Tên lửa S-400 "khuấy đảo" khắp thế giới: Đừng đùa với người Nga

18/03/2019 09:11

Kinhte&Xahoi Trong thời gian trở lại đây, với chiến lược đẩy mạnh xuất khẩu vũ khí, trang bị, tên lửa S-400 được coi là một sản phẩm quốc phòng xuất khẩu chủ lực của Nga

Không chỉ có tính năng, giá thành và những ưu đãi vượt trội so với các sản phẩm cùng phân khúc, quá trình xuất khẩu S-400 có thể hiện sự thay đổi tư duy của người Nga khi xuất khẩu vũ khí, cũng được coi như một hướng làm ăn kinh tế.

S-400 không còn là đồ gia bảo

Là sản phẩm vũ khí phòng không hàng đầu của Nga, tổ hợp tên lửa S-400 Triumf đã nhận được rất nhiều đánh giá tích cực từ chuyên gia vũ khí quốc tế.

Tuy nhiên, khi xét về nhiều khía cạnh, tên lửa phòng không S-400 chính là một phiên bản nâng cấp rất sâu của S-300 với những cải tiến đáng kể về hệ thống điều khiển, radar, đạn tên lửa đánh chặn. Sự kết hợp của những cải tiến trên đã làm nên danh tiếng của S-400.

Sau khi những thông tin cụ thể về đặc điểm kỹ, chiến thuật của S-400 được công bố, nhiều chuyên gia quân sự Nga đánh giá, về bản chất, S-400 chính là S-300 được tăng công suất và tối ưu hóa thiết kế nhờ sự tiến bộ của công nghệ vi điều khiển.

Có thể nói S-400 dường như là một bước đệm trong giai đoạn Liên Xô tan vỡ và Nga bắt đầu hướng nghiên cứu vũ khí phòng không mới. Đây có thể chính là lý do sau khi hoàn thành việc trang bị S-400 cơ bản cho các đơn vị Phòng không-vũ trụ, Nga đã định hướng dòng tên lửa phòng không hiện đại này tới thị trường xuất khẩu.
Tổ hợp tên lửa S-400 Nga triển khai tới Syria.
Tất nhiên, biến thể xuất khẩu của S-400 sẽ có nhiều khác biệt so với phiên bản gốc trang bị cho Quân đội Nga.

Tính năng phòng thủ của S-400 xuất khẩu sẽ không bao giờ đạt được thông số tầm giám sát 600km, phạm vi đánh chặn 400km như phiên bản gốc, nhưng con số mang lại vẫn giúp S-400 phiên bản xuất khẩu là dòng vũ khí phòng không đáng để các quốc gia có nhu cầu cân nhắc.

Những yếu tố nổi trội của S-400 có thể nhìn dưới nhiều góc độ, nhưng có 3 yếu tố chính:

1. S-400 có tính năng vượt trội so với các sản phẩm vũ khí cùng phân khúc của Mỹ và phương Tây: Hiện tại, rất khó có thể tìm được dòng vũ khí phòng không nào có tính năng và dải chiến đấu rộng như S-400 từ Mỹ và phương Tây. Mặt khác, tính năng chiến đấu của tổ hợp vũ khí này cũng đã được khẳng định trên chiến trường Syria.

Dù chưa một lần khai hỏa trong thực chiến, nhưng bất kỳ ai cũng hiểu rõ, các tổ hợp S-400 Nga triển khai tại Syria được cho là đã đóng góp rất lớn vào chiến công thần kỳ của hệ thống phòng không Syria chống lại đợt không kích của Mỹ và đồng minh đêm ngày 14.4 vừa qua.

2. Giá thành của S-400 rất cạnh tranh: Với khoảng 500 triệu USD cho một tổ hợp đầy đủ, S-400 đủ sức đánh bại mọi sản phẩm vũ khí phòng không của phương Tây dù chúng có giá thành cao hơn vài lần. Ví dụ cụ thể chính là PAC-3 Patriot, THAAD, MEAN, Aegis Ashore…

Chính vì yếu tố giá cả cạnh tranh và tương quan giữa giá thành/hiệu năng vượt trội, S-400 có thể coi là sản phẩm vũ khí phòng không đắt hàng nhất thế giới hiện nay.
Hệ thống tên lửa PAC-3 của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản được triển khai để đề phòng vụ phóng tên lửa của Triều Tiên hồi năm 2016
3. Việc xuất khẩu S-400, cũng như nhiều loại vũ khí, trang bị quân sự khác của Nga thường không kèm theo bất kỳ điều kiện chính trị nào hay các gói hợp đồng kiểu "mua thịt, kèm rau". Vũ khí là mặt hàng rất đặc biệt, vì nó ảnh hưởng trực tiếp tới an ninh quốc gia của mỗi nước.

Chính vì thế, ai kiểm soát nguồn cung vũ khí, trang bị quân sự thì người đó có thể khống chế chính trị. Điều này được Mỹ và phương Tây áp dụng triệt để và đã có nhiều tiền lệ nguy hiểm về việc sử dụng các hợp đồng vũ khí như một con bài chính trị ở Cận Đông, Trung Á, Mỹ Latinh…

Với Nga, yếu tố này không tồn tại. Điều này đã được khẳng định qua tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Thậm chí với nhiều quốc gia khách hàng, Nga còn tạo điều kiện để họ có trong tay các dòng vũ khí hiện đại từ Nga thông qua hình thức thanh toán hợp đồng linh hoạt bằng các sản phẩm thế mạnh của nước nhập khẩu hay cho vay tài chính.

Một yếu tố khác cần chú ý là việc Nga hiện đang xây dựng hệ thống phòng không mới dựa trên các tổ hợp vũ khí phòng không tương lai như S-500, S-350 Vityaz…, việc đẩy mạnh xuất khẩu S-400 sẽ góp phần giúp Nga nhanh chóng thay máu hệ thống phòng không hiện có.

Chính nhờ các yếu tố trên nên không có gì là ngạc nhiên khi các hợp đồng cung cấp S-400 của Nga tính tới thời điểm hiện tại đã đủ cho Tổ hợp Almaz – Altey hoạt động hết công suất cho tới năm 2025.

Khi người Nga làm lái súng

Nhắc tới vũ khí, trang bị quân sự thì đây là ngành công nghiệp đặc thù, rất khó sinh lời, trong khi nguồn vốn bỏ ra để nghiên cứu và phát triển rất tốn kém. Việc sinh lời từ vũ khí chỉ có được thông qua các hợp đồng xuất khẩu.

Đây là lý do giúp chúng ta hiểu rõ tại sao Nga hiện tại cũng giống như siêu cường quân sự khác đều đặt yêu cầu đẩy mạnh xuất khẩu vũ khí, trang bị quân sự để "vòng tuần hoàn" công nghiệp quốc phòng vận hành trơn tru, cũng như giảm sức ép và giá thành nên các sản phẩm quốc phòng cung cấp nội địa.
Tổ hợp tên lửa S-400 Nga tham gia duyệt binh ở Quảng Trường Đỏ.

Đây có thể coi là điểm khác biệt của ngành công nghiệp quốc phòng Nga so với Liên Xô vốn hoạt động theo cơ chế kế hoạch, nghiên cứu và sản xuất phần lớn đáp ứng nhu cầu nội địa. Hiện nay, các tổ hợp nghiên cứu, sản xuất quốc phòng Nga đều đã hoạt động theo cơ chế thị trường, tự hạch toán thu chi.

Việc đẩy mạnh xuất khẩu vũ khí, trang bị quân sự thực sự mang lại lợi ích kép cho ngành công nghiệp quốc phòng Nga. Các đơn hàng xuất khẩu sẽ giúp mang lại nguồn vốn tái đầu tư phát triển công nghệ vũ khí mới, cũng như tạo là nguồn lợi nhuận trực tiếp cho đội ngũ, cơ quan nghiên cứu và phát triển.

Với việc S-500 Prometheus sẽ ra mắt trong năm 2019, Nga hoàn toàn có thể mở rộng cửa xuất khẩu S-400, thậm chí là chuyển giao công nghệ thông qua các hợp đồng xuất khẩu đủ lớn về số lượng và giá trị. Việc này mang lại giá trị kép cho cả Nga và phía quốc gia nhập khẩu

Ngoài ra, một yếu tố nữa cần tính tới là việc đẩy mạnh xuất khẩu S-400 ngoài các giá trị tức thời qua hợp đồng cung cấp, còn mở tiềm năng về dài hạn cho Moscow. Với nhịp độ xuất khẩu S-400 hiện tại, trong vòng vài thập kỷ tới, Nga chắc chắn sẽ có thêm nhiều hợp đồng hậu cần, bảo dưỡng và nâng cấp các tổ hợp S-400 có trong biên chế các nước.

Như vậy, rõ ràng Moscow đã có đủ lý do để đẩy mạnh xuất khẩu S-400 lớn hơn bao giờ hết. Cách người Nga suy nghĩ và làm kinh tế thông qua việc xuất khẩu vũ khí, trang bị quân sự đã khác xưa rất nhiều…

Theo Thời đại/ Phapluatplus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM