Nhiều trang web có nguồn gốc ngoài Nhật Bản đang chứa các nội dung phim hoạt hình và truyện tranh không bản quyền. Ảnh: Kyodo
Tokyo cũng cho biết, sẽ đẩy nhanh việc xóa các nội dung lậu và chặn kết nối với những nền tảng vi phạm bản quyền thông qua hợp tác với các công ty công nghệ lớn cung cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật số hoặc nền tảng bán sản phẩm và dịch vụ.
Các biện pháp mới nhất sẽ được đưa vào chiến lược sở hữu trí tuệ của chính phủ Nhật Bản, dự kiến soạn thảo vào đầu tháng 6 tới.
Động thái mới diễn ra khi các tác giả của loạt truyện tranh nổi tiếng như "One Piece" và "Jujutsu Kaisen" đã phải đối mặt với tổn thất ước tính rất lớn từ các bản sao lậu. Trong khi đó, cuộc chiến chống nạn sao chép nội dung lậu luôn vấp phải nhiều thách thức.
Tháng 4-2018, Nhật Bản đã đạt thành công đáng chú ý khi trang web Mangamura (làng manga) - chuyên lưu trữ các bản sao trái phép của các bộ truyện tranh nổi tiếng - bị vô hiệu hóa.
Tuy nhiên, giới chức Nhật Bản cho biết, các trang web tương tự vẫn tiếp tục hoạt động từ nhiều nước, trong đó có Trung Quốc, Brazil... đồng thời nhấn mạnh việc trấn áp các trang web lưu trữ nội dung lậu ở nước ngoài là rất khó khăn.
Tuy nhiên, Chính phủ Nhật Bản cũng kỳ vọng, thông qua việc tăng cường hợp tác với các cơ quan điều tra quốc tế, sẽ có thể nắm bắt được tình hình vi phạm bản quyền ở nước ngoài, thậm chí có thể trừng phạt cả những đối tượng vi phạm bản quyền dù đã rời khỏi lãnh thổ Nhật Bản.
Việc Nhật Bản mạnh tay với nạn sao chép lậu nội dung truyện tranh và phim hoạt hình là dễ hiểu. Những năm gần đây, ngành công nghiệp này tại Nhật Bản đóng góp doanh thu hằng năm khoảng 7% tổng sản phẩm quốc nội, thu hút 5% nhân công lao động.
Thông qua những sản phẩm này, văn hóa Nhật Bản cũng được quảng bá rộng rãi tới nhiều quốc gia trên thế giới. Các thị trường quốc tế ngày càng chuộng hoạt hình Nhật Bản và những sản phẩm có liên quan, thậm chí đóng góp gần một nửa trong tổng doanh thu.
Hoàng Linh - Hà Nội mới