Tác hại kinh hoàng nếu nhiễm độc thủy ngân

30/08/2019 09:39

Kinhte&Xahoi Sau vụ cháy ở Công ty Rạng đông, người ta lo ngại thủy ngân sẽ ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe con người. Bởi thủy ngân được ví như tên sát nhân nguy hiểm, có rất nhiều trong bóng đèn huỳnh quang.

Thủy ngân có trong bóng đèn huỳnh quang

Theo Viện Y tế Quốc gia (Mỹ), thủy ngân, tên hóa học là Hg, có thể gây ngộ độc và ảnh hưởng tới sức khỏe con người.

Thủy ngân tồn tại ở ba dạng, nguyên tố, vô cơ và hữu cơ. Dạng nào cũng gây ảnh hưởng.

Với  thủy ngân dạng nguyên tố, nếu chạm hoặc nuốt phải sẽ ở đường tiêu hóa, dạ dày. Thủy ngân nguyên tố gây độc cho người rất nhanh sau khi hít vào, nó gây tổn thương đường hô hấp, phổi, gan, hệ thần kinh trung ương. 

Các triệu chứng ngộ độc thủy ngân nguyên tố bao gồm nôn, khó thở, ho, sưng và chảy máu chân răng. 

 Một lượng nhỏ thủy ngân nguyên tố cũng dễ dàng ngấm qua hàng rào mạch máu não và qua nhau thai, gây ảnh hưởng lâu dài đến não bộ và thai nhi. Lượng thủy ngân hít vào, phổi có thể bị tổn thương vĩnh viễn và gây tử vong.

Không giống như thủy ngân nguyên tố, thủy ngân vô cơ thường gây độc khi nuốt phải. Do là chất ăn mòn nên dạng thủy ngân này gây bỏng trực tiếp trên niêm mạc. Nếu thủy ngân vô cơ xâm nhập vào máu, nó sẽ tích lũy ở thận và não, gây tổn thương vĩnh viễn. Một liều lượng lớn có thể làm mất máu, nước do tiêu chảy, suy thận và tử vong.

Các triệu chứng phổ biến khi nhiễm độc thủy ngân vô cơ là nóng trong dạ dày, cổ họng, tiêu chảy ra máu và nôn mửa.

Thủy ngân hữu cơ có thể gây bệnh nếu hít, nuốt và hấp thụ qua da trong thời gian tiếp xúc dài. Nói cách khác, tiếp xúc một lượng nhỏ thủy ngân hữu cơ mỗi ngày trong nhiều năm có thể gây ngộ độc nhiều năm sau đó.

Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy loại thủy ngân này ảnh hưởng rất lớn đối với thai phụ. Tiếp xúc với một lượng thủy ngân hữu cơ mythylmercury trong khi mang thai có thể gây tổn hại vĩnh viễn cho phát triển trí não của thai nhi.

Các triệu chứng chủ yếu do ngộ độc thủy ngân hữu cơ là:  Tê hoặc đau ở một số khu vực trên da, Run rẩy không kiểm soát; Khả năng di chuyển bị hạn chế; Không nhìn rõ; Mất trí nhớ; Co giật và tử vong.

Người ta cũng phân biệt tác hại của thủy ngân lên sức khỏe con người dưới hình thức nhiễm độc cấp tính và nghề nghiệp.

Nhiễm độc cấp tính thường do tai nạn như vỡ bình chứa, hỏa hoạn, hơi thủy ngân bốc lên với nồng độ cao ảnh hưởng nghiêm trọng đến hô hấp, gây viêm phế quản, viêm phổi kẽ lan tỏa. Gây viêm thận, đạm huyết tăng nhanh ( 4-5g urê/l), giảm clo huyết, nhiễm a xit. Gây viêm loét miệng, bỏng đường tiêu hóa, nôn ra máu, toàn thân suy sụp. Nạn nhân khó thở, chuột rút, giật cơ, mê sảng, bệnh nhân thường tử vong trong vòng 24 đến 36 giờ.

Nhiễm độc thủy ngân nghề nghiệp: Tiếp xúc với nồng độ thấp kéo dài các triệu chứng chủ yếu trên hệ tiêu hóa và hệ thống thần kinh. Ngoài ra còn có ảnh hưởng đến hệ hô hấp, tiết niệu…

Các triệu chứng về tiêu hóa như viêm ruột, xuất huyết đường tiêu hóa, viêm lợi, kèm vị đắng khó chịu, viêm miệng, loét niêm mạc, có thể thấy đường viền thủy ngân màu xanh ở bờ răng lợi.

Các triệu chứng về thần kinh: Như run cố ý; bệnh Parkinson với biểu hiện run khi nghỉ và giảm chức năng vận động.

Tiếp xúc mãn tính với thủy ngân có thể gây ra run mí mắt và rối loạn thị giác, viêm màng tiếp hợp, thu hẹp thị trường.

Thủy ngân có thể gây ung thư, biến đổi gen và gây quái thai.

Ngoài ra, có thể có cảm giác đau lan tỏa hay bong da bàn tay và bàn chân

Các nhà khoa học cũng nghiên cứu cho thấy thủy ngân là kim loại lỏng khó phân hủy trong môi trường và tích lũy sinh học trong chuỗi thức ăn. Thủy ngân ít độc, nhưng hơi, các hợp chất và muối của nó rất độc, có thể gây tổn thương hệ thần kinh, tiêu hóa, hô hấp, hệ thống miễn dịch và thận. Cho dù ít độc hơn so với các hợp chất của nó nhưng thủy ngân vẫn tạo ra sự ô nhiễm đáng kể đối với môi trường vì nó tạo ra các hợp chất hữu cơ trong cơ thể sinh vật.

Thủy ngân giải phóng từ chất thải có chứa thủy ngân tồn tại trong môi trường (đất, nước, không khí, trầm tích, thực vật..) hoặc tích tụ trong chuỗi thức ăn và vào cơ thể con người thông qua tiêu thụ cá và hải sản, hoặc hơi thủy ngân trực tiếp hoặc được hấp thụ trên tóc của con người.

Hơi thủy ngân ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh trung ương và ngoại biên, phổi, thận, da, và mắt. Nó cũng ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch và gây đột biến.

Thủy ngân xuất hiện rất nhiều trong cuộc sống. Nó là thành phần không thể thiếu được của nhiệt kế thủy tinh và một số thiết bị y tế, công tắc điện, bóng đèn huỳnh quang, Trám răng, Pin, một số chất khử trùng

Thủy ngân có trong  khói từ than đốt chuyển thành thủy ngân hữu cơ, một số loại cá, hải sản,...

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus