Chướng ngại vật do những người tham gia bạo loạn dựng lên tại New Caledonia. Ảnh: Le Monde
Văn phòng Tổng thống Pháp cho biết trong một tuyên bố rằng, tình trạng khẩn cấp sẽ không được gia hạn và do đó sẽ kết thúc lúc 20h ngày 27-5 ở Paris, tức 5h sáng 28-5 ở New Caledonia.
Quyết định này nhằm mục đích “cho phép tổ chức cuộc họp của các thành phần khác nhau” thuộc phong trào ủng hộ độc lập, đồng thời cho phép các quan chức và lãnh đạo địa phương có thể kêu gọi dỡ bỏ các rào cản để gặp gỡ những người biểu tình.
Tổng thống Emmanuel Macron khẳng định, đây là “điều kiện cần thiết để mở ra các cuộc đàm phán cụ thể và nghiêm túc”.
Động thái này được đưa ra sau chuyến thăm của Tổng thống Emmanuel Macron tới New Caledonia hôm 23-5.
Ông cho biết, thêm 480 hiến binh sẽ đến quần đảo này trong vài giờ tới, nâng lực lượng tăng cường an ninh tại New Caledonia lên hơn 3.500 người.
Tình trạng khẩn cấp đã được Paris áp đặt tại New Caledonia từ ngày 15-5 và kéo dài trong ít nhất 12 ngày để tạo điều kiện cho chính quyền địa phương triển khai các biện pháp khẩn cấp nhằm giải quyết bạo lực. Động thái này để quản thúc tại gia những người bị coi là mối đe dọa đối với trật tự công cộng và mở rộng quyền tiến hành khám xét, thu giữ vũ khí và hạn chế di chuyển...
Sau chuyến thăm của Tổng thống Pháp, lãnh đạo nhóm ủng hộ độc lập ở New Caledonia vẫn kêu gọi “tiếp tục duy trì sự phản kháng” nhằm chống lại các cải cách bầu cử mà người Kanak bản địa lo ngại sẽ gạt họ ra ngoài lề.
Trong một tuyên bố riêng, những người Kanak tham gia bạo loạn kêu gọi Tổng thống Emmanuel Macron rút dự luật cải cách bầu cử nếu muốn chấm dứt khủng hoảng.
New Caledonia trở thành thuộc địa của Pháp vào năm 1853 dưới thời Hoàng đế Napoléon III. Sau đó, hòn đảo này trở thành một lãnh thổ hải ngoại của Pháp sau Thế chiến thứ hai, tất cả người Kanak được trao quyền công dân Pháp vào năm 1957.
Quỳnh Dương - Hà Nội mới