Nhiều nước ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 tăng

29/06/2022 13:42

Kinhte&Xahoi Nhiều quốc gia trên thế giới đã ghi nhận nguy cơ lây lan COVID-19 gia tăng do chủng phụ BA.4. và BA.5 và của biến thể Omicron.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch và cảnh báo về những biến thể mới của COVID-19 có thể làm cho dịch bệnh trở nên phức tạp và gia tăng trở lại.

Trong tuần từ 21 - 27/6, Nhật Bản ghi nhận 103.765 ca nhiễm mới, tăng 5.684 ca so với tuần trước đó, trong đó Tokyo có 14.126 ca, Okinawa có 8.907 ca, Osaka có 8.535 ca,…

Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát ở Nhật Bản tính đến sáng 27/6, nước này đã ghi nhận tổng cộng 9.257.558 ca mắc và 31.142 ca tử vong do dịch bệnh này.

Sô ca nhiễm mới COVID-19 đang tăng trở lại tại Nhật Bản (Ảnh: Kyodo)

Bộ Y tế Israel ngày 27/6 thông báo ghi nhận 11.483 ca mắc mới COVID-19. Đây là ngày có số ca mắc mới cao nhất tại nước này kể từ ngày 30/3.

Số ca mắc COVID-19 đang phải điều trị cũng lên tới 60.559 ca, trong khi số bệnh nhân mắc bệnh nặng hiện là 275 ca.

Giới chức y tế tại thủ đô Canberra của Australia mới đây cũng đã cảnh báo về một làn sóng lây nhiễm mới của đại dịch COVID-19 ở thành phố này.

Tờ Canberra Times dẫn lời bà Stephen-Smith, Bộ trưởng Y tế Vùng Thủ đô Australia (ACT) cho biết số ca mắc đang bắt đầu tăng và có khả năng đây là sự khởi đầu của một làn sóng lây nhiễm mới trong suốt mùa Đông này cho đến tháng 7 tới, có thể đến đầu tháng 8.

Làn sóng lây nhiễm trên xảy ra sau khi ACT ghi nhận con số kỷ lục các ca nhập viện do COVID-19.

Số liệu cập nhật mới nhất được công bố ngày 28/6 cho thấy hiện có 121 bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị tại các bệnh viện ở ACT, con số cao nhất kể từ khi đại dịch này bắt đầu bùng phát.

Cho đến nay, BA.4 và BA.5 là các biến thể SARS-CoV-2 lây lan nhanh nhất, dự kiến sẽ là chủng trội lây lan ở Mỹ và một số nước Châu Âu trong vòng vài tuần tới. BA.4 và BA.5 gây ra khoảng 35% ca nhiễm Covid-19 mới ở Mỹ vào tuần 3 tháng 6, so với 29% của tuần trước đó

Pháp đang đối mặt với một làn sóng mới của dịch COVID-19 do các biến thể mới của virus SARS- CoV-2 gây ra.

Cơ quan Y tế công cộng Pháp cho biết ngày 27/6, nước này ghi nhận thêm 17.601 ca mắc mới COVID-19, tăng 52,2% trong 7 ngày qua.

Người đã tiêm chủng đủ các liều cơ bản vẫn cần tiêm nhắc lại do miễn dịch do vắc xin tạo ra giảm theo thời gian, vẫn có nguy cơ mắc bệnh hoặc tái nhiễm khi có biến chủng xuất hiện (Ảnh: Reuters)

Các nước Châu Âu khác, đặc biệt là Bồ Đào Nha, cũng đang chứng kiến làn sóng dịch gia tăng. Theo ECDC, các dòng phụ này không gây nguy cơ bệnh nặng cao hơn những dòng phụ khác của biến thể Omicron nhưng lại lây lan nhanh hơn và có thể dẫn tới tình trạng gia tăng số ca nhập viện và tử vong. Thông thường, khoảng 2 tuần sau khi số ca mắc mới tăng mạnh thì số ca nhập viện bắt đầu tăng và tiếp sau đó 2 tuần là số ca tử vong tăng.

Viện Robert Koch (RKI) của Đức cho biết các biến thể phụ của Omicron đang ngày càng chiếm ưu thế và có thể làm gia tăng số ca mắc mới COVID-19 tại nước này trong thời gian tới.

Báo cáo hằng tuần của RKI về dịch COVID-19 nêu rõ, sự phát triển mạnh mẽ của các biến thể phụ của Omicron như BA.4, BA.2.12.1, đặc biệt là BA.5, được thể hiện qua việc những biến thể này hiện gây ra phần lớn trong số những ca bệnh.

Những biến thể mới này có thể làm gia tăng số ca mắc mới tại Đức trong thời gian tới do chúng có khả năng lây lan mạnh hơn so với biến thể chiếm ưu thế trước đây.

Trong bối cảnh số ca mắc mới gia tăng trở lại, Bộ trưởng Y tế liên bang Đức Karl Lauterbach cảnh báo đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc, đồng thời kêu gọi người dân đi tiêm chủng cũng như tiêm mũi tăng cường với nhóm đối tượng dễ tổn thương để bảo vệ bản thân trước những làn sóng lây nhiễm mới.

Thực tế cho thấy trên thế giới hiện nay, một bộ phận vẫn còn tâm lý do dự, chủ quan trước COVID-19, cho rằng dịch bệnh trở nên bình thường vì đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã từng mắc COVID-19.

Tuy nhiên, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thì vắc xin phòng chống COVID-19 có tác dụng trong thời gian nhất định, do đó mọi người cần chủ động tiêm vắc xin COVID-19 đúng lịch.

Trung tâm Kiểm soát phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Châu Âu cũng khuyến cáo các quốc gia cần duy trì các biện pháp ứng phó như tiêm vắc xin tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh, tăng cường hệ thống giám sát trọng điểm.

Bên cạnh việc tiêm chủng định kỳ, đúng lịch thì moi người cũng nên tuân thủ những biện pháp phòng chống dịch bệnh để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng.

 Tuệ Uyên - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chỉ số chất lượng sống của Việt Nam tăng vượt bậc

Theo bảng xếp hạng chất lượng sống toàn cầu năm 2021 do tạp chí CEOWORLD (Mỹ) công bố, chất lượng sống của Việt Nam được cải thiện đáng kể chỉ sau 1 năm, với việc tăng 39 bậc trên bảng xếp hạng này năm 2021.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/nhieu-nuoc-ghi-nhan-so-ca-mac-moi-covid-19-tang-199790.html