Tăng cường bảo mật chấm thi THPT Quốc gia

28/06/2019 10:00

Kinhte&Xahoi Chiều 27/6, Bộ Giáo dục đào tạo đã có buổi họp báo sau khi kết thúc 5 môn thi của kì thi THPT Quốc gia 2019. Bộ Giáo dục đào tạo đã trả lời về những sự cố, về công tác chấm thi trong thời gian tới, trong đó nhấn mạnh công tác chấm thi sẽ được tăng cường bảo mật, kiểm soát chặt chẽ các tác động trái phép vào bài thi.

Thí sinh, phụ huynh thở phào kết thúc kì thi THPT Quốc gia 2019.

Sĩ tử đánh giá đề Khoa học xã hội “dễ thở” 

Sáng 27/6, hơn 561.000 thí sinh bước vào phòng thi môn tổ hợp Khoa học xã hội (Sử-Địa-Giáo dục công dân), môn thi cuối cùng của kỳ thi THPT Quốc gia 2019. Các môn này đều thi theo hình thức trắc nghiệm. 

Kết thúc buổi thi, nhiều thí sinh khá hài lòng về các bài thi của mình và cả kỳ thi năm nay. Nhiều thí sinh cho biết, tự tin đỗ tốt nghiệp và mong muốn trúng tuyển vào đại học. Phần đa thí sinh nhận xét kỳ thi không quá căng thẳng, mục đích đỗ tốt nghiệp là không quá khó. Còn đối với vào đại học, tùy từng điểm số có thể dự tuyển vào trường lấy điểm cao hay thấp, nhưng cơ hội là khá cao vì một số trường dân lập, đại học “tốp dưới” lấy điểm khá thấp.

Theo đánh giá của nhiều thí sinh, thầy cô, đề thi năm 2019 nhìn chung được đánh giá tương đối hay, bám sát yêu cầu và mục đích chính của kì thi THPT quốc gia năm 2019. Đặc biệt, năm nay có điều chỉnh trong công thức xét công nhận tốt nghiệp THPT bằng việc kết quả thi THPT quốc gia chiếm tỉ trọng 70% trong công thức xét tốt nghiệp nên cấu trúc và độ khó của đề thi cũng thể hiện đúng tinh thần đó với khoảng 60% câu hỏi đầu ở mức độ đơn giản, 40% câu hỏi còn lại bắt đầu nâng dần về độ khó và phân hóa theo từng cấp độ điểm để dùng cho mục tiêu phân loại thí sinh. 

Trong số bài thi Khoa học xã hội sáng 27/6, môn Sử được thí sinh và thầy cô đánh giá là khó nhất trong ba phần thi xã hội. Trong số ba phần thi, Công dân được thí sinh tự tin điểm sẽ cao, bù cho điểm Sử. Đối với đề thi môn Địa lý, thí sinh Lê Phước Hưng (TP HCM) nhận xét dễ, chỉ cần dựa vào Atlat và phần biểu đồ thuộc chương trình lớp 12 là có thể làm được phần lớn câu hỏi.

Các câu hỏi không đánh đố, suy luận một chút là có thể trả lời. Về đề thi Giáo dục công dân, nhiều thí sinh tự tin được 6-7 điểm bởi câu hỏi tập trung ở kiến thức lớp 12. Thí sinh Vũ Hà Ngọc (Hà Nội) nhận xét đề không nhiều lý thuyết, đa phần là tình huống thực tế. "Em làm hết 40 câu, 5-6 câu khó phải suy luận, vận dụng kiến thức xã hội nhưng đây vẫn là phần em tự tin nhất", sĩ tử nói. 

Thí sinh Trần Huyền Anh (TP Vinh, Nghệ An) cho rằng, cái hay của đề thi Giáo dục công dân năm nay là có nhiều câu hỏi nhấn mạnh vào quyền của công dân, giúp thí sinh hiểu biết hơn về pháp luật, tránh những điều vi phạm đáng tiếc.

14/7 sẽ công bố kết quả thi

Tại buổi họp báo Chiều 27/6, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Bộ Giáo dục đào tạo cho biết: Cả nước có 887.104 thí sinh đăng ký dự thi, 1980 điểm thi; huy động gần 50.000 cán bộ, giảng viên được điều động từ 216 đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng tham gia phối hợp tổ chức Kỳ thi. Tỉ lệ thí sinh đăng ký dự thi để lấy kết quả xét tuyển vào đại học, cao đẳng chiếm khoảng 70,2% (năm 2018 là gần 74,3%). 
 
Năm nay, Bộ Giáo dục đào tạo cử 8 đoàn thanh tra về các địa phương trong suốt thời gian trước và trong kì thi. Kỷ cương trường thi được tăng cường, kỷ luật phòng thi được duy trì nghiêm tại tất cả các Điểm thi trong cả nước. Không còn hiện tượng phao thi ở các Điểm thi. Một số hiện tượng vi phạm quy chế thi được phát hiện và xử lý kịp thời.

Cho đến thời điểm này, chưa ghi nhận thấy hiện tượng tiêu cực, gian lận có tổ chức. Toàn quốc có 06 cán bộ coi thi và 79 thí sinh vi phạm quy chế thi (trong đó 72  trường hợp bị đình chỉ thi do mang điện thoại và tài liệu vào phòng thi, 03 thí sinh bị cảnh cáo, 04 thí sinh bị khiển trách).

Tuy nhiên, cũng còn một số sai sót xảy ra ở một số Hội đồng thi do lỗi của cán bộ coi thi, in sao đề thi như việc phát nhầm đề thi cho thí sinh, in thiếu đề thi dẫn đến thí sinh phải làm bài thi muộn giờ so với quy đinh. Hội đồng thi đã xử lý bù thời gian làm bài để đảm bảo quyền lợi của thí sinh.

Cụ thể, tại Lào Cai cán bộ kí nhầm tên vào ô chấm thi của ba thí sinh, sau 2/3 thời gian giám thị mới nhận ra sai sót, giám thị định cho thí sinh làm lại bài. Ngay sau đó, hai cán bộ bị đình chỉ thi. Chiều 27/6, trong phần thời gian dự bị, ba thí sinh này đã được động viên, thi lại môn Ngữ  văn. Còn tại Hội đồng thi Sơn La, một thí sinh ghi số báo danh không đúng quy cách, giám thị yêu cầu thí sinh làm lại. Ngay lập tức, Hội đồng thi này đã đình chỉ 2 cán bộ coi thi, em  thí sinh đã thi lại chiều 27/6, an toàn nghiêm túc. 

Theo ông Trinh, bản chất kì thi này, vừa làm cơ sở xét tốt nghiệp vừa tuyển sinh đại học. Khi nào kì thi này còn đáng tin cậy, thì các trường đại học còn sử dụng kết quả này. Về công tác chấm thi,  Bộ Giáo dục đào tạo trực tiếp chỉ đạo tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm, giao nhiệm vụ cho các trường đại học chủ trì, đặt camera giám sát phòng chấm thi 24/24 giờ; sửa đổi, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng mã hóa toàn bộ dữ liệu chấm thi; “đánh phách điện tử” Phiếu trả lời trắc nghiệm; tăng cường tính bảo mật, có chức năng giám sát, kiểm soát chặt chẽ người dùng, đồng thời có thể phát hiện, truy xuất các tác động trái phép vào bài thi.

Đối với việc chấm bài thi tự luận (Ngữ văn) do sở Giáo dục đào tạo chủ trì, quy định chặt chẽ hơn khâu chấm 2 vòng độc lập, thực hiện chấm kiểm tra tối thiểu 5% số bài thi, trong đó các bài đạt điểm cao phải được chọn để chấm kiểm tra. 

Ông Trinh cho biết: Với môn thi tự luận, thực hiện triệt để nghiêm túc  từ quá trình dọc phách cách ly, có camera an ninh giám sát. Cùng với đó,  ngay cả việc kết quả chấm môn ngữ văn hai vòng độc lập, nếu làm tắt phần mềm máy chủ sẽ phát hiện.

Về việc không công bố đáp án ngay sau kì thi, đại diện Bộ Giáo dục đào tạo lý giải nhằm đảm bảo an toàn nghiêm túc cho kì thi: “Về những lo ngại tiêu cực thi cử, chúng ta sẽ không chấp nhận cho bất cứ sai phạm nào; những gian lận nếu có sẽ bị phát hiện, và xử lý nghiêm. Ngay việc đình chỉ cán bộ coi thi chỉ là giải pháp ban đầu” ông Trunh khẳng định. Theo kế hoạch, ngày 14/7, Bộ Giáo dục đào tạo  sẽ công bố kết quả thi.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Mỹ phải "trả" 1 tỷ USD để "loại bỏ" Huawei

Để loại bỏ và thay thế hoàn toàn các linh kiện, thiết bị của Huawei ra khỏi các nhà cung cấp dịch vụ mạng viễn thông tại Mỹ, chính phủ nước này có thể phải tiêu tốn số tiền lên đến 1 tỷ USD.

Nguồn: Pháp luật Plus