“Nóng” chủ đề nợ công ở Malaysia

14/07/2018 12:18

Kinhte&Xahoi Sau khi Moody’s mới đây cho rằng nợ công của Malaysia ở mức 50,8% GDP giống công bố của chính phủ tiền nhiệm, câu chuyện nợ công một lần nữa trở thành chủ đề nóng ở quốc gia này.

Đánh giá của Moody’s nhanh chóng được cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak viện dẫn để chỉ trích rằng chính phủ do Liên minh Hy vọng (PH) lãnh đạo đã công bố sai con số nợ công, làm tổn hại tới kinh tế đất nước.

Con số nợ công được chính phủ mới công bố đã khiến các nhà đầu tư nước ngoài có hàng chục phiên bán ròng trên thị trường chứng khoán Malaysia. Theo ông Najib, chính phủ mới của Malaysia cần phải tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn quốc tế và loại bỏ nhân tố chính trị ra ngoài các báo cáo tài chính.

Liên quan tới việc này, Bộ trưởng Tài chính Malaysia Lâm Quán Anh một lần nữa nhấn mạnh rằng chính phủ mới công bố số nợ công lên tới hơn 1.000 tỷ ringgit, tương đương 250 tỷ USD, bao gồm nợ trực tiếp và nợ gián tiếp. Con số mà Moody’s đưa ra là nợ trực tiếp.

Nợ gián tiếp bao gồm nợ do chính phủ và một số cơ cấu nhà nước khác như Quỹ Phát triển 1Malaysia (1MDB) bảo lãnh và phần đối ứng của chính phủ trong các dự án theo hình thức đối tác công-tư (PPP), tới ngày 31/12/2017 là 29,5% GDP.

Theo Bộ trưởng Lâm Quán Anh, nếu mỗi ngày trả 1 triệu ringgit, Malaysia cần tới 2.739 năm mới trả hết nợ. Do phải đối mặt với những khoản nợ khổng lồ, Lâm Quán Anh mong muốn người dân Malaysia cho chính phủ mới thêm thời gian thực hiện lời hứa khi tranh cử vì phải tập trung vào mục tiêu trước mắt là ổn định tài chính quốc gia.

Tờ Nam Dương Thương báo cho biết nợ công của Malaysia, nếu xét về tỷ lệ trên GDP, hiện chỉ đứng sau Singapore trong các nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Manoharan, điều may mắn là 97% nợ công của Malaysia là bằng đồng ringgit, còn nợ bằng đồng USD và đồng yên Nhật lần lượt chỉ chiếm 2% và 1%.

Như vậy, nợ công của Malaysia có thể tránh được rủi ro từ sự biến động trên thị trường tiền tệ, nhất là trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung ngày một nóng khiến đồng tiền của nhiều nước bị mất giá.

Bên cạnh đó, tuy tỷ lệ nước ngoài nắm giữ nợ công của Malaysia tương đối cao (khoảng 30%), nhưng nước này có hệ thống quản lý tài sản tốt và ngành bảo hiểm phát triển, cho nên dòng tiền lưu động dồi dào trong nước có thể lấp đầy chỗ trống từ bất cứ quyết định rút vốn nào. Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế của Malaysia khả quan giúp cho vấn đề nợ công vẫn nằm trong phạm vi kiểm soát.

Chuyên gia kinh tế Manoharan cho rằng chỉ cần kinh tế duy trì tăng trưởng hơn 5% là Malaysia có khả năng trả nợ. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Malaysia năm 2018 từ 5% (đưa ra hồi tháng 10/2017) lên 5,4%.

Kenanga Research, một tổ chức có hơn 40 năm kinh nghiệm hoạt động ở Malaysia, dự báo tăng trưởng kinh tế của Malaysia năm 2018 có thể đạt 5,5% thay vì mức 5,1% đưa ra trước đó.

Một điểm đáng chú ý khác là trước tình hình tài chính khó khăn của đất nước, bên cạnh nỗ lực của chính phủ thông qua quyết định tinh giản bộ máy, hủy các dự án không thực sự cần thiết, người dân và quan chức Malaysia cũng chung tay đóng góp.

Nhà Vua Malaysia Muahammad V mới đây đã bày tỏ sự quan tâm sâu sắc đến vấn đề nợ và tình hình kinh tế quốc gia, đồng thời quyết định cắt giảm 10% lương tới khi kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2021. Nhà Vua Muhammad V muốn dùng hành động thực tế để cùng nhân dân gánh vác trách nhiệm cứu quốc.

Trước đó, thành viên Nội các, quan chức một số bang như Johor, Kedah, Penang và nhiều nghị sỹ Malaysia cũng có hành động tương tự. Không chỉ có vậy, vào ngày 30/5 vừa qua, Malaysia đã chính thức thành lập Quỹ Hy vọng Malaysia để tiếp nhận sự đóng góp của nhân dân với mục đích duy nhất là xử lý vấn đề nợ quốc gia.

Ngay trong ngày đầu tiên, quỹ này đã nhận được hơn 7 triệu ringgit tiền quyên góp, tương đương 1,77 triệu USD và tới 3 giờ chiều ngày 25/6, con số này đã đạt trên 108 triệu ringgit./.

 

Theo KD&PL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM