Nhật ký cách ly và chuyện về chàng bác sỹ “không hiền” - Bài 2: Lòng tốt đâu chỉ giữ cho riêng mình

24/04/2020 14:58

Kinhte&Xahoi Gạt đi những nỗi buồn, day dứt trong chuyên môn, trong những ngày phong tỏa bác sỹ Hùng còn cùng một người bạn của mình kêu gọi, quyên góp nhu yếu phẩm, khẩu trang cũng như đồ bảo hộ. Không chỉ để y, bác sỹ và bệnh nhân của bệnh viện mình dùng, anh còn chia sẻ với các bệnh viện khác. Vì rằng, lòng tốt không chỉ giữ cho riêng mình.

Anh kể, từ nửa đầu tháng 3, lúc tình hình dịch phức tạp bắt đầu diễn ra, anh đã sắp sẵn quần áo vào vali để đấy. Hàng ngày vẫn đi làm bình thường, chỉ chờ có lệnh là vác đồ đi trực chiến bất cứ khi nào.

Rồi từ đầu mùa dịch, anh đã bàn với một chị bạn để cùng kêu gọi hỗ trợ nhu yếu phẩm cho các bác sỹ. Hùng biết là rất thiếu. “Bảo chị lo hậu cần và quản lý quỹ, em làm nhiệm vụ nhận vật dụng cụ thể và là người quyết định chuyển tới đâu. Vì làm trong ngành mới biết rõ đồng nghiệp còn thiếu thốn cái gì”.

Những bộ đồ bảo hộ được đưa đến kịp lúc. Ảnh: Bác sỹ Hùng cung cấp

Ngày phong tỏa bệnh viện. Nhiều nhân viên bất ngờ không kịp chuẩn bị bất kể thứ gì. Tất cả tua trực trước sau đều ở lại viện. Ngay cả anh Hùng, mặc dù anh đã chuẩn bị sẵn đồ đạc nhưng cũng bất ngờ với thời gian phong tỏa gấp đôi bình thường. 28 ngày. Hành trang của Hùng, ngoài trang phục y tế thì có mỗi bộ quần áo hôm ấy mặc từ nhà đi. Thiếu bao nhiêu đồ vệ sinh cá nhân. Cuối ngày cuống quýt đi tìm mua cái bàn chải, tuýp kem đánh răng, cái khăn mặt. Đàn ông đã vậy thì chị em còn mệt hơn.

Cũng may từ lời kêu gọi và chuẩn bị từ trước đó, những bộ đồ bảo hộ được đưa đến kịp lúc, Hùng chỉ giữ 500 bộ cho các bạn đồng nghiệp tại bệnh viện Bạch Mai dùng. Còn 1000 bộ bảo hộ tiếp theo đã được lên kế hoạch chuyển đến các viện khác, nơi "không tham gia chống dịch" nhưng tiềm ẩn đầy những nguy cơ. Nơi đó không được cấp các bộ đồ bảo hộ.

Theo anh, các khoa cấp cứu luôn là nơi dễ tổn thương nhất, bởi hàng ngày phải tiếp xúc với bao nhiêu con người và kẻ thù vô hình. Không chỉ các anh, nơi được coi là tâm dịch lúc ấy, mà các đồng nghiệp tuyến dưới cũng có nguy cơ chẳng kém. Đặc biệt, các bệnh viện có bệnh nhân mạn tính. Nếu những nơi đó được bảo vệ, thì tuyến đầu mới yên tâm được.

Cũng may anh Hùng có hậu phương vững chắc nên cũng yên tâm làm việc. “Thế này thì bố con Cô vy cũng không đe dọa tinh thần ai được.” Anh hài hước.

Nhưng nói vậy thôi, ai cũng có 1 gia đình. Khi quyết định ở lại làm việc đã là 1 thiệt thòi rất lớn. Không ai coi đó là hành động anh hùng, mà đó là tinh thần trách nhiệm.

Không chỉ kêu gọi hỗ trợ nhu yếu phẩm với nguồn ngoài xã hội, bác sỹ Hùng còn quyết định dành hết số tiền 40 triệu bán 200 combo sách “Để con được chích” và “3 phút sơ cứu” mà anh là tác giả để chuyển cho nhóm. “Đại diện người được ủy quyền sử dụng số tiền này, mình sẽ dùng để chuyển toàn bộ thành gạo, nhu yếu phẩm để tặng cho những người bệnh chạy thận nhân tạo cùng người thân của họ trong giai đoạn khó khăn này.”

“Số tiền ủng hộ của mọi người còn lại đủ đặt thêm 56 chiếc kính bảo hộ nữa. Những chiếc kính này kín và lồng được cả kính cận bên trong. Không chỉ dùng được cho đợt dịch này mà còn cho nhiều tình huống sau này nữa. Chúng mình sẽ gửi tặng các khoa cấp cứu của các bệnh viện sử dụng.”

Như vậy, tất cả đều được sử dụng với mục đích có ý nghĩa, không chỉ cho các nhân viên y tế, còn dành cho cả những người bệnh dễ bị tổn thương.

Lăn lộn hết việc ở phòng cấp cứu lại lo những chuyện kêu gọi, quyên góp bên ngoài. Ai biết Hùng thì vui vẻ động viên, nhưng ai không hiểu thì ì xèo này nọ. Rằng bác sỹ thì cứ làm đúng chuyên môn, rằng việc làm âu chỉ để PR bán sách. Nhưng Hùng vẫn vui vẻ: “Bạn mình nhắn bảo mày vác tù và hàng tổng làm gì, cứ để mọi người làm kẻo là người trong cuộc lại mang tiếng lợi dụng. Nhưng sống trong thị phi quen rồi, việc gì thấy có ích thì làm sao phải ngại. Mình không phải là người tốt, nhưng nhất định phải làm người tử tế.”

Đến giờ, khi Bạch Mai đã hết lệnh phong tỏa, Hùng vẫn nhớ rất rõ những ngày ấy. Anh nói: “Ai cũng lo chúng tôi đói. Ai cũng lo chúng tôi mệt. Ai cũng lo chúng tôi không được ngủ đàng hoàng. Cái này phải cám ơn các anh chị hậu cần trước nhất. Thời gian này căng thẳng, có mệt, có mất ngủ, có ăn kém đi 1 tý. Nhưng đó sẽ được trân trọng, nằm trong trái tim cuộc đời làm nghề của chúng tôi.”

    (Còn nữa)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Link bài gốc https://phapluatxahoi.vn/nhat-ky-cach-ly-va-chuyen-ve-chang-bac-sy-khong-hien-bai-2-long-tot-dau-chi-giu-cho-rieng-minh-190116.html