Nhiều quốc gia thận trọng thiết lập lộ trình “bình thường mới”

03/10/2021 16:15

Kinhte&Xahoi Trên bản đồ dịch bệnh thế giới, những “vùng xanh” an toàn đã xuất hiện nhiều hơn. Hầu hết các khu vực tâm dịch trên thế giới đều trải qua một tuần với số ca nhiễm mới giảm, tỷ lệ người khỏi bệnh tăng cao…

Dần mở cửa cuộc sống “bình thường mới”

 Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các quốc gia ở khu vực Châu Á và Châu Phi có tỷ lệ giảm lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 cao nhất, lần lượt là 16% và 13%. Trong khi đó, Châu Đại dương và lục địa già Châu Âu chứng kiến số ca mắc mới tăng nhẹ ở mức 3% và 7%.

Trên phạm vi toàn cầu, số ca mắc mới đã giảm 8% so với tuần trước đó. Trung bình mỗi ngày thế giới ghi nhận khoảng 457.000 ca nhiễm mới, thấp hơn 11% so với tuần trước. Đây là tuần thứ năm liên tiếp thế giới ghi nhận số ca mắc mới Covid-19 giảm.

Những tín hiệu trên cho thấy, cuộc chiến chống đại dịch của nhân loại đang có những kết quả khả quan. Trạng thái thiết lập phong tỏa nghiêm ngặt ở nhiều quốc gia đã được dỡ bỏ dần, thậm chí nhiều nước đã mở cửa trở lại một phần để vực dậy nền kinh tế sau một thời gian dài “bị ốm”.

Nhân viên y tế tiêm vắc xin Covid-19 cho người dân tại một cửa hàng điện tử ở Osaka, Nhật Bản (Ảnh: AFP/Getty Images)

Bên cạnh đó, những bước tiến về sản xuất, phân phối vắc xin và tiêm chủng ngừa Covid-19 đã tạo ra những thay đổi rõ rệt. Nhiều quốc gia đã tiêm chủng 70 - 80% dân số, đạt mức miễn dịch cộng đồng, từ đó tạo tiền đề trở lại trạng thái “bình thường mới”.

Tại Châu Á, công tác tiêm chủng cho toàn dân ở các nước đã có sự bứt tốc mạnh mẽ. Nhiều quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng toàn dân cao như Hàn Quốc, Nhật Bản và Malaysia, Singapore…

Trong khi đó, ở Châu Phi và khu vực Mỹ Latinh, hạn chế nguồn cung vắc xin đang là vấn đề lớn của hai châu lục này. Tiến độ tiêm chủng ở Châu Phi vẫn chưa được cải thiện khi một nửa các quốc gia mới tiêm đủ liều vắc xin cho 2% dân số. Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tính đến ngày 30/9, trong tổng số 54 quốc gia ở Châu Phi chỉ có 15 quốc gia đã tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho ít nhất 10% dân số. Còn tại Mỹ Latinh, ước tính phải đến năm 2022 mới có thể hoàn thành tiêm chủng cho 70% dân số.

Trong bối cảnh biến thể Delta đang khiến số ca nhiễm và tử vong ở những người chưa tiêm phòng tăng cao thì liên minh Châu Âu tiếp tục hạn chế xuất khẩu vắc xin, nhiều nước cũng bắt đầu triển khai tiêm tăng cường mũi thứ ba đã trực tiếp tạo sự bất công bằng trong vấn đề tiếp cận vắc xin. Điều này làm dấy lên sự lo ngại bùng phát đợt dịch bệnh mới ở các quốc gia kém phát triển, tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Công tác tiêm chủng chậm cộng với việc thiếu hụt nguồn cung vắc xin nghiêm trọng, trong khi đó nhiều quốc gia chưa thể tự sản xuất vắc xin khiến lộ trình trở lại cuộc sống “bình thường mới" không suôn sẻ. Điều này buộc Chính phủ các nước phải thực hiện lộ trình mở cửa từng bước thận trọng, kỹ càng.

Tâm điểm Châu Á

 Là quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng đạt rất cao, với hơn 80% dân số, Singapore vẫn chứng kiến số ca mắc mới trong tuần tăng 70% so với tuần trước đó. Điều này cho thấy, chỉ vắc xin thôi là chưa đủ để đời sống kinh tế - xã hội vận hành trong tình trạng “bình thường mới”.

Dịch bệnh phức tạp ở Singapore diễn ra trong bối cảnh nước này vừa nới lỏng các hạn chế. Trước tình hình trên, Singapore đã phải siết chặt lại một số hạn chế, trong đó giới hạn không được tụ tập quá 2 người và yêu cầu người dân làm việc tại nhà, đồng thời hoãn một phần kế hoạch mở cửa trở lại.

Nhật Bản đã quyết định dỡ bỏ hoàn toàn tình trạng khẩn cấp tại Tokyo và 18 tỉnh vào ngày 1/10 để từng bước chuyển sang giai đoạn mới - sống chung an toàn với Covid-19. Để có thể tiến tới mốc này, Chính phủ Nhật Bản đã đẩy mạnh chiến dịch phủ sóng vắc xin với hơn 70% dân số đã tiêm ít nhất một mũi, vượt Mỹ (64%).

Chính phủ Nhật Bản đã chuẩn bị kỹ lộ trình nới lỏng các biện pháp hạn chế đối với nhiều lĩnh vực đời sống, kinh tế - xã hội. Điểm đáng chú ý trong kế hoạch mở cửa trở lại của Nhật Bản là chủ trương phong tỏa cục bộ, chỉ thực hiện biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt những khu vực có tỷ lệ lây nhiễm cao, nhờ đó các cơ sở kinh doanh mới có thể hoạt động trở lại.

Tâm điểm của dịch ở Đông Nam Á, nước Indonesia cũng đang thực hiện lộ trình sống chung an toàn với Covid-19. Theo đó, quốc gia này đang thử nghiệm tổ chức sự kiện với 10.000 người dự tại tuần lễ thể thao quốc gia mang tên PON bắt đầu từ ngày 2/10 tại sân vận động ở thành phố Jayapura. Người xem cần phải làm xét nghiệm trước khi vào sân cũng như phải đeo khẩu trang và duy trì giãn cách xã hội.

Như vậy, các hoạt động đời sống bình thường đã bắt đầu quay trở lại tại nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á này, sau khi số người mắc và tử vong do Covid-19 được đưa vào tầm kiểm soát.

Tại Hàn Quốc, tỷ lệ lây nhiễm mới cũng tăng mạnh 41% so với 7 ngày trước đó. Sự gia tăng đột biến số ca mắc mới là người dân Hàn Quốc di chuyển nhiều, tập trung đông trong kỳ nghỉ Trung thu (Chuseok) tuần trước. Nguy cơ dịch bệnh luôn hiện hữu buộc nước này phải thận trọng, mở cửa từng bước theo lộ trình. Chính phủ Hàn Quốc đang tiến tới áp dụng kế hoạch "sống chung với dịch bệnh", theo đó Covid-19 được điều trị như một bệnh hô hấp truyền nhiễm giống như cúm mùa cùng với việc nới lỏng các quy định giãn cách xã hội "theo từng giai đoạn và dần dần" khi tỷ lệ người được tiêm chủng đầy đủ vượt ngưỡng 70%.

Một nông dân ở vùng nông thôn Sabak Bernam, Malaysia, được tiêm phòng Covid-19 (Ảnh NYT)

Chính phủ Malaysia cũng bắt đầu triển khai kế hoạch phục hồi quốc gia gồm 4 giai đoạn, theo đó trong giai đoạn 1 sẽ có 11 lĩnh vực kinh doanh ở các bang được mở cửa trở lại. Ở giai đoạn 2, các hoạt động kinh tế sẽ từng bước mở cửa và 80% lao động đi làm. Giai đoạn 3, mọi hoạt động kinh tế được phục hồi, trừ những lĩnh vực nguy cơ lây nhiễm Covid-19 và buộc phải tập trung đông người. Chính phủ sẽ cân nhắc giai đoạn 4, cũng là giai đoạn cuối cùng, mở cửa mọi hoạt động thường ngày, cho phép nhiều hoạt động xã hội hơn và phục hồi đi lại liên bang, du lịch nội địa.

Thái Lan cũng công bố kế hoạch mở cửa trở lại đất nước trong vòng vài tháng tới theo 4 giai đoạn tùy theo các yếu tố, bao gồm doanh thu du lịch, địa lý và các biện pháp phòng ngừa Covid-19. Mặc dù Thái Lan vẫn kéo dài tình trạng khẩn cấp để phòng chống Covid-19 cho tới ngày 30/11 nhưng sẽ cho phép thêm các doanh nghiệp mở cửa trở lại và rút ngắn thời gian giới nghiêm ban đêm. Việc nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh này được áp dụng cho 29 tỉnh thuộc vùng đỏ sẫm thuộc diện kiểm soát tối đa và nghiêm ngặt từ ngày 1/10.

Để từng bước chung sống an toàn với dịch bệnh, Iran sử dụng các biện pháp hạn chế thông minh thay thế phong tỏa chặt từ ngày 2/10. Bộ Y tế và Bộ Giáo dục quốc gia này cũng phối hợp tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho học sinh trên 12 tuổi để tiến tới mở cửa trường học.

Có thể thấy, từng bước nới lỏng hạn chế để dần mở cửa nền kinh tế, đưa cuộc sống trở lại trạng thái “bình thường mới” trên cơ sở bảo đảm an toàn là xu thế được nhiều quốc gia lựa chọn trong bối cảnh những biến thể mới của Covid-19 vẫn đang xuất hiện và thế giới chưa thể đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng. Một lộ trình thận trọng, chặt chẽ, chắc chắn và có kiểm soát sẽ là “chìa khóa” để mở cánh cửa cuộc sống “bình thường mới” an toàn với Covid-19.

Hoàng Châu - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Các triệu chứng hậu Covid-19 có thể kéo dài từ 3 đến 6 tháng

Một nghiên cứu của Đại học Oxford, Viện Nghiên cứu Y tế Quốc gia Anh (NIHR) và Trung tâm Nghiên cứu Y sinh Y tế Oxford (BRC) đã cho thấy các bệnh nhân sau khi khỏi bệnh Covid-19 sẽ gặp một số triệu chứng kéo dài từ 3 đến 6 tháng. Các triệu chứng này bị ảnh hưởng bởi mức độ nghiêm trọng khi nhiễm virus SARS-CoV-2, độ tuổi và giới tính.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/nhieu-quoc-gia-than-trong-thiet-lap-lo-trinh-binh-thuong-moi-179297.html