Nước Đức rơi vào suy thoái kinh tế

25/05/2023 16:01

Kinhte&Xahoi Số liệu từ Cơ quan thống kê Đức Destatis cho thấy, nền kinh tế quốc gia này rơi vào suy thoái do tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở quý I-2023 giảm so với quý IV-2022.

Theo hãng tin Reuters, GPD của Đức trong quý I năm nay đã giảm 0,3%. Ở quý IV-2022, GDP quốc gia này cũng giảm 0,5%. Mức giảm trong hai quý liên tiếp đồng nghĩa nền kinh tế hàng đầu châu Âu rơi vào suy thoái. 

Chuyên gia phân tích Andreas Scheuerle của DekaBank cho biết, những tác động của tình trạng lạm phát đã khiến người dân Đức thận trọng trong chi tiêu, khiến kinh tế quốc gia này đi xuống. Chi tiêu hộ gia đình ở Đức đã giảm 1,2% trong quý I-2023 so với quý trước đó. Cùng giai đoạn, chi tiêu chính phủ cũng giảm 4,9%.

Kinh tế Đức suy thoái sau khi GDP giảm liên tiếp hai quý. Ảnh: Getty Images

Thời tiết mùa đông ấm áp, hoạt động công nghiệp phục hồi được hỗ trợ bởi việc Trung Quốc mở cửa trở lại và chuỗi cung ứng được cải thiện vẫn không đủ để giúp Đức tránh suy thoái.

Claus Vistesen, nhà kinh tế trưởng khu vực đồng euro đến từ công ty tư vấn nghiên cứu kinh tế Pantheon Macroeconomics (Anh) cho biết, Đức đã rơi vào suy thoái do cú sốc giá năng lượng gây gánh nặng lên chi tiêu của người tiêu dùng.

Ông Claus Vistesen cũng nhận định, khó có khả năng GDP của Đức sẽ tiếp tục giảm trong các quý tới và cũng chưa nhận thấy những dấu hiệu của sự phục hồi mạnh mẽ. 

Tuy nhiên, Đức vẫn ghi nhận một số tín hiệu tích cực ở lĩnh vực đầu tư. Cụ thể, so với quý IV-2022, đầu tư vào máy móc và thiết bị đã tăng 3,2%, trong khi đầu tư vào xây dựng cũng tăng 3,9%. Cùng với đó là những đóng góp từ lĩnh vực thương mại khi xuất khẩu tăng 0,4%.

Theo một báo cáo kinh tế được công bố hôm 24-5 vừa qua, Ngân hàng trung ương Đức (Bundesbank) kỳ vọng nền kinh tế quốc gia này sẽ tăng trưởng nhẹ trong quý II-2023 nhờ sự phục hồi của ngành công nghiệp.

 Thương Nguyệt - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Kinh tế Pakistan: Bên bờ vực vỡ nợ

Nhiều năm quản lý tài chính sai lầm và bất ổn chính trị đã đẩy nền kinh tế Pakistan đến bờ vực sụp đổ. Tình hình gần đây càng trầm trọng hơn bởi hậu quả của trận lũ lụt lịch sử hồi tháng 9-2022 và cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu. Sự chậm trễ trong các cuộc thảo luận với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) khiến dư luận lo ngại Pakistan sẽ nhanh chóng lâm vào tình trạng vỡ nợ.

link bài gốc http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/The-gioi/1065318/nuoc-duc-roi-vao-suy-thoai-kinh-te