"Nhiệm vụ số một là đảm bảo an ninh lương thực, thứ hai mới là đẩy mạnh xuất khẩu gạo"

17/08/2023 15:16

Kinhte&Xahoi Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan tại phiên trả lời chất vấn phiên họp thứ 25 của UBTVQH.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan. Ảnh quochoi.vn

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trước nhiều quan tâm của đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân về vấn đề xuất khẩu gạo và an ninh lương thực, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã nêu rõ một số giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu tổ chức sản xuất nông nghiệp bền vững, có kế hoạch để đáp ứng đầy đủ nhu cầu lúa gạo trong nước, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, vừa đáp ứng nhu cầu xuất khẩu tăng cao.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước 3 "biến" lớn: Biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng. Trong điều kiện thế giới thay đổi hàng ngày, hàng giờ, những xung đột, những chính sách của các nước thay đổi liên tục. Trong hoàn cảnh như vậy, Bộ trưởng Lê Minh Hoan kỳ vọng những dự báo tầm dài cần nỗ lực đảm bảo tính chính xác cao hơn, tuy nhiên, những dự báo ngắn hạn có sự thay đổi liên tục.

Về giải pháp đảm bảo an ninh lương thực, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông đã sớm có báo cáo với Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng cũng đã có công điện chỉ đạo khi nảy sinh vấn đề mất an ninh lương thực, hoặc khi một số quốc gia cấm xuất khẩu gạo làm nảy sinh cơ hội, thời cơ cho chúng ta. Bộ trưởng đề nghị các bên liên quan cần có thái độ bình tĩnh, vì mọi vấn đề đều có thể phát sinh mặt trái nếu không quản lý tốt, nếu chỉ phân tích một khía cạnh, một phía, thì sẽ không có được cái nhìn toàn diện.

Hình ảnh minh họa. Nguồn ảnh doanhnhansaigon.vn

Bộ trưởng bày tỏ tin tưởng nếu không có biến động thì Việt Nam sẽ không gặp vấn đề gì trong việc xuất khẩu 7-8 triệu tấn gạo. Tuy nhiên, khoảng 20% diện tích lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long nằm trong liên kết và còn tới 80% diện tích ngoài liên kết. Ngoài rà, giá lúa chịu quy luật cung cầu. Tại Việt Nam giá lúa gạo còn chịu nhiều vấn đề khác như vấn đề đặt cọc, câu chuyện thỏa thuận, mua bán, mùa vụ…

Trước thời cơ như hiện tại, Bộ trưởng kêu gọi các bên phải tôn trọng nhau, phải chia sẻ thời cơ, làm sao để mùa sau mọi người còn có thể mua bán, thỏa thuận, làm ăn với nhau. Bộ trưởng nhấn mạnh chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhiệm vụ số một là bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, thứ hai mới là đẩy mạnh xuất khẩu gạo. Đẩy mạnh xuất khẩu lương thực như là một cam kết có trách nhiệm với thế giới về vấn đề an ninh lương thực.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nếu nghĩ rằng người nông dân trồng cái gì thì chỉ hưởng thu nhập của sản phẩm đó là chưa đúng tinh thần của Nghị quyết 19-NQ/TW, mà vấn đề là phải chuyển từ tăng trưởng đơn giá trị sang tăng trưởng tích hợp đa giá trị, tức là phải tạo ra nhiều ngành nghề khác, ví dụ không gian lúa có thể tạo ra những không gian cho những ngành nghề khác.

Theo đó, cần nhìn cấu trúc ngành hàng lúa gạo nhiều chiều hơn. Nếu chuyển đổi tạo ra những nghề ở nông thôn lúc đó người nông dân không chỉ hưởng từ thành quả từ thóc lúa của mình. Thông qua liên kết hợp tác xã để mua nhiều giá giảm, giá giảm thì lợi nhuận tăng, khuyến khích bà con nông dân tham gia hợp tác xã để mua chung, bán chung, tạo ra nhiều dịch vụ chung, khi đó thu nhập của bà con nông dân sẽ nằm ở nhiều phân khúc.

Mặt khác, cần phải có tư duy hạt lúa trong nền kinh tế tuần hoàn và tăng trưởng xanh. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang làm Đề án 1 triệu hecta lúa Đồng bằng sông Cửu Long chất lượng cao, phát thải thấp. Đây là lần đầu tiên chúng ta đưa lúa gạo vào diện ngành hàng thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí metan. Theo đó, người trồng lúa có thể lấy rơm, rạ làm nấm, hoặc làm rất nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ, và “thật sự bà con đã làm được rồi nhưng tất nhiên còn nhỏ, lẻ”. Vấn đề bây giờ là phải trở thành một nền kinh tế nông thôn, khi đó người trồng lúa sẽ còn nhiều hoạt động trên mảnh đất của mình thì việc cải thiện thu nhập sẽ dễ hơn./.

Tường Vân- Pháp luật Plus

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nền kinh tế Đức: Chặng đường gập ghềnh còn ở phía trước

Mặc dù đã thoát “đáy” suy thoái, nhưng hàng loạt diễn biến trái chiều trong các chỉ số quan trọng tiếp tục phủ bóng lên nền kinh tế Đức. Thực trạng này cho thấy tia hy vọng cuối đường hầm về một lộ trình tăng trưởng của nền kinh tế hàng đầu châu Âu vẫn chưa thực sự rõ ràng.

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/nha-nuoc-va-phap-luat/nhiem-vu-so-mot-la-dam-bao-an-ninh-luong-thuc-thu-hai-moi-la-day-manh-xuat-khau-gao-d197495.html