Thầm lặng lính quân y trên tuyến đầu chống dịch

08/04/2020 10:21

Kinhte&Xahoi Nhiều ngày qua, đội ngũ y bác sĩ quân y ở Quân khu 4 gác chuyện gia đình, tình cảm cá nhân, lao mình vào cuộc chiến thầm lặng trên dải đất miền Trung gian khó.

Trung tá, bác sĩ Nguyễn Đức Đồng thăm khám cho bệnh nhân nghi mắc COVID-19 Ảnh: PV

Xung phong ở lại 

Mới lập gia đình và chuẩn bị lên chức bố lần đầu tiên nhưng y sĩ Trần Phương Nam (Ban Hậu cần Trung đoàn 9, Sư đoàn 968) gác lại hạnh phúc riêng để thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận và cách ly công dân trở về nước để phòng chống dịch COVID-19. “Hằng ngày, chúng tôi cùng với Trung tâm Y tế huyện Cam Lộ (Quảng Trị) thăm khám, đo thân nhiệt, kiểm tra sức khỏe cho các công dân 2-3 lần, tiến hành phun khử trùng diệt khuẩn các phòng ở; theo dõi các trường hợp nghi nhiễm như ho, sốt cao để sẵn sàng đưa đi kiểm tra...”, anh kể. 

Sau 14 ngày, 164 công dân hết cách ly được về với gia đình trong niềm vui khôn xiết thì cũng là lúc vợ của y sĩ Nam sinh hạ bé trai kháu khỉnh. Thế nhưng, niềm vui nhân đôi của người lính quân y cũng đành phải tạm gác sang một bên. Theo quy định, anh và đồng đội phải ở lại thêm 14 ngày nữa để theo dõi và sẵn sàng đón nhận công dân về cách ly những đợt tiếp theo.

Theo trung tá Nguyễn Trọng Thuyết, Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 9, hoàn cảnh gia đình y sĩ Nam rất khó khăn khi vợ anh chưa có công việc ổn định, hai vợ chồng phải thuê nhà. “Đợt điều động cán bộ, nhân viên tham gia thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận và cách ly, y sĩ Nam được đơn vị giải quyết nghỉ phép về chăm vợ sinh nhưng đã xung phong ở lại cùng với mọi người phòng chống dịch. Đây là tấm gương sáng để đơn vị học tập, noi theo”, trung tá Thuyết nói. 

3 tháng sáng đèn

Gần 3 tháng nay, phòng làm việc của trung tá, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Đức Đồng (Bệnh viện Quân y 4) luôn sáng đèn. Trên bàn làm việc đầy ắp tài liệu, phác đồ điều trị, máy tính thì luôn online để cập nhật thông tin dịch bệnh, tìm hiểu tiến bộ y khoa trong nước và thế giới về phòng chống COVID-19.

Thiếu tá Phan Văn Thành hướng dẫn người dân ở khu cách ly cách giữ gìn, nâng cao sức khỏe để phòng chống dịch bệnh  Ảnh: PV

Công việc chất chồng đồng nghĩa số ngày về với gia đình ít dần đi. Trung tá Đồng dành hầu hết thời gian cho việc thăm khám, chăm sóc bệnh nhân. Những bữa ăn của anh chẳng khi nào đúng giờ vì các cuộc họp đột xuất, đi tuyên truyền ở cơ sở rồi trực tiếp điều trị cho những người nghi nhiễm. Đôi mắt anh thâm quầng, vầng trán hằn lên những vết nhăn…

Trung tá Đồng kể, ngày 14/2, anh cùng đồng nghiệp tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Hồng Quang, quê ở xã Hương Sơn, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Người này về quê ăn Tết, sau đó quay vào Nghệ An làm việc thì có biểu hiện ho, sốt cao, nghi mắc COVID-19. Khi được đưa vào Bệnh viện Quân y 4, bệnh nhân có biểu hiện hoang mang, lo lắng; nhiều cán bộ trong khoa lúng túng vì chưa có phác đồ điều trị cụ thể. Anh cùng kíp trực nhanh chóng tiếp cận bệnh nhân trấn an tư tưởng, đo các chỉ số, khám lâm sàng và đưa vào khu cách ly đã được chuẩn bị từ trước để điều trị. 

“Quá trình điều trị rất căng thẳng, nhiều đêm chúng tôi thức trắng để theo dõi các chỉ số sinh phẩm của bệnh nhân. 14 ngày đó chúng tôi cũng phải cách ly tuyệt đối với xã hội bên ngoài. Sau thời gian cách ly bệnh nhân, mọi người chỉ thở phào nhẹ nhõm khi mẫu xét nghiệm gửi đi cho kết quả âm tính”, trung tá Đồng tâm sự. Cũng chính thời gian 14 ngày cách ly, điều trị cho bệnh nhân đã giúp anh Đồng và cán bộ trong khoa đúc rút được những bài học, kinh nghiệm về phương pháp điều trị ban đầu những ca nghi nhiễm một cách hiệu quả. 

Trung tá Đồng còn đảm nhiệm hàng trăm giờ tuyên truyền cho cán bộ, chiến sĩ và bà con trên địa bàn về cách phòng chống dịch. Trong cuộc diễn tập phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Quốc phòng đầu tháng 3, anh được giao chịu trách nhiệm chính về công tác chuyên môn, thực hành hoạt động cứu chữa bệnh nhân của Bệnh viện Quân y 4.

Bám cửa khẩu, khu cách ly

Từ khi thực hiện nhiệm vụ phòng chống COVID-19, thiếu tá Phan Văn Thành, Chủ nhiệm Quân y, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình, chỉ có mặt ở cơ quan vào dịp cuối tuần hoặc trong giao ban, báo cáo tình hình công việc. Phần lớn thời gian anh có mặt ở cửa khẩu Cha Lo (Quảng Bình) từ tờ mờ sáng để tiếp nhận công dân về nước, buổi chiều là tại các khu cách ly tập trung làm công tác chuẩn bị.

Tối đến, chưa kịp ăn uống, tắm giặt lại tiếp nhận, kiểm tra y tế, sắp xếp nơi ăn nghỉ cho mọi người. Những ngày qua, anh và đồng đội chưa bao giờ có một giấc ngủ trọn vẹn.Việc chăm sóc sức khỏe cho bộ đội vốn đã vất vả, áp lực, nay lại đảm nhận thêm việc bảo vệ sức khỏe cho người dân, nhất là việc phân loại nhóm bệnh nhân có nguy cơ lây nhiễm. “Chúng tôi thay phiên nhau cùng với các lực lượng khác túc trực, canh gác đơn vị. Vất vả nhưng không ai nề hà khi được giao nhiệm vụ và luôn sẵn sàng là điểm tựa cho nhân dân trong dịch bệnh”, thiếu tá Thành nói.

Theo Bộ Tư lệnh Quân khu 4, ở 6 tỉnh Bắc Trung bộ, các đơn vị thuộc Quân khu 4 đang tổ chức 22 điểm cách ly với khả năng tiếp nhận 8.049 công dân, hiện tại đã đón 3.034 người. Tại các địa điểm cách ly này xuất hiện nhiều câu chuyện cảm động về những người lính quân y.

Đó là trung tá quân nhân chuyên nghiệp, bác sĩ Hoàng Nghĩa Đông (Đoàn An điều dưỡng 40 Cửa Hội), dù không phải là bác sĩ chuyên khoa sản nhưng quá trình thực hiện nhiệm vụ đã theo dõi, chăm sóc tốt cho chị Bùi Thị Hằng, quê ở Thanh Hóa, đang mang thai 39 tuần. Đó là thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Vi Thanh Bình (nhân viên Quân y, Trung tâm Giáo dục Quốc phòng - An ninh) trả lại tài sản của người dân đánh rơi…

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nhật Bản chính thức công bố tình trạng khẩn cấp vì Covid-19

Chiều 7-4, trong nỗ lực khống chế và ngăn chặn sự bùng phát của đại dịch Covid-19, Thủ tướng Shinzo Abe đã chính thức ban bố tình trạng khẩn cấp ở bảy tỉnh, thành phố tại Nhật Bản, gồm thủ đô Tokyo cùng với các tỉnh Kanagawa, Saitama, Chiba, Osaka, Hyogo và Fukuoka. Đây là lần đầu tiên tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh được ban bố ở đất nước “Mặt trời mọc” và sẽ có hiệu lực tới ngày 6-5.

Nguồn: Tiền Phong/ Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/giao-duc-suc-khoe/tham-lang-linh-quan-y-tren-tuyen-dau-chong-dich-d121379.html