Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam: Không để xảy ra tình trạng người mắc COVID-19 không tiếp cận được dịch vụ y tế

22/12/2021 15:46

Kinhte&Xahoi Sáng nay (22/12), Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thi hành Luật Phòng, chống ma túy; Công tác phòng, chống dịch COVID-19 và vệ sinh, an toàn thực phẩm trong dịp Tết. Dự tại điểm cầu Hà Nội có Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam

Số ca mắc cộng đồng tiếp tục có xu hướng gia tăng nhanh

Tại hội nghị, GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, tính đến sáng 22/12, thế giới ghi nhận hơn 276 triệu ca mắc, gần 5,4 triệu ca tử vong. Biến chủng Omicron được ghi nhận lần đầu tiên vào ngày 24/11, được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá là chủng đáng quan ngại do làm tăng nguy cơ tái nhiễm, có thể né tránh miễn dịch.

Đến nay, WHO thông báo đã ghi nhận biến chủng Omicron tại 89 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan, Myanmar. Do đó, hệ thống y tế vẫn đứng trước nguy cơ quá tải, dẫn đến tỷ lệ tử vong cao. Nhiều nước trên thế giới phải tăng cường các biện pháp hạn chế các hoạt động tập trung đông người để phòng, chống dịch COVID-19.

Tại Việt Nam, tính đến sáng 22/12, cả nước ghi nhận 1.571.780 ca mắc, đứng thứ 32/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. Riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay), số ca mắc mới ghi nhận trong nước là 1.566.261 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 30.041 ca, chiếm 1,9% so với tổng số ca mắc.

GS.TS Phan Trọng Lân nhận định, đến nay, tình hình dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, số ca mắc cộng đồng và tử vong tiếp tục có xu hướng gia tăng nhanh ở nhiều địa phương. Nguyên nhân chủ yếu do sau khi thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP và Quyết định 4800/QĐ-BYT, các hoạt động xã hội trở lại bình thường; mầm bệnh đã lưu hành trong cộng đồng; Biến chủng Delta với tốc độ lây lan nhanh, nguy cơ cao biến chủng Omicron xâm nhập vào Việt Nam; Xuất hiện tâm lý chủ quan, không thực hiện quy định phòng, chống dịch, đặc biệt không đeo khẩu trang nơi công cộng; Miễn dịch của những người tiêm vắc xin giai đoạn đầu giảm dần theo thời gian, trong khi người mới tiêm cần thời gian sinh miễn dịch…

Trong thời gian tới, Bộ Y tế đề nghị tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt giám sát phát hiện sớm, điều trị giảm bệnh nặng, tử vong và đẩy mạnh tốc độ tiêm vắc xin do thời tiết chuyển mùa Đông - Xuân thuận lợi cho sự phát triển, lây lan, nhất là trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán 2022 sắp tới…

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nội

Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; Tiếp tục đánh giá cấp độ dịch để có các biện pháp phù hợp với diễn biến phức tạp của dịch, bảo đảm các hoạt động phục hồi sản xuất; Nâng cao năng lực y tế cơ sở, chủ động và sẵn sàng trang bị, nhân lực, thuốc điều trị, oxy y tế để bảo đảm người dân được tiếp cận y tế từ sớm, từ xa; Tăng cường xét nghiệm tầm soát với đối tượng, địa bàn có nguy cơ cao nhằm sớm phát hiện chủng mới.

Các địa phương tổ chức tiêm chủng an toàn, nhanh nhất có thể, phấn đấu đến ngày 31/12 hoàn thành tiêm mũi 2 vắc xin phòng COVID-19 cho người trên 18 tuổi, hoàn thành tiêm mũi thứ 3 cho người 18 tuổi trở lên và tiêm đủ 2 mũi cho người từ 12-18 tuổi trong tháng 1/2022; Tổ chức tốt việc điều trị tại nhà, cơ sở cho bệnh nhân mắc COVID-19, tránh tình trạng dồn lên bệnh viện các tuyến gây quá tải…

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị, các địa phương thực hiện điều chỉnh cách ly đối với các trường hợp F1 đã được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã được điều trị khỏi bệnh COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Ngoài ra, lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị Bộ Công an tiếp tục duy trì, phát huy vai trò công an cơ sở cùng Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng để truy vết người tiếp xúc, quản lý người mắc tuyến cơ sở; bảo đảm an ninh an toàn các khu cách ly, điều trị; Quản lý người nhập cảnh; Hỗ trợ, tham gia quá trình đấu thầu, mua sắm vật tư, thiết bị y tế, thuốc để ngăn ngừa tiêu cực…

Cảnh giác trước khả năng xuất hiện biến chủng Omicron

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, thế giới đang đứng trước làn sóng dịch mới khi Omicron xuất hiện. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, tốc độ lây lan của chủng mới này gấp từ 3-7 lần so với chủng Delta. Trong khi trước đây, chủng Delta, lây lan gấp chưa đến 2 lần chủng Alpha, đã tàn phá như vậy.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, nhiều nghiên cứu cũng chưa chứng minh được rõ ràng, chủng Omicron có dấu hiệu nhiễm nhẹ hơn; Thậm chí, dù tiêm đủ 2 mũi vắc xin vẫn có nguy cơ nhiễm chủng mới này. Ngay cả người nhiễm chủng Delta đã khỏi bệnh vẫn có nguy cơ lây nhiễm Omicron. Hiện chủng Omicron đã có tại Campuchia và Thái Lan. Dù hiện nay, biến chủng mới này chưa ghi nhận tại Việt Nam nhưng chúng ta phải luôn trong tâm thế sẵn sàng như chủng vi rút mới này đã có mặt.

Trước diễn biến dịch hiện nay, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, tiêu chí cấp độ dịch được quy định tại Quyết định 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế không còn phù hợp. Do đó, Bộ Y tế phải khẩn trương có hướng dẫn mới. Trong khi chưa có hướng dẫn mới, các tỉnh, thành phố nếu thấy nguy cơ dịch ở địa phương mình cao hơn thì cần trao đổi với Bộ Y tế và được nâng cấp độ dịch lên trên một mức hoặc cao hơn nữa. Bên cạnh đó, nước ta phải đẩy nhanh hơn nữa việc tiêm vắc xin, nhất là tiêm mũi tăng cường (mũi 3) cho người dân.

Quang cảnh hội nghị

“Trước đây, do khó khăn về vắc xin nên Bộ Y tế đã đưa ra hướng dẫn ưu tiên tiêm cho nhóm người bệnh nền và người trên 50 tuổi. Hiện nay nước ta đã bảo đảm đủ vắc xin, tinh thần chỉ đạo phải tiêm cho tất cả mọi người, trừ những trường hợp chống chỉ định, đặc biệt không được để sót người trên 50 tuổi và có bệnh nền. Với mũi 3 cũng vậy, đến hạn là tiêm, không phân biệt đối tượng”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Về thuốc điều trị, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, hiện đã có túi thuốc A, B, C. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, các địa phương đề xuất việc cấp thuốc phù hợp với tình hình dịch, đồng thời, sử dụng hiệu quả các loại thuốc điều trị hiện có, bảo đảm người dân được tiếp cận sớm với thuốc điều trị, tránh tình trạng bệnh tăng nặng và tử vong. Đặc biệt, không được để xảy ra tình trạng ưu tiên người này được uống thuốc, người kia được uống thuốc…

Từ kinh nghiệm chống dịch trên thực tế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, muốn phòng, chống dịch hiệu quả cần phải sẵn sàng từ cơ sở. Nếu sẵn sàng từ cơ sở, thực hiện có hiệu quả việc cách ly, điều trị tại nhà sẽ giúp giảm tình trạng quá tải bệnh viện. Để làm được điều này thì yêu cầu đặt ra là thuốc điều trị phải sẵn sàng, vắc xin phải được tiêm hết cho người dân.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng lưu ý, điều trị tại nhà cũng xảy ra tỷ lệ rất nhỏ người đã được tiêm, được uống thuốc vẫn chuyển biến nặng. Do đó, y tế cơ sở phải hướng dẫn họ khi bị nặng phải được đến bệnh viện. Đây là điều rất quan trọng, đòi hỏi sự nỗ lực ở cơ sở.

Hệ thống y tế cơ sở phải quản lý tất cả những người bị nhiễm, không để tình trạng người dân xét nghiệm có kết quả dương tính mà không tiếp cận được dịch vụ y tế, không được cấp phát thuốc, không được quản lý, theo dõi sức khỏe.

 Lam Dương - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

CNN: Kích hoạt làm việc từ xa do lo ngại COVID-19

Trong thông báo gửi đến các nhân viên, Chủ tịch đài CNN (Mỹ), Jeff Zucker cho hay, những nhân viên không buộc phải có mặt ở văn phòng để sản xuất chương trình hoặc cung cấp các hoạt động thiết yếu khác cho công tác chuyên môn sẽ được yêu cầu làm việc tại nhà.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/khong-de-xay-ra-tinh-trang-nguoi-mac-covid-19-khong-tiep-can-duoc-dich-vu-y-te-186212.html