Ninh Thuận có vị trí chiến lược quan trọng, vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa

16/04/2022 21:20

Kinhte&Xahoi Ngày 16/4, tại tỉnh Ninh Thuận, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Ninh Thuận (1/4/1992-1/4/2022), 47 năm Ngày Giải phóng Ninh Thuận (16/4/1975-16/4/2022), hướng tới kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2022).

Buổi lễ do Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Ninh Thuận tổ chức. Cùng dự buổi lễ có các đồng chí: Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang; Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận Nguyễn Đức Thanh; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương, các địa phương.

 
Nhân dịp này, tỉnh Ninh Thuận vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất, phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Ninh Thuận là tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng, vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng kiên cường, bất khuất, luôn có quyết tâm, ý chí vươn lên qua các thời kỳ. Được tách ra từ tỉnh Thuận Hải, khi mới tái lập năm 1992, Ninh Thuận - vùng đất của nắng và gió - với kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội còn nghèo nàn, lạc hậu, quy mô kinh tế nhỏ, đời sống của nhân dân gặp rất nhiều khó khăn. Việc phải dừng triển khai triển khai xây dựng nhà máy điện hạt nhân làm ảnh hưởng không nhỏ tới định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, mong muốn phát triển kinh tế-xã hội của nhân dân tỉnh nhà.

 Sau 30 năm từ khi tái lập tỉnh với bản lĩnh và ý chí, tinh thần đoàn kết, kế thừa, cầu thị, khiêm tốn, cầu thị, quyết tâm thay đổi tư duy, tầm nhìn, đột phá vươn lên, xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội phù hợp tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, dám nghĩ, dám làm. Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Ninh Thuận đã vượt qua khó khăn, vươn lên, chuyển mình mạnh mẽ, tận dụng tốt các tiềm năng và lợi thế, biến bất lợi thành lợi thế cạnh tranh, biến thách thức thành cơ hội phát triển, lấy năng lượng tái tạo, kinh tế biển, du lịch, dịch vụ là đột phá thay thế cho phát triển điện hạt nhân và các hoạt động kinh tế khác.

Kinh tế của tỉnh đã có sự thay đổi mạnh mẽ, phát triển vượt bậc. Quy mô GRDP năm 2021 tăng gấp 69,6 lần so với năm 1992, tốc độ tăng trưởng bình quân 8,14%/năm, cao hơn tốc độ tăng bình quân của cả nước; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng hơn 440 lần. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng, tỷ trọng công nghiệp và xây dựng tăng hơn 20%.

Từ một tỉnh có kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, y tế, giáo dục yếu kém, đến nay Ninh Thuận đã từng bước hình thành cảng biển, đường sắt, đường bộ, hệ thống thuỷ lợi đáp ứng yêu cầu phát triển; đang từng bước hình thành và trở thành Trung tâm năng lượng tái tạo lớn của vùng Nam Trung Bộ và duyên hải miền Trung. Các khu, cụm công nghiệp đã và đang phát huy hiệu quả, là điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư trong nước và ngoài nước. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, kinh tế nông thôn phát triển theo hướng bền vững. Du lịch với những điểm nhấn ấn tượng, đang phát triển nhanh và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Hạ tầng y tế giáo dục, văn hóa, thể dục, thể thao từng bước phát triển theo hướng tiên tiến, hiện đại.

Thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm nhanh, từ 14,93% năm 2016 xuống còn 4,57% năm 2021. Đây là kết quả, thành tích rất ấn tượng. Các lĩnh vực văn hoá, xã hội được chăm lo; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; hệ thống chính trị không ngừng được củng cố. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ được quan tâm, chú trọng, lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước ngày càng được củng cố và tăng cường.

Trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 thời gian qua, tỉnh đã triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội và duy trì tốc độ tăng trưởng cao (GRDP năm 2021 tăng 9%, đứng thứ tư cả nước, đứng đầu vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Miền Trung).

Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng nhiệt liệt chúc mừng, đồng thời biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực và thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Ninh Thuận đạt được trong suốt chặng đường 30 năm xây dựng, đổi mới và phát triển.

Với những tiềm năng, lợi thế khác biệt, độc đáo từ thiên nhiên, con người, truyền thống văn hóa, lịch sử của địa phương và trên nền tảng chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước ổn định, thuận lợi, hội nhập quốc tế sâu rộng, Ninh Thuận đang đứng trước những thời cơ phát triển mới, đầy triển vọng.

Để hiện thực hóa khát vọng phát triển trở thành một tỉnh giàu mạnh, Ninh Thuận vẫn còn nhiều việc phải làm về cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội, y tế, giáo dục, hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu, hạ tầng chuyển đổi số, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp, dịch vụ, du lịch, phát huy hơn nữa bản sắc văn hóa các dân tộc anh em.

Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Ninh Thuận cần kế thừa thành quả đã đạt được qua các thời kỳ, nỗ lực hơn nữa, đoàn kết hơn nữa, chung sức, đồng lòng, không ngừng đổi mới, dám nghĩ, dám làm, phát huy những kinh nghiệm và thành tựu đã đạt được, chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển và mảnh đất của mình, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành tốt mọi mục tiêu của năm 2022 và những năm tiếp theo, lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, ngoại lực là quan trọng và đột phá, góp phần cùng cả nước xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; Trong đó, tỉnh cần lưu ý một số việc.

Một là, tiếp tục giữ gìn, củng cố và vun đắp cho sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Ninh Thuận. Đây chính là một trong những nguồn lực quan trọng nhất để phát triển nhanh và bền vững. Coi trọng hơn nữa công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên. Quán triệt nghiêm túc, thực hiện thực chất, hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng với 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm, 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu; Kế hoạch 5 năm, Chiến lược 10 năm và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020-2025.

Hai là, hoàn thiện bộ máy chính quyền tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, vì dân, gần dân, trọng dân, biết lắng nghe tiếp thu những ý kiến xây dựng xác đáng của nhân dân, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với tăng cường năng lực và phẩm chất của cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức năng động, sáng tạo, chuyên nghiệp, tận tụy, đam mê, trách nhiệm, vì nhân dân phục vụ.

Phát huy hơn nữa tinh thần dân chủ, kỷ cương; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, chạy chức, chạy quyền, chạy dự án. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách hành chính, chuyển đổi số, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp. Khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, tạo thuận lợi hình thành các doanh nghiệp quy mô lớn và khoa học công nghệ cao.

Ba là, đa dạng hóa, huy động tối đa, hiệu quả các nguồn lực xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả nền kinh tế. Đẩy mạnh, quyết liệt hơn nữa trong đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hợp lý, hiệu quả, nhất là các dự án hạ tầng chiến lược, hạ tầng y tế, văn hóa, giáo dục, giao thông, hạ tầng chuyển đổi số, hạ tầng năng lượng, hạ tầng thích ứng biến đổi khí hậu.

Rà soát, cương quyết cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả đầu tư công, mạnh dạn cắt bỏ những dự án chưa cần thiết, tránh dàn trải, chia cắt, manh mún gây kéo dài, chậm tiến độ, dồn nguồn vốn tập trung cho các dự án lớn, trọng tâm, trọng điểm, có tác động lan tỏa, lâu dài.

Phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với ứng dụng công nghệ cao, thích ứng biến đổi khí hậu và xây dựng nông thôn mới. Phát triển công nghiệp gắn với thương mại, dịch vụ, du lịch và đô thị. Xây dựng Phan Rang-Tháp Chàm thành đô thị hiện đại, thông minh, làm động lực tăng trưởng lan tỏa toàn tỉnh, đẩy nhanh tiến độ các dự án theo quy hoạch được các cấp có thẩm quyền phê duyệt như các dự án năng lượng tái tạo, dự án cảng biển tổng hợp, tổ hợp điện khí và hình thành, phát triển khu công nghiệp Cà Ná. Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; tăng cường quảng bá, đón đầu nhanh khi du lịch Việt Nam đã mở cửa trở lại.

Bốn là, không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, các giá trị văn hóa, đạo đức và môi trường sinh thái để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Giữ gìn và phát triển, phát huy nền văn hóa đậm đà bản sắc của các dân tộc trong tỉnh, triển khai, thực hiện hiệu quả các chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa Toàn quốc vào tháng 11/2021; khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đại đoàn kết dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước và trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Thực hiện chính sách dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau, tạo mọi điều kiện để các dân tộc bình đẳng, cùng phát triển, cùng tiến bộ

Không ngừng chăm lo phát triển y tế, giáo dục, đào tạo. Thực hiện tốt chính sách người có công, gia đình chính sách, người yếu thế, bảo đảm an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau. Tăng cường quản lý tài nguyên, ứng phó biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và bảo vệ môi trường, bảo đảm người dân được sống trong môi trường trong lành, an toàn, văn minh và hiện đại

Năm là, tăng cường bảo đảm quốc phòng, giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Nắm chắc tình hình, kịp thời giải quyết hiệu quả những bức xúc của người dân từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở. Thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết kịp thời đơn thư khiếu nại, tố cáo, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người dân.

Sáu là, thực hiện quyết liệt, hiệu quả Kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 và Nghị quyết 38 của Chính phủ về chương trình phòng, chống dịch COVID-19 năm 2022, 2023, song song với chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, hoàn thành sớm việc tiêm vaccine mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên, hoàn thành việc tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi trong quý II/2022 theo hướng dẫn của Bộ Y tế...

Thủ tướng khẳng định: Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ luôn sâu sát, đồng hành và ủng hộ Ninh Thuận; đề nghị các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành phố trong vùng và cả nước, các tập đoàn, doanh nghiệp tiếp tục quan tâm, phối hợp chặt chẽ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để tỉnh Ninh Thuận hiện thực hóa mục tiêu "Xây dựng Ninh Thuận thành điểm đến hấp dẫn của Việt Nam trong tương lai", hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

“Tiếp nối truyền thống lịch sử vẻ vang, anh hùng, cách mạng, cùng những thành tựu to lớn đã đạt được sau 30 năm tái lập tỉnh; chúng ta tin tưởng sâu sắc và chắc chắn rằng, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Ninh Thuận với khát vọng và quyết tâm lớn, với bản lĩnh và nghị lực, với tinh thần dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, lợi ích quốc gia, dân tộc, sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển nhanh và bền vững. Ninh Thuận sẽ trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc, đời sống vật chất và tinh thần không ngừng được nâng cao và chung tay cùng cả nước xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã khảo sát quy hoạch xây dựng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tỉnh Ninh Thuận, khu tổ hợp Cà Ná, cảng Cà Ná tại xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam; thăm tổ hợp sản xuất muối sạch và năng lượng tái tạo với công suất 500 MW của tập đoàn BIM tại huyện Thuận Nam; khảo sát công trình đầu mối hồ chứa nước Sông Cái thuộc hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, tại xã Phước Hòa, huyện Bác Ái; thăm trang trại nông nghiệp hữu cơ Tiên Tiến có diện tích hơn 20 ha tại xã An Hải, huyện Ninh Phước.

Cũng trong chiều 16/4, Thủ tướng và đoàn công tác đã khảo sát sân bay Thành Sơn tại TP. Phan Rang - Tháp Chàm, động viên, kiểm tra công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của Trung đoàn Không quân 937 thuộc Sư đoàn Không quân 370 đóng quân tại đây; thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Hự, 96 tuổi ở xã Cà Ná, huyện Thuận Nam, có chồng và 3 con là liệt sĩ; thăm hỏi, động viên người dân, người lao động tại khu vực cảng cá Cà Ná và tại các dự án đầu tư./.

Nhật Trường - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chi phí nuôi con ở quốc gia nào đắt nhất thế giới

Nuôi con trẻ rất tốn kém, bất kể bạn sống ở đâu trên thế giới. Tuy nhiên, xứ sở kim chi đứng đầu danh sách những nơi tốn kém nhất để nuôi dạy một đứa trẻ từ sơ sinh đến 18 tuổi, tính theo lệ phần trăm GDP bình quân đầu người, theo nghiên cứu từ Jefferies, sử dụng dữ liệu từ Yuwa Population Research.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/ninh-thuan-co-vi-tri-chien-luoc-quan-trong-vung-dat-giau-truyen-thong-lich-su-van-hoa-194200.html