Sắp hết hạn thu phí, ông chủ BOT cầu Yên Lệnh xây nối đường để thu thêm tiền

23/08/2019 09:34

Kinhte&Xahoi BOT cầu Yên Lệnh hết hạn thu phí vào ngày 2/9/2019 tuy nhiên do đầu tư xây dựng Quốc lộ 38 (chủ yếu địa phận tỉnh Hà Nam) nên sẽ tiếp tục thu phí đến 9/12/2019.

Nối đường để thu tiền

Theo thiết kế, Dự án BOT Yên Lệnh do liên danh Tổng công ty Xây dựng Thăng Long và Tổng công ty Xây dựng giao thông 4 (Cienco4) là chủ đầu tư. Công trình nhằm xây dựng, cải tạo Quốc lộ 38, từ cầu Yên Lệnh tỉnh Hưng Yên đến nút giao Vực Vòng thuộc địa phận tỉnh Hà Nam. Đường có chiều dài toàn tuyến khoảng 12,4 km, trong đó, có đoạn trùng với tuyến cũ khoảng 4,2 km.

Sau 2 năm thi công, dự án đã chính thức được đưa vào sử dụng với mức thu phí thấp nhất là 35.000đ/xe tiêu chuẩn (trong đó phí cầu là 15.000đ, phí BOT 20.000đ). Tuy nhiên, chỉ với 8/10km cầu và đường xây mới, mức thu phí trên bị các tài xế “tố” là quá cao.

Trạm thu phí Cầu Yên Lệnh địa phận tỉnh Hưng Yên.

Mới đây nhất ngày 5/8/2019 Sở giao Thông Vận tải Hưng Yên đã ban hành văn bản số 1507/SGTVT-KCHT. V/v báo cáo phương án giảm phí sử dụng đường bộ qua trạm thu phí Yên Lệnh.

Văn bản này có nêu: “Theo hợp đồng BOT, thời gian thu phí hoàn vốn dự án xây dựng cầu Yên Lệnh (cũ) sẽ hết hạn ngày 2/9/2019.

Sau đó do đầu tư dự án xây dựng Quốc lộ 38 từ cầu Yên Lệnh đến nút giao Vực Vòng (Trong đó chủ yếu đầu tư xây dựng tuyến mới bên địa phận tỉnh Hà Nam) nên tiếp tục sử dụng Trạm thu phí Yên Lệnh hiện nay để thu hoàn vốn BOT đến ngày 9/12/2026.

Với việc thu phí dự án BOT trên tại vị trí Trạm thu phí hiện tại gây bức xúc trong một số cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh Hưng Yên; theo phản ánh của lực lượng Công an trong thời gian qua đã có một số phần từ xấy lôi kéo kích động trên mạng xã hội để tụ tập phản đối Trạm thu phí Yên Lệnh có nguy cơ gây mất an ninh trật tự khu vực (nhất là sau khi thời gian thu phí cầu Yên Lệnh hết hạn ngày 2/9/2019).

Xuất phát từ tình hình trên, ngày 27/6/2019, UBND tỉnh đã có công văn số 1570/UBND-KT1 đề nghị Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) xem xét thay đổi vị trí đặt Trạm thu phí cầu Yên Lệnh để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Trên cơ sở văn bản của UBND tỉnh, ngày 24/7/2019 Bộ GTVT đã có văn bản số 6838/BGTVT-ĐTCT, theo đó Bộ Giao thông vận tải nêu: “Việc tiếp tục sử dụng Trạm thu phí Yên Lệnh để thu phí hoàn vốn là phù hợp với chủ trương được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận và đã được sự đồng thuận, thống nhất của UBND tỉnh Hưng Yên trước khi triển khai, thực hiện...

Theo ý kiến của Bộ GTVT tại văn bản nêu trên thì việc thay đổi vị trí đặt Trạm thu phí Yên Lệnh chưa được Bộ đồng thuận, nên trước mắt cần xem xét ngay phương án giảm phí, miễn phí sử dụng dịch vụ đường bộ cho các phương tiện vùng lân cận qua cầu Yên Lệnh là phù hợp”.
 
Như vậy, có thể thấy, cơ quan chức năng có thẩm quyền vẫn chưa đồng ý về việc đặt Trạm thu phí Yên Lệnh.

Lịch sử sai phạm

Năm 2018, tại văn bản số 616/TB- KTNN của Kiểm toán Nhà nước vừa gửi Bộ GTVT đánh giá: “Mặc dù có quy mô đầu tư không lớn nhưng các bên liên quan đến Dự án BOT Quốc lộ 38, đoạn Yên Lệnh - Vực Vòng lại có khá nhiều sai sót, đặc biệt là nhà đầu tư và đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Ban Quản lý Dự án 6 - PMU6, Bộ GTVT)".

Ngoài ra, trong quá trình thi công, Công ty TNHH BOT Yên Lệnh bị Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ một số sai sót như: nhà đầu tư đã tự ý phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu một số gói thầu có giá gói thầu khoảng 28 tỷ đồng nằm ngoài nội dung và quy mô đầu tư được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 3296.

Công ty TNHH BOT Yên Lệnh ký kết hợp đồng với các đơn vị thực hiện các gói thầu tư vấn, đơn vị thi công của nhà đầu tư thực hiện các gói thầu xây lắp. Tuy nhiên, các bên không tiến hành thương thảo hợp đồng gói thầu xây lắp số 1, 2 trước khi ký hợp đồng theo đúng trình tự quy định tại Điều 19, Nghị định số 63/2014/NĐ- CP ngày 26/6/2014 về quy định chi tiết một số điều của Luật Đấu thầu.

Kiểm toán Nhà nước yêu cầu xử lý tài chính tại Dự án BOT Yên Lệnh là 44,27 tỷ đồng, gồm: Thu hồi hoàn trả nhà đầu tư (2,287 tỷ đồng); Giảm số phải trả (17,688 tỷ đồng); Xử lý tài chính khác (24,3 tỷ đồng).

Đánh chú ý, Kiểm toán Nhà nước đánh giá, việc doanh nghiệp dự án giải ngân toàn bộ khối lượng hoàn thành bằng vốn chủ sở hữu đã góp 123,3/554,8 tỷ đồng, sau đó mới giải ngân đến vốn vay là không phù hợp với quy định tại phụ lục hợp đồng, dẫn đến cơ cấu nguồn vốn Dự án bị thay đổi so với tổng mức đầu tư ban đầu từ 15% lên 22%.

“Điều này dẫn đến chi phí lợi nhuận phải trả cho nhà đầu tư (11,5%/năm) cao hơn 2,5%/năm so với chi phí lãi vay trong quá trình khai thác (9%/năm) với tổng số tiền là 7,4 tỷ đồng”.

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đại lục khó xử ở đặc khu

Tình trạng biểu tình phản đối dai dẳng nhiều tuần nay ở Hồng Kông khiến cho chính quyền đặc khu hành chính này và Trung Quốc mỗi lúc càng thêm khó xử.

Nguồn: Pháp luật Plus