Sớm kích hoạt các trạm y tế lưu động, sẵn sàng khám, chữa bệnh phục vụ nhân dân

02/12/2021 19:55

Kinhte&Xahoi Sáng 2-12, Đoàn kiểm tra số 2 của Ban Thường vụ Thành ủy do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến dẫn đầu đã kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn quận Ba Đình.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn quận Ba Đình.

Thiết lập trạm y tế lưu động tại 14/14 phường

Trước khi làm việc với lãnh đạo quận Ba Đình và 14 phường, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đã trực tiếp kiểm tra hoạt động của trạm y tế lưu động phường Giảng Võ và khu vực phong tỏa tại ngõ 112 Ngọc Khánh (quận Ba Đình).

Lưu ý diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên địa bàn thành phố trong những ngày gần đây, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị quận Ba Đình chuẩn bị chu đáo cơ sở vật chất và vật tư y tế, sẵn sàng thu dung, điều trị các bệnh nhân F0 thể nhẹ hoặc không có triệu chứng. Cùng với đó, cần phân công rõ trách nhiệm, bố trí cán bộ y tế sẵn sàng ứng trực để giám sát, theo dõi sức khỏe các trường hợp F1 thực hiện cách ly tại nhà và các F0 thể nhẹ để sẵn sàng chuyển tuyến theo đúng quy định.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại khu vực phong tỏa ngõ 112 Ngọc Khánh (quận Ba Đình).
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến kiểm tra công tác vận hành trạm y tế lưu động tại phường Giảng Võ (quận Ba Đình).

Tại Quận ủy Ba Đình, báo cáo với đoàn kiểm tra, Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến cho biết, từ ngày 23-11 đến 1-12, trên địa bàn quận ghi nhận 158 trường hợp F0, trong đó có 45 ca mắc tại cộng đồng; 494 trường hợp F1 và 112 trường hợp F2. Quận cũng duy trì 3 điểm cách ly y tế tập trung (đang cách ly 483 trường hợp) và 1 cơ sở cách ly y tế tập trung tại Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội.

Thực hiện chỉ đạo của Trung ương và thành phố, quận đã rà soát các địa điểm phù hợp, thống kê nhân lực, bao gồm cả các bác sĩ ngoài công lập trên địa bàn để thiết lập trạm y tế lưu động. Đến nay, 14/14 phường trên địa bàn quận đã thiết lập hệ thống nhân lực y tế, gồm 165 người và bố trí địa điểm thiết lập trạm y tế lưu động; tổ chức diễn tập, vận hành hệ thống trạm y tế lưu động trên địa bàn.

Quận cũng yêu cầu mỗi phường bố trí ít nhất 2 địa điểm (ngoài trạm y tế phường) để thiết lập trạm y tế lưu động, nhân lực ít nhất 20 người/phường và trang bị đầy đủ cơ sở vật chất theo quy định. Cùng với đó, quận đã tiến hành rà soát tổng số 60.322 hộ gia đình, trong đó có 21.981 hộ đủ điều kiện cách ly F1 tại nhà.

Đối với công tác tiêm vắc xin, đến nay, quận Ba Đình đã tiêm được 339.554 mũi, trong đó mũi 2 là 144.542 mũi, đạt 96,39%. Quận cũng triển khai tiêm vắc xin cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi, được 12.441/20.025 mũi, đạt tỷ lệ 62,12%.

Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến báo cáo tại buổi kiểm tra.

Quận Ba Đình tiếp tục yêu cầu các cơ quan, đơn vị, các phường đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao ý thức tự giác phòng, chống dịch Covid-19, gắn với xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Lũy tích đến nay, quận đã xử phạt 1.083 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng (với số tiền trên 1,65 tỷ đồng), 109 cơ sở không thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch (với số tiền 265 triệu đồng)...

Bí thư Quận ủy Ba Đình Hoàng Minh Dũng Tiến cũng cho biết, theo đánh giá của thành phố, cấp độ dịch của quận hiện ở mức 2. Trong đó 13/14 phường cấp độ 1, riêng phường Ngọc Khánh ở cấp độ 2. Tính riêng từ ngày 1-11 đến nay, trên địa bàn quận có 523 F0, trung bình có 16 ca/ngày và 25% trong số này là ca lây nhiễm cộng đồng. Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, quận đã hoàn thành mục tiêu cơ bản kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn vào cuối tháng 11. Thời gian tới, quận Ba Đình sẽ tiếp tục phát huy sức mạnh cộng đồng, quan tâm chính sách an dân, tập trung hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2021.

Tăng cường “vắc xin ý thức” để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan

Tại hội nghị, đại diện UBND các phường trên địa bàn quận cũng đã báo cáo diễn biến và các giải pháp ứng phó an toàn, linh hoạt với dịch bệnh.

Sau khi nghe các ý kiến trao đổi, phát biểu kết luận, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh, những ngày gần đây, dịch bệnh trên địa bàn thành phố diễn biến rất phức tạp, số ca lây nhiễm cộng đồng liên tục tăng cao. Thành phố sẽ điều trị theo mô hình 3 tầng, với những bệnh nhân F0 thể nhẹ và không triệu chứng sẽ do hệ thống y tế cơ sở thu dung, theo dõi sức khỏe. Với những bệnh nhân triệu chứng nặng sẽ điều trị tại các bệnh viện.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tại buổi kiểm tra.

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, với thực trạng 14/14 phường tại quận Ba Đình đều có bệnh nhân F0 cho thấy diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Tuy nhiên, với độ bao phủ vắc xin đạt trên 96%, tỷ lệ tiêm cho trẻ em cũng đạt mức cao hơn mức chung của thành phố; công tác tiêm chủng cũng được thực hiện với độ an toàn cao đã cho thấy nỗ lực của quận Ba Đình trong việc triển khai các biện pháp kiểm soát, ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng đề nghị lãnh đạo quận tiếp tục bám sát địa bàn đang có dịch, đánh giá sát tình hình để có những chỉ đạo kịp thời trên tinh thần “sức khỏe của nhân dân là trên hết, trước hết”. Cùng với đó, cần sẵn sàng kích hoạt các trạm y tế lưu động để chăm sóc sức khỏe, phục vụ nhân dân.

Đặc biệt, cần đẩy mạnh việc kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh, xử lý nghiêm sai phạm trong việc không thực hiện quét QR, kinh doanh quá giờ quy định, không thực hiện nghiêm thông điệp “5K” của Bộ Y tế…

Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị quận tiếp tục chấp hành nghiêm chỉ đạo của cấp trên theo nguyên tắc “an toàn, linh hoạt, hiệu quả”. Cùng với đó, cần khẩn trương rà soát cơ sở vật chất của trạm y tế cấp phường, sớm vận hành các trạm y tế lưu động để sẵn sàng thu dung F0 thể nhẹ tại cơ sở. Với những gia đình có đủ điều kiện, có ý thức chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch sẽ thực hiện cách ly F1 tại nhà trong 14 ngày và bảo đảm 3 lần xét nghiệm trong thời gian này theo đúng quy trình.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng đề nghị quận đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường “vắc xin ý thức” để nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Song hành với đó, cần đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định phòng, chống dịch và xử lý nghiêm sai phạm theo quy định.

Quận cũng cần chuẩn bị sẵn sàng để tiếp tục tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em, tiến hành phun khử khuẩn tại các trường học để sớm đưa học sinh đi học trở lại, bảo đảm an toàn ở mức cao nhất trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Đặc biệt, lãnh đạo quận cần phối hợp chặt chẽ với các cơ sở tôn giáo trên địa bàn, chuẩn bị phương án để người dân đón Giáng sinh, Tết Dương lịch an toàn, phù hợp với diễn biến của dịch bệnh.

Quang cảnh buổi kiểm tra.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng đề nghị lực lượng công an quận lập đợt cao điểm phòng, chống tội phạm, khởi tố và xử lý nghiêm những trường hợp làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Cùng với đó, cần tiếp tục triển khai thực hiện “nhiệm vụ kép”, vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ được giao.

Hãy cài đặt Ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia (PC-Covid) để khai báo y tế, bảo vệ mình và bảo vệ mọi người:

Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn/ hoặc tải trực tiếp từ App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về ứng dụng sẽ yêu cầu nhập số điện thoại để nhận mã OTP kích hoạt. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2 mét đã sử dụng PC-Covid, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. Khai báo y tế khi có các dấu hiệu như ho, sốt, mất vị giác… hoặc có liên quan, tiếp xúc người nghi nhiễm Covid-19. Luôn luôn quét mã QR nơi bạn đến. 

 Hương Ly- Ảnh: Quang Thái - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thành phố đắt đỏ nhất thế giới năm 2021 “soán ngôi” Paris

Từ vị trí thứ 5 vào năm ngoái, Tel Aviv (Israel) đã vươn lên vị trí đứng đầu trong bảng xếp hạng chỉ số Chi phí Sinh hoạt toàn cầu năm nay do Economist Intelligence Unit (EIU) công bố mới đây. Như vậy, thành phố Châu Á này đã trở thành thành phố đắt đỏ nhất thế giới năm 2021.

Sẽ có vaccine chống lại Omicron trong vòng hai tháng?

Tiến sĩ John Campbell (Anh) thông báo tin tốt này khi đề cập đến những lo ngại về khả năng kháng vaccine của biến thể Omicron, biến thể mới được phát hiện có nguồn gốc từ miền Nam châu Phi đang làm thế giới "ngồi trên đống lửa".

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Xa-hoi/1018886/som-kich-hoat-cac-tram-y-te-luu-dong-san-sang-kham-chua-benh-phuc-vu-nhan-dan