Tổng thống Trump (trái) và Nhà lãnh đạo Kim Jong-un gặp nhau tại khu phi quân sự liên Triều cuối tháng 6/2019. Ảnh: Time
Sau khi cảnh báo Triều Tiên có nguy cơ “mất tất cả”, chính quyền Tổng thống Donald Trump ngày 9/12 qua tiếp tục yêu cầu Hội đồng bảo an Liên hợp quốc họp khẩn về các hành vi mà nước này cho là khiêu khích của Bình Nhưỡng. Đây có lẽ cũng là lần đầu tiên trong gần 2 năm qua, Mỹ sử dụng từ “khiêu khích” để nói về Triều Tiên. Giới quan sát bắt đầu lo ngại, những căng thẳng này một khi vượt tầm kiểm soát có thể đưa quan hệ hai nước trở lại thời kỳ “bờ vực” năm 2017.
Thông báo cuối tuần trước của Triều Tiên về vụ thử bí mật ở bãi phóng Sohae đã chính thức bắt đầu giai đoạn sóng gió trong quan hệ Mỹ- Triều sau thời kỳ “trăng mật hiếm hoi”. Sau một thời gian dài bị các đồng minh chỉ trích là “nhắm mắt làm ngơ” trước loạt vụ phóng tên lửa tầm ngắn và tầm trung của Triều Tiên, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có sự thay đổi đáng chú ý khi yêu cầu Hội đồng bảo an Liên hợp quốc họp khẩn vào ngày 11/12 để thảo luận về các vụ thử tên lửa và nguy cơ leo thang các hành vi khiêu khích của Triều Tiên.
Dù không tiết lộ nhiều thông tin, song chính quyền Triều Tiên cho biết đây là một “vụ thử rất quan trọng”, có thể làm thay đổi vị thế chiến lược của nước này tại Đông Á. Ngoài ra, bãi phóng Sohae cũng là một cái tên có ý nghĩa đặc biệt. Đây là địa điểm mà Nhà lãnh đạo Kim Jong-un từng cam kết đóng cửa năm 2018 và cũng là một trong những cam kết được cụ thể hóa của Triều Tiên sau các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa với Mỹ.
Cùng với đó, “lời qua tiếng lại” ngày một gay gắt giữa Mỹ và Triều Tiên bắt đầu khiến người ta nhớ đến giai đoạn “bờ vực” năm 2017 trước khi hai bên bước vào “thời kỳ trăng mật” năm 2018, với 3 cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un. Tổng thống Donald Trump hồi cuối tuần cảnh báo, Nhà lãnh đạo Triều Tiên là một người quá thông minh và cũng vì thế có quá nhiều thứ để mất, thậm chí là tất cả nếu cứ nhất quyết quay lại các hành vi thù địch.
Trước đó, ông Donald Trump cũng từng để ngỏ khả năng sử dụng vũ lực chống Triều Tiên nếu cần thiết: “Tôi có một mối quan hệ cá nhân rất tốt với nhà lãnh đạo Triều Tiên. Có thể nói, tôi là người duy nhất mà ông ấy có mối quan hệ như thế trên thế giới. Chúng tôi hiện có lực lượng quân sự mạnh nhất từ trước tới nay, là nước hùng mạnh nhất thế giới và hi vọng sẽ không phải sử dụng đến sức mạnh này. Tuy nhiên, nếu phải sử dụng, chúng tôi sẽ làm”.
Về phần mình, Chính quyền Triều Tiên cũng lần đầu tiên kể từ năm 2017 công kích trực tiếp Ông chủ Nhà Trắng, thay vì chỉ tấn công những người thân cận của ông như Ngoại trưởng Mike Pompeo hay cựu Cố vấn an ninh John Bolton. Ông Kim Yong-chol, nguyên đặc phái viên đàm phán hạt nhân Triều Tiên ngày 9/12 thậm chí còn chế giễu những phát ngôn của Nhà lãnh đạo Mỹ là “vô tội vạ”, “thiếu suy nghĩ” và “không mạch lạc”. Ông đồng thời cảnh báo, thời hạn chót cuối năm mà Bình Nhưỡng đặt ra cho các cuộc đàm phán hạt nhân đang đến gần.
Theo ông Frank Aum, một cựu quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ, đây không phải là cảnh báo suông. Triều Tiên đang gia tăng sức ép với Tổng thống Donald Trump và chính quyền của ông ấy để buộc Mỹ phải linh hoạt hơn. Chuyên gia này cũng cho rằng, Triều Tiên hiểu, Mỹ chấp nhận kéo dài tình trạng này trong nhiều năm và cũng hiểu rằng, căng thẳng quân sự hạ nhiệt không có nghĩa là sức ép kinh tế được nới lỏng. Triều Tiên cần phải được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.
Còn đối với Mỹ, việc Triều Tiên nối lại các vụ thử tên lửa liên lục địa, cũng như các vụ thử hạt nhân trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy 1 năm nữa là tới cuộc bầu cử Tổng thống buộc nước này phải đáp trả bằng cách này hay cách khác.
Đây là một tình huống rất khó khăn, bởi hai bên không thể nhượng bộ quá nhiều để mình bị đẩy xuống thế yếu. Tuy nhiên, nếu những căng thẳng hiện nay vượt tầm kiểm soát, quan hệ hai nước sẽ một lần nữa bị kéo lại giai đoạn “bờ vực” năm 2017 và thậm chí là tồi tệ hơn. Bởi lần này sẽ không còn cơ hội nào cho các giải pháp ngoại giao./.