Quảng Ninh: Siết chặt cơ chế phòng chống dịch Covid-19 mức độ cao nhất từ tỉnh đến các thôn, tổ dân phố

03/08/2021 09:51

Kinhte&Xahoi Trước bối cảnh dịch bệnh trong nước ngày càng diễn biến phức tạp Tỉnh ủy Quảng Ninh đã chỉ đạo các biện pháp cấp bách mới để phòng, chống dịch Covid-19.

Dưới sự chủ trì của Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19, Thường trực tỉnh Quảng Ninh họp chỉ đạo các biện pháp cấp bách mới để phòng chống dịch Covid-19.

Ngày 2/8, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Xuân Ký - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Quảng Ninh, Thường trực Tỉnh ủy đã họp và chỉ đạo các biện pháp cấp bách mới để phòng, chống dịch Covid-19 trong bối cảnh dịch bệnh trong nước càng ngày càng diễn biến phức tạp với biến chủng mới Dalta có tốc độ lây lan nhanh để chủ động kịp thời, chủ động ứng phó với mõi tình huống có thể xảy ra trên địa bàn.

Tại cuộc họp Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh: Thời gian qua một số cơ quan, đơn vị chưa thực hiện nghiêm, người dân có biểu hiện chủ quan khi Quảng Ninh đã qua 37 ngày không phát hiện ca nhiễm trong cộng đồng cho nên để đảm bảo cho công tác phòng, chống dịch được đảm bảo thì toàn tỉnh Quảng Ninh chính thức bước vào giai đoạn chống dịch cam go hơn và phải vận hành cơ chế ở mức độ cao nhất từ tỉnh đến tận thôn, khu, bản, tổ phòng chống Covid-19 cộng đồng và đến từng người dân theo tinh thần “Mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi một tổ dân, gia đình là một pháo đài chống dịch”.

Qua kiểm tra, giám sát, nhận định một số địa phương, cơ quan, đơn vị thời gian qua chưa thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, còn thiếu sự kiểm tra, đôn đốc, giám sát cụ thể cần thiết ở địa bàn cấp huyện, cấp xã. Người dân có biểu hiện chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Một số nơi chưa thực hiện triệt để phương châm "3 trước, 4 tại chỗ", nhất là trong việc chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng ứng phó với tình huống nảy sinh.

Theo đó, các cấp ngành địa phương phải chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản, phương án cao nhất cho tình hình diễn biến xấu nhất, tăng cường kỷ cương, kỷ luật ở mức cao hơn, ràng buộc trách nhiệm người đứng đầu các cấp gắn với tiến độ cụ thể theo từng phương án, cấp độ dịch bệnh.

Vì vậy, để giữ thành quả phòng, chống dịch của tỉnh thời gian qua, giảm số ca mắc, giảm số người tử vong và không để rơi vào tình trạng mất kiểm soát nếu như trên địa bàn xuất hiện tình huống có ca bệnh, Quảng Ninh chủ trương siết chặt quản lý chợ đầu mối, kể cả chợ dân sinh; tạm dừng hoạt động du lịch ở một số địa điểm và một số dịch vụ không thiết yếu; không tụ tập, tập trung đông người tại các nơi công cộng; tạm dừng các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng; hoạt động bán hàng vỉa hè, quán giải khát, hoạt động dịch vụ phòng kín. Đồng thời giảm hoạt động tập trung đông người tại cơ quan, công sở và các cơ sở y tế; tăng cường tầm soát chủ động trong cộng đồng, công nhân, người lao động...

Cùng với đó, về tiêm chủng, Quảng Ninh sẽ thành lập Ban Chỉ đạo các cấp từ tỉnh xuống xã, do Chủ tịch UBND cùng cấp làm trưởng ban để điều phối thực hiện, ngành Y tế giữ vai trò tham mưu về chuyên môn. Trước ngày 10/8, tỉnh sẽ hoàn thành xây dựng dữ liệu tiêm chủng theo mô hình tới tận cấp huyện và 177 xã, phường trên cơ sở tích hợp, sử dụng các dữ liệu đã có. 

Hiện Quảng Ninh đã thực hiện tiêm chủng an toàn 129.763 liều vắc xin phòng Covid-19. Các địa phương trong tỉnh đã chuẩn bị sẵn sàng 72 cơ sở cách ly tập trung có thể sử dụng được ngay với công suất 14.000 người, tiếp tục bổ sung thêm và xây dựng quy trình cách ly phù hợp với biến chủng mới. Sở Y tế phải chuẩn bị sẵn các kịch bản để huy động tối đa nguồn nhân lực y tế tại ngành của mình, như cán bộ, nhân viên y tế về hưu, các tình nguyện viên, sinh viên y khoa và tập huấn cho các lực lượng này đủ khả năng tham gia ứng phó trong các tình huống. Xây dựng 2 phác đồ điều trị cho tình huống có 1.000 ca và 5.000 ca F0 trên địa bàn.

Cũng trong ngày 2/8, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ra văn bản 5034/ UBND-DL giao Sở Công thương phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài chính và UBND các địa phương trong tỉnh và các cơ quan đơn vị liên quan căn cứ tình hình thực tế, xây dựng phương án đảm bảo lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, hàng hóa thiết yếu cho tình huống phát sinh 1.000 ca và 5.000 ca mắc Covid-19, hoàn thành báo cáo UBND tỉnh trước ngày 4/8/2021.

 Nguyễn Quang - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tiêm phòng Covid-19 giúp nhanh có người yêu?

Gần đây nhiều các ứng dụng hẹn hò đã tung ra tính năng mới giúp các ứng cử viên đã tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 có nhiều cơ hội “ghép đôi” hơn. Từ đó thúc đẩy tiêm chủng ở người trẻ.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/quang-ninh-siet-chat-co-che-phong-chong-dich-covid-19-muc-do-cao-nhat-tu-tinh-den-cac-thon-to-dan-pho-d162348.html