Tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực học đường

17/04/2019 16:01

Kinhte&Xahoi Mới đây, Bộ GD&ĐT đã có chỉ thị các nhà trường cần xây dựng và triển khai kế hoạch phòng, chống bạo lực học đường.

Theo đó, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ vừa ra Chỉ thị số 993/CT-BGDĐT yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, cơ sở đào tạo giáo viên và đơn vị thuộc Bộ triển khai một số công việc nhằm tăng cường các giải pháp phòng, chống và xử lý kịp thời các vụ bạo lực học đường, bảo đảm an ninh, an toàn trường học.

Theo đó, tại các cơ sở giáo dục, thủ trưởng là người chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện về an ninh, an toàn trong cơ sở giáo dục; Các nhà trường cần xây dựng và triển khai Bộ Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Đồng thời, cần phát triển các câu lạc bộ phù hợp với năng khiếu, sở thích, điều kiện và lứa tuổi học sinh, tăng cường các hoạt động trải nghiệm, hoạt động tập thể, hoạt động xã hội để hình thành, phát triển năng lực và phẩm chất cho học sinh.

Ảnh minh họa.

Các cơ sở giáo dục thực hiện xây dựng và triển khai kế hoạch phòng, chống bạo lực học đường; phân công rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong nhà trường; lựa chọn, bồi dưỡng và cử giáo viên có kinh nghiệm, năng lực và trách nhiệm làm công tác chủ nhiệm để thường xuyên theo sát tình hình, quản lý, giáo dục học sinh.

Quan tâm các em học sinh cá biệt, học sinh yếu thế để có biện pháp giáo dục, giúp đỡ, bảo vệ phù hợp; chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và kịp thời, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý các vụ bạo lực học đường bảo đảm công khai, nghiêm túc theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, cần thiết lập các kênh thông tin về bạo lực học đường của cơ sở giáo dục (hộp thư góp ý, đường dây nóng, hệ thống camera giám sát,…) để chủ động tiếp nhận, xử lý kịp thời các thông tin về bạo lực học đường.

Bồi dưỡng nâng cao năng lực, trách nhiệm của cán bộ tư vấn tâm lý, để thường xuyên nắm bắt tâm lý học sinh, kịp thời phát hiện và xử lý những mâu thuẫn, xung đột trong trường học…

Tăng cường giáo dục pháp luật, giáo dục về phòng, chống bạo lực học đường trong chương trình và hoạt động giáo dục của nhà trường. Xây dựng các chuyên đề về giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ bản thân, phòng chống xâm hại, bạo lực học đường lồng ghép trong các hoạt động giáo dục, hoạt động Đoàn, Đội.

Tổ chức tọa đàm, chia sẻ kinh nghiệm về phòng, chống bạo lực học đường, giáo dục kỷ luật tích cực cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; tích cực nêu gương người tốt việc tốt, đề cao sự gương mẫu của thầy, cô giáo để mỗi thành viên trong nhà trường đều trở thành nhà giáo dục thân thiện, thuyết phục…

Đối với các cơ sở đào tạo giáo viên cần rà soát, cập nhật, đổi mới nội dung, chương trình, giáo trình, hình thức đào tạo; gắn yêu cầu kiến thức, nghiệp vụ sư phạm với năng lực, phẩm chất nghề nghiệp cho sinh viên theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, chuẩn nghề nghiệp giáo viên.

Tăng cường tổ chức các hoạt động ngoại khóa, thực hành, thực tập sư phạm để rèn các kỹ năng sư phạm, kỹ năng giải quyết tình huống sư phạm, kỹ năng tư vấn tâm lý, hỗ trợ học sinh, bồi dưỡng đạo đức nhà giáo, chuyên đề đào tạo về công tác chủ nhiệm lớp cho sinh viên sư phạm.

Các trường sư phạm cần nghiên cứu xây dựng các chuyên đề, nội dung bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên về kỹ năng phòng, chống bạo lực học đường; kỹ năng sư phạm, kỹ năng ứng xử, giải quyết tình huống sư phạm của nhà giáo tại các địa phương thiết thực hiệu quả cũng như đào tạo, bồi dưỡng và phát huy vai trò của đội ngũ giáo viên tư vấn trong trường học, xây dựng nội dung, cách thức và hình thức giáo dục phù hợp...

 

Theo Phapluatplus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM