Singapore triển khai Robot hỗ trợ bệnh nhân

16/07/2022 08:00

Kinhte&Xahoi Tại một khoa thuộc Changi General Hospital (tạm dịch: Bệnh viện Đa khoa Changi, viết tắt là CGH), một Robot cao 1,2m đang nói thật to với các bệnh nhân rằng: “Xin chào mọi người, tôi là Pepper. Hãy cùng nhau tập một bài thể dục nhé”!

Với thiết kế theo biểu tượng mặt cười, Pepper có thể phản hồi các tín hiệu âm thanh bằng tiếng Anh và cũng được lập trình để tương tác nếu bệnh nhân không phản ứng. Robot Pepper sẽ thực hiện một số động tác tập luyện đơn giản, đồng thời giúp bệnh nhân hát hoặc nhận biết các bài hát.

Những Robot như Pepper đang thay đổi bộ mặt của ngành y tế Singapore thông qua việc tương tác với bệnh nhân và hỗ trợ công việc cho các y tá. Tính riêng tại CGH, đã có khoảng 50 Robot được triển khai, bao gồm rô-bốt phục vụ cuộc họp video telepresence tại phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) và các cơ sở điều trị COVID-19 dành cho cộng đồng.

Bệnh nhân Mariamah Ismail và Lee Lim Song tại Bệnh viện Đa khoa Changi trong phiên trị liệu cùng Robot Pepper

Những Robot này giúp bệnh nhân tiếp nhận tư vấn từ xa của bác sỹ và thực hiện các cuộc gọi video cho người thân.

Ngoài ra, CGH còn có Robot lau dọn và rô-bốt vận chuyển thuốc men, bệnh phẩm, hồ sơ bệnh án và các món đồ nặng như phần ăn của bệnh nhân và giường bệnh.

Robot Pepper được sử dụng tại những khu vực này là thành quả sáng tạo của Soft bank Robotics. Các Robot Pepper này có thể được lập trình để thực hiện nhiều chức năng khác nhau. Chúng từng được triển khai tại khu vực bán lẻ thuộc Sân bay Changi và có khả năng dạy trẻ mẫu giáo.

Năm 2019, Pepper được thử nghiệm lần đầu tiên tại CGH. Kể từ đó, Pepper được triển khai tại các khoa và Geriatric Day Hospital (Bệnh viện Lão khoa) thuộc CGH. Đội ngũ điều dưỡng viên của CGH đã phối hợp cùng các lập trình viên để phát triển các hoạt động thể chất và nhận thức phù hợp với bệnh nhân.

Li Fuyin - điều dưỡng lâm sàng cấp cao kiêm điều dưỡng thực hành nâng cao của CGH, cho biết các bệnh nhân và nhân viên đều chấp thuận sự có mặt của Pepper. Các điều dưỡng thực hành nâng cao là những chuyên viên phối hợp với bác sỹ và các chuyên gia y tế khác, nhằm cung cấp dịch vụ điều dưỡng đặc biệt cho bệnh nhân.

Pepper tiến hành các hoạt động theo nhóm cho bệnh nhân cao tuổi, bao gồm người bị suy giảm chức năng, sa sút trí tuệ, hay mê sảng. Robot này có thể tương tác với bệnh nhân nhiều lần trong ngày. Nhờ đó, điều dưỡng viên sẽ có thêm nhiều thời gian cho các nhiệm vụ lâm sàng và tương tác với bệnh nhân đặc biệt.

Từ ba đến tám bệnh nhân sẽ tham gia một phiên tương tác cùng Pepper. Một điều dưỡng viên sẽ phụ trách theo dõi bệnh nhân nhằm đề phòng họ có triệu chứng khó thở hay các dấu hiệu không thoải mái, hoặc không hứng thú.

Nhìn chung, các bệnh nhân đều yêu mến Pepper, thậm chí một số gia đình còn muốn tìm mua một Robot riêng.

Theo Li - điều dưỡng lâm sàng cấp cao, hơn 200 bệnh nhân tại khoa lâm sàng và bệnh nhân ngoại trú đã được tiếp xúc với Pepper. Những bệnh nhân này cho rằng các phiên điều trị khá đơn giản và dễ dàng thực hiện. Giai đoạn tiếp theo sẽ là lập trình để Pepper có thể nói được các ngôn ngữ địa phương.

Các bệnh viện khác trên khắp Singapore cũng triển khai Robot tương tác. Bệnh viện Alexandra đã sử dụng một rô-bốt di động do temi - công ty Robot đa quốc gia - sản xuất, nhằm thăm khám bệnh nhân điều trị tại nhà và phát thuốc. Bệnh viện Tan Tock Seng (TTSH) cũng sử dụng một rô-bốt temi làm trợ lý dược.

Trong ngành y tế Singapore, các ứng dụng khác của hệ thống Robot bao gồm hệ thống tự động hóa tại các hiệu thuốc, như hệ thống được sử dụng tại CGH và TTSH. Ngoài ra, TTSH và National University Health System (Hệ thống Y tế Đại học Quốc gia, viết tắt là NUHS) cũng triển khai các Robot hoạt động như khung xương trợ lực, giúp phục hồi chức năng cho bệnh nhân.

Robot mang lại hy vọng cho những bệnh nhân bị suy giảm khả năng vận động, hoặc các chức năng hàng ngày khác, sau thời gian bệnh. Vào năm 2019, NUHS đã ra mắt nghiên cứu lâm sàng lớn nhất tại châu Á nhằm kiểm tra mức độ hiệu quả của khung xương trợ lực ứng dụng sinh kỹ thuật trong việc phục hồi chức năng cho bệnh nhân.

Chương trình Improving Mobility Via Exoskeletons (cải thiện vận động thông qua khung xương trợ lực) đã được hỗ trợ bởi Quỹ Temasek Foundation và quỹ từ thiện địa phương Trailblazer Foundation.

Chương trình thử nghiệm đã kết thúc vào tháng 3 với sự tham gia của 317 bệnh nhân. Họ tham gia các buổi vật lý trị liệu và đeo thiết bị Robot Ekso - một khung xương trợ lực ứng dụng sinh kỹ thuật. Việc trợ lực ở hông và đầu gối giúp các bệnh nhân sử dụng Ekso có thể đứng, bước đi và xoay người.

Các cảm biến cung cấp phản hồi theo thời gian thực về hoạt động của bệnh nhân và nhà vật lý trị liệu có thể điều chỉnh mức độ hỗ trợ cần thiết.

Tiến sĩ Effie Chew - trưởng khoa y học phục hồi chức năng tại Bệnh viện Alexandra, cho biết kết quả của chương trình thí điểm này rất hứa hẹn, đặc biệt đối với những bệnh nhân có khả năng vận động và phối hợp bị ảnh hưởng do đột quỵ.

Bệnh nhân sử dụng khung xương trợ lực có thể thực hiện trung bình hơn 500 bước trong một buổi tập đi kéo dài 20 phút. Đây là một kết quả rất tích cực so với mức từ 50 đến 100 bước trong các phiên phục hồi chức năng thông thường.

Công nghệ Robot có thể hỗ trợ người dùng theo nhiều cách khác nhau, bao gồm các thiết bị liên lạc bổ sung và thay thế (AAC).

Anh Mohammad Asri Sunawan, 43 tuổi, đang sử dụng một thiết bị như vậy. Anh bị liệt từ cổ trở xuống và cần sự hỗ trợ của máy móc để thở. Vào năm 2018, anh được chẩn đoán mắc chứng xơ cứng teo cơ một bên - một căn bệnh về thần kinh vận động. Khi bệnh diễn tiến nặng, ảnh hưởng đến chân tay và giọng nói, anh đã phải từ bỏ công việc trong ngành quan hệ công chúng và truyền thông.

Nhờ có thiết bị theo dõi mắt Tobii do một công ty đa quốc gia cùng tên chế tạo, anh Asri có thể lướt Internet, kiểm tra và trả lời e-mail, cũng như đánh máy tài liệu. Anh trở thành thành viên của các ủy ban bao gồm Malay Language Council of Singapore (Hội đồng Ngôn ngữ Malaysia của Singapore) và Malay LanguageMonth.

Asri trả lời các câu hỏi bằng cách gõ câu trả lời. Anh đánh máy: "Tobii không chỉ là một con rô-bốt; nó mang lại sự sống cho tôi. Tobii đóng vai trò như tay, chân, mắt, và giọng nói của tôi; vì tình cảnh hiện tại là giọng nói của tôi không rõ ràng và gặp nhiều vấn đề khác nữa. Tôi phụ thuộc vào Tobii rất nhiều trong các hoạt động hàng ngày của mình. Tobii chính là người bạn của tôi".

Nhà trị liệu ngôn ngữ Tan Xuet Ying cho biết các thiết bị AAC như Tobii có thể hỗ trợ nhiều người, bao gồm cả những người hồi phục sau đột quỵ và người mắc bệnh Parkinson.

Tan Xuet Ying là thành viên của một nhóm chat với những người mắc bệnh rối loạn thần kinh vận động. Bà cho rằng các thiết bị AAC giúp họ đánh máy nhanh hơn cả bà.

Bà vui vẻ chia sẻ: "Tôi gặp khó khăn trong việc theo dõi cuộc trò chuyện với họ. Công nghệ là một cuộc cách mạng trong cuộc sống của họ. Nó mang lại cho họ sự độc lập. Thật ấm lòng khi được chứng kiến điều đó".

Minh Việt - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hàng loạt quốc gia Châu Âu đối diện lạm phát tăng cao

Dữ liệu mới nhất cho thấy mức lạm phát trong khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone) đạt 8,6% trong tháng 6. Điều này cho thấy vấn đề lạm phát có nguy cơ vượt ra khỏi tầm kiểm soát, buộc các ngân hàng trung ương lớn ở Châu Âu phải áp dụng các chính sách đối phó với rủi ro do lạm phát.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/singapore-trien-khai-robot-ho-tro-benh-nhan-201131.html