Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong: Phát triển công nghiệp văn hóa, bảo tồn di sản và xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh

09/07/2021 16:04

Kinhte&Xahoi Việc tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO là bước tiến đưa Hà Nội đồng hành cùng nhân loại trong lĩnh vực văn hóa. Nếu tập trung, TP sẽ vừa phát huy được giá trị truyền thống của Thủ đô, vừa tiếp cận được các giá trị của nhân loại.

Kết luận buổi tọa đàm “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 - Thực trạng và giải pháp” do Thành ủy Hà Nội tổ chức sáng nay (9/7), Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong ghi nhận sự đồng hành, chia sẻ từ các Sở, ngành, quận, huyện…với việc xây dựng Nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa của TP.

Các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm từ chính những đơn vị là đối tượng thực hiện và hưởng lợi từ các Đề án, Nghị quyết này chính là động lực để TP quyết tâm hoàn thành nhanh chóng, hiệu quả các nội dung.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong kết luận buổi tọa đàm

Chia sẻ về lý do Hà Nội lựa chọn xây dựng Nghị quyết về công nghiệp văn hóa trong nhiệm kỳ này, Phó Bí thư Thành ủy cho rằng, Hà Nội có tiềm năng thế mạnh về văn hóa mà không địa phương nào có được. Trong quá trình vận động, phát triển, Hà Nội cũng luôn xác định bảo tồn phát huy văn hóa truyền thống, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Việc tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO là bước tiến đưa Hà Nội đồng hành cùng nhân loại trong lĩnh vực văn hóa. Nếu tập trung, TP sẽ vừa phát huy được giá trị truyền thống của Thủ đô, vừa tiếp cận được các giá trị của nhân loại.

Theo Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, Hà Nội rất quan tâm tới vấn đề văn hóa tổng thể, phát triển kinh tế đi liền với bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống. Hà Nội đã xin ý kiến của 4 nhóm đối tượng trong lĩnh vực này, qua đó làm rõ cơ sở lý luận, kinh nghiệm quốc tế, tiềm năng, lợi thế của Hà Nội hiện nay.

Hiện, TP đang hoàn thiện, bổ sung cụ thể nhiệm vụ thực hiện gắn với lộ trình nhất định, có điểm nhấn và tính khả thi, tiến tới mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa là góp phần bảo tồn di sản văn hóa Thăng Long và phát triển con người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng phát biểu tại buổi tọa đàm

Trong đó, thành phố cần phải nhận thức doanh nghiệp, nghệ sĩ, nghệ nhân, quần chúng Nhân dân là chủ thể sáng tạo trong phát triển công nghiệp văn hóa; Nhà nước phải tạo ra những điều kiện hạ tầng cơ bản để thúc đẩy văn hoá phát triển; Xã hội hóa đầu tư cho phát triển công nghiệp văn hóa.

Phó Bí thư Thành ủy yêu cầu các quận, huyện, thị xã phải xác định tiềm năng thế mạnh của mình trong lĩnh vực này; Coi đề án, nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa như bước đệm để phát triển. Trước mắt, các quận, huyện cần có sự quy hoạch tổng thể về thiết chế văn hóa của địa phương; Bố trí các dự án lĩnh vực văn hóa vào đầu tư công trung hạn…

Phó Bí thư Thành ủy cũng lưu ý, không chờ nghị quyết ban hành mà UBND TP cần nghiên cứu ngay các cơ chế, chính sách, kế hoạch tổ chức thực hiện; Đảm bảo khi đưa ra phải khả thi, sát thực hiễn.

Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long phát biểu tại buổi tọa đàm

Trước đó, các tham luận tại buổi tọa đàm từ đại diện các quận, huyện, Sở, ngành... đều khẳng định, Hà Nội có nhiều lợi thế về văn hóa mà không địa phương nào trên cả nước có được song chưa khai thác hết được các tiềm năng. Nguyên nhân bởi chưa có một môi trường văn hóa chất lượng, ngược lại bị bó hẹp, đóng khuôn. Người làm văn hóa nhiều sức sáng tạo nhưng yếu về kinh doanh, trong khi nhà đầu tư và người tâm huyết trong lĩnh vực này chưa "gặp nhau"...

Các đại biểu cũng cho rằng, văn hoá không chỉ đóng góp 5-7% vào GDP mà hiện diện trong nhiều mặt khác nhau. "Giai đoạn 4.0", văn hoá phải trở thành công nghiệp mũi nhọn. Vì vậy, phải có cơ chế, chính sách để người làm văn hóa và người kinh doanh văn hóa gặp nhau.

Từ phương diện địa phương, Bí thư các quận, huyện, thị xã nhận định, TP hiện đang thiếu sự liên kết giữa các quận, huyện, thị xã với các trung tâm, các làng văn hóa. Vì vậy, chúng ta cần phải đẩy mạnh sự phối hợp và liên kết giữa các địa phương với những đơn vị có liên quan, xa hơn là giữa Hà Nội và các cơ quan Trung ương trong phát triển văn hóa...

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng ghi nhận các ý kiến sâu sắc, tâm huyết, trách nhiệm của đại biểu. Theo Phó Chủ tịch UBND TP, phát triển công nghiệp văn hóa là vấn đề mới và khó. Vì vậy, TP sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung, chỉnh sửa… thời gian tới.

Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu các Sở, ngành, các quận, huyện, thị xã chung tay cùng Sở Văn hóa, trong đó chủ động cung cấp số liệu để từ thực trạng đưa ra giải pháp nhằm giúp đề án, nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa của Hà Nội sát thực tế và sớm đi vào thực tiễn.

 Tú Linh - Theo TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Facebook, Google, Twitter dọa rút khỏi Hong Kong

Cả Facebook, Google và Twitter đều nằm trong Liên minh Internet châu Á. Mới đây, Liên minh này đã gửi đi một bức thư dài 6 trang có một số nội dung liên quan đến quyền bảo vệ dữ liệu tại Hong Kong.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/phat-trien-cong-nghiep-van-hoa-bao-ton-di-san-va-xay-dung-nguoi-ha-noi-thanh-lich-van-minh-169352.html?fbclid=IwAR11YC2pQlLBHRosc11nPHRbzfZQZmrvhT4_vczQnLe06DepaLc5gWQL73Q