng làm phòng làm việc.

Không những thế, cư dân còn cho biết, sau khi nhận nhà và tính toán lại diện tích các căn hộ theo đúng quy định của nhà nước họ thấy có những căn hộ bị hụt diện tích 1-2% so với diện tích đã thỏa thuận trong hợp đồng. Cư dân cũng đã nhiều lần đề nghị được ngồi cùng đơn vị đo đạc diện tích do CĐT đang thuê để tính toán chính xác diện tích căn hộ nhưng không được chấp thuận.

Trong đơn kêu cứu cư dân cũng chỉ rõ CĐT sử dụng vật liệu, thiết bị kém chất lượng. Theo thiết kế khối đế (từ tầng 1- tầng 3) ốp gạch INAX nay thay bằng chỉ ốp đá tầng 1; chất lượng gạch ốp lát hành lang, căn hộ rất kém, sau một thời gian ngắn đã bong tróc bề mặt; hệ thống máy bơm nước nhiều lần bị hỏng dẫn đến cư dân không có nước sử dụng; bể nước sinh hoạt không chứng minh được đã vệ sinh trước khi đưa vào sử dụng và hiện nay còn cắm 2 thanh sắt rỉ sét đặt trong nước; hệ thống thông gió không đủ công suất, không được sử dụng thường xuyên…

Theo phản ảnh của người dân, công tác quản lý vận hành tòa nhà, phòng cháy chữa cháy không đảm bảo. Nhiều căn hộ sử dụng sai mục đích như văn phòng làm việc, kinh doanh trái phép, lưu trú ngắn ngày nhưng CĐT không có biện pháp xử lý mà còn dấu hiệu tiếp tay (quyết định số 41/QĐ-HĐQT ngày 12/8/2017 của CĐT về việc áp mức phí trong đó có các căn hộ sử dụng làm văn phòng, kinh doanh).

An ninh tòa nhà không được quản lý, người ngoài được tự do ra vào. Quy trình vận hành, bảo trì không có, số lượng cán bộ kỹ thuật bảo trì, vận hành tòa nhà: 02 người, không đảm bảo yêu cầu chuyên môn, số lượng nhân viên vệ sinh cả tòa nhà: 02 người. Đã vài lần có hiện tượng báo cháy giả nhưng bộ phận quản lý vận hành không biết ứng phó thế nào.

Hệ thống tăng áp cầu thang, tầng kỹ thuật thi công để dang dở một thời gian dài tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. Đường lưu thông của xe cứu hỏa quanh tòa nhà bị chiếm dụng làm nơi để xe.....

Có một điều khiến cư dân lo ngại nhất hiện nay đó là chất lượng xây dựng công trình rất kém thể hiện ở tường bao ngoài, tường xây hành lang của các tầng, các căn hộ liên tục xảy ra hiện tượng nứt mặc dù trước đó CĐT đã xử lý. Đặc biệt tại vị trí trục căn hộ 09 từ trên xuống dưới nứt rất nhiều (cả tường tầng hầm), mỗi khi trời mưa nước lại tràn vào nhà, khiến chủ nhân các căn hộ vô cùng lo lắng.

 

Theo Sở hữu trí tuệ/Tạp chí HH&TH HN


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thăm làng gốm Yomitan nổi tiếng tại Nhật Bản

Yomitan/Chatan/Koza là khu vực nằm ở miền trung của Okinawa... Bao gồm thành phố Uruma, Okinawa, làng Yomitan và thị trấn Chatan. Trong khu vực này có nhiều địa điểm đáng để ghé đến như: làng Yomitan - nổi tiếng với Làng gốm Yomitan- nơi sản xuất đồ gốm sứ của Okinawa